Connect with us

Hi, what are you looking for?

Các Thánh

GIOAN TẨY GIẢ, GƯƠNG SỐNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ Ở MỌI THỜI ĐẠI | Chuỗi Giáo Hội Bài 11

TMĐP- Thánh Gioan, vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế Ước với tinh thần khiêm tốn xóa mình, tinh thần tôn trọng sự thật, và tinh thần nghèo khó, buông bỏ mọi danh lợi thú.

Thiên Chúa cứu chuộc con người trên dòng lịch sử nhân loại, và trên từng cây số,  cũng như ở mỗi cột mốc  của  thời gian, khoảnh khắc, giai đọan, Ngài đều sai đến những ngôn sứ, chứng nhân để đồng hành với dân Ngài. Vì thế, mỗi nơi, mỗi thời, các  ngôn sứ, chứng nhân  đều được Thiên Chúa  mời gọi trang bị hành trang thích hợp để phục vụ dân Chúa như lòng Chúa mong ước trong  sứ vụ được trao phó.

Tuy mỗi thời, mỗi nơi có những đặc điểm, đặc thù, nhưng không vì thế mà  thiếu một tấm gương chứng nhân ngàn đời thích hợp, một mẫu ngôn sứ  mãi mãi là lý tưởng để noi theo, một gương sống sáng ngời cho những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu ở mọi nơi, mọi thời, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, tình huống. Con người “ngôn sứ” lý tưởng, “người được sai đến” ngàn đời thích hợp và người môn đệ hoàn hảo, tuyệt vời ấy, chính là thánh Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ của giao điểm Cựu Ước và Tân Ước, Tiền Hô của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế.

1/ Người của Thiên Chúa, và trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa:

Có những người được gọi là người của Thiên Chúa, nhưng không trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, như tông đồ Giuđa. Ông được gọi làm môn đệ, được chọn làm tông đồ, được Thầy và anh em Nhóm Mười Hai tín nhiệm trao nhiệm vụ quản lý. Mọi người nhìn vào đều đồng thanh bảo ông là người của Đức Giêsu, nhưng thực tế đã phũ phàng đến nỗi không ai đã có thể tin được Giuđa đã dùng cái hôn vốn biểu hiện tình sâu  nghiã nặng  làm dấu hiệu chỉ điểm bắt Thầy (x. Lc 22, 47-48).

Có những người chức quyền đầy mình, toà cao chói lói vinh quang, nhưng không dùng chức quyền để yêu thương, phục vụ như đòi hỏi của Đức Giêsu, Đấng kêu gọi và tuyển chọn họ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm gía chuộc muôn người” (Mt 20,26-28).

Có những người khi chưa được Thiên Chúa cất nhắc, thì nhỏ nhẹ, khiêm cung, nhưng khi thành công, đạt đến đỉnh cao ngất ngưởng, thì không còn biết mình đã nhận nhưng không và phải cho đi nhưng không (x. Mt 10, 8), trái lại lầm tưởng tất cả là do  tài cán, công lênh, công phúc, công trạng, công sức  của riêng mình.

Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa, và trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa,vì  khiêm tốn nhận ra đời mình là hồng ân, bởi Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của cha ông mà ban cho mẹ ông là người hiếm hoi, “vả lại cả hai đều đã cao niên” (Lc 1,7) một người con mà “ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần” (Lc 1, 15).

Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa và trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, vì khiêm nhường nhận rõ vị thế và bổn phận tiền hô  của mình, khi tự nguyện  xuống thấp,  nhỏ đi, bé lại, và toàn diện  xóa mình để Thiên Chúa được  lớn lên:  “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27), mà không lợi dụng quần chúng đang tung hô, thần tượng mình  để  tiến thân và đánh bóng cái tôi, nhưng chỉ dám nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa: ” Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3, 3);  nhất là  không “đánh lận con đen” trong lúc ai nấy đều nghĩ ông làm phép rửa vì ông là Đấng Thiên Sai, trái lại đã khiêm tốn minh định: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em  trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến … Người sẽ làm phép rửa  cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16).

Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa và trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, khi cởi bỏ tất cả của cải vật chất, tinh thần mà  không giữ  riêng cho mình bất cứ ai, hay bất cứ sự gì, ngay cả các môn đệ thân tín nhất, ông cũng giới thiệu cho Đức Giêsu và họ đã đi theo Ngài (x. Ga 1, 35-39).

Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa và trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, vì qủa cảm, trung kiên với ơn gọi mà bất cứ  thế lực, đe dọa hay hình phạt nào, kể cả  tù đầy và mất mạng sống có thể ngăn cấm, cản trở, bẻ cong, làm méo mó, trệch đường sứ vụ “làm chứng cho ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 7.9).

Tóm lại, Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa và trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, vì ông đã khiêm tốn nhận ra ơn Chúa, khiêm nhường cậy dựa vào Chúa, khiêm hạ buông bỏ tất cả để chỉ một mình Chúa là gia nghiệp, và qủa cảm, trung thành với sứ vụ dọn đường, giới thiệu, làm chứng Đức Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ.

2/ Người của tha nhân và sống chết vì hạnh phúc của người khác:

Điểm đặc biệt ở Gioan Tẩy Giả là ông đã không làm một phép lạ nào, nhưng ông là người được vô số người yêu mến, kính trọng, tin tưởng. Bằng chứng là “người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp miền ven sông Giođan, kéo đến với ông” (Mt 3,5), và không ít người trong họ đã tự hỏi: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!” (Lc 3,15).

Vua Hêrôđê thì một lòng kính trọng, nể sợ, vì “biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông” (Mc 5,20).

Riêng với Đức Giêsu thì “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn  ông Gioan Tẩy Giả ” (Mt 11,11).

Nhưng vì sao và từ đâu Gioan Tẩy Giả được coi trọng như vậy?

Thưa vì Gioan đã hết mình, hết tình sống chết cho người khác: sống chết cho người khác khi làm chứng  sự thật, nghiã là không bao giờ lật lọng, tráo trở, nuốt lời, gian dối, điêu ngoa, ăn không nói có, nên nhiều người bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng” (Ga 10,41); Gioan sống chết vì người khác khi dám nói thật về mình, mà không cường điệu, đánh bóng cái tôi, như trước đám đông, ông chẳng ngại  nhận mình chỉ đáng cởi quai dép cho Đấng sẽ đến sau ông, mà ông đang ra sức cùng mọi người dọn đường cho Ngài bằng chịu phép rửa thống hối; Gioan sống chết cho hạnh phúc của tha nhân khi trở thành “ngọn đèn cháy sáng” để mọi người được vui hưởng ánh sáng (x. Ga 35), và ánh sáng ông làm chứng chính là Đức Giêsu. Ngài là “Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng” (Ga 1,15).

Gioan Tẩy Giả còn được nhiều người thương mến, kính trọng, vì quên mình, bỏ mình, xoá mình để hoàn toàn sống vì người khác: quên mình khi chẳng màng danh lợi thú, nhưng sống nghèo khó, đơn sơ, giản dị: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3,4) ; bỏ mình vì quyền lợi công bằng của người khác, dù  biết sẽ chuốc vào thân vô vàn rủi ro, nguy hiểm, khi lên tiếng khiển trách vua Hêrôđê vì đã lấy bà Hêrôđia là vợ của người anh” (Lc 3, 19); xóa mình để vẹn toàn sứ vụ là tiếng nói của sự thật, ngôn sứ của Thiên Chúa giữa dân Ngài khi chấp nhận bị tống giam và chém đầu (x. Mt 14, 3-12).

Thực vậy, sống chết cho tha nhân, sống chết vì người khác như Gioan Tẩy Giả không dễ chút nào, vì đòi chứng nhân, ngôn sứ phải trung thực với chính mình  và chân thực với người khác. Vì thế, không ít người được chọn đã không đi đến cùng ơn gọi ngôn sứ, chứng nhân của mình, vì không đủ lòng trung thực, cũng như không được nhiều người kính trọng, tin tưởng, vì thiếu chân thực với họ. Bên cạnh là tính hèn nhát, sợ mất chức mất quyền, sợ  ảnh hưởng  đến cái tôi, sợ không có lợi cho tôi,  sợ làm tổn thương, tổn thất những gì tôi có, tôi là,  nên dễ dàng thoả hiệp, sẵn sàng nhượng bộ, đồng loã bán đứng anh em, bán rẻ bề trên bề dưới, và nhân cách, nhân phẩm của chính mình, mà không bao giờ dám lên tiếng bênh vực một người cô thân cô thế, thấp cổ bé miệng bị hàm oan, vu khống, bị hồ đồ quy chụp, buộc tội và lên án bất công.

Giữa cơn lốc xoáy ngày càng dữ dội của khủng hoảng ngôn sứ hôm nay, gương sống của thánh Gioan Tẩy Giả thực sự là ngọn đèn mà bất cứ  ngôn sứ, chứng nhân, môn đệ nào cũng cần hướng về để nhận ra  ánh sáng Đức Giêsu, ánh sáng mà Gioan được “sai đến để làm chứng”, hầu “mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,7).

Ước gì tinh thần khiêm tốn xóa mình, tinh thần tôn trọng sự thật, và tinh thần nghèo khó, buông bỏ mọi ràng buộc của danh lợi thú ở thánh Gioan, vị Tiền Hô của  Đấng Cứu Thế đem lại động lực dấn thân phục vụ Giáo Hội, niềm vui quên mình vì người khác và hạnh phúc bước đi trong bình an của người môn đệ ngày càng muốn trọn vẹn tình nghĩa với Chúa, và mỗi ngày cố gắng thuộcvề Chúa  hơn, cho đến khi được tan biến trong Chúa như giọt nước bé nhỏ được hoà tan trong chén rượu  trên bàn thờ.

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...