TMĐP- Làm sao có thể là đời người không biết đến phong ba bão tố? Có chăng đời ấy bình an, vì thuộc về Thiên Chúa, người ấy được chúc phúc, vì là môn đê Đức Giêsu.
Sau lễ Chúa hiển dung trên núi, ở đó, tông đồ Phêrô đã thưa với Đức Giêsu: “Lạy Ngài, chúng tôi ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mt 17, 4). Phêrô nói thế, vì các ông không muốn xuống núi, bởi vinh quang của Thiên Chúa đang làm các ông ngất ngây hạnh phúc.
Không muốn xuống núi, vì dưới núi là cuộc đời thực với nỗi lo hằng ngày, với thách đố đủ loại, với vất vả khôn nguôi, với đe dọa đêm ngày. Chẳng thế mà Đức Giêsu đã “lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” (Mt 17,7).
Đừng sợ cuộc sống, nhưng hãy ra ngoài, như ngôn sứ Êlia đang lúc lẩn trốn trong hang sâu, vì bị chính con cái Ítraen lùng bắt để lấy đi mạng sống, và Thiên Chúa đã nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua” (1 V ,19,11). Ngài sẽ đi qua trong tiếng gió hiu hiu, sau gió to bão lớn, lửa và động đất (x. 1 V 19,11-12).
Đừng sợ thử thách cuộc đời, nhưng “cứ yên tâm, chính Thầy đây!”, như các môn đệ hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên” (Mt 14, 26), khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các ông, trong khi thuyền các ông bị sóng đánh vì ngược gió.
Đừng sợ những gì đang đến, nhưng “cứ đến với Thầy!” (Mt 14,29), như Phêrô vừa ngỏ lời xin Đức Giêsu: “Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14,28).
Quả thực, Đức Giêsu luôn có mặt trong mọi thử thách của đời sống, và hiện diện ở mọi ngõ quanh, khúc quẹo nguy hiểm của đường đời mỗi người. Ngài ở đó giữa tâm bão cuộc đời để chia sẻ buồn thương, lao đao, khốn khó với chúng ta. Nhưng chúng ta không luôn thấy Ngài, vì con mắt đức tin không đủ sáng ; không luôn nhận ra Ngài, vì chúng ta không nhìn Ngài, mà chỉ chăm chú nhìn bản thân, cậy dựa vào cái tôi, như Phêrô ngày ấy “thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14,30).
Phêrô chìm, vì không nhìn Đức Giêsu, Đấng đã bảo ông: “Cứ đến với Thầy!”. “Cứ đến với Thầy!”, nghĩa là cứ nhìn thẳng Thầy mà tiến bước, cứ mạnh dạn tín thác đến với Thầy, bởi không nhìn thẳng Thầy, không tập trung tất cả vào một mình Thầy, và không hướng đến Thầy là đích điểm, cùng đích, người môn đệ chắc chắn sẽ phân tâm, nghi nan, hoang mang rồi chùn bước, bỏ cuộc, như Phêrô đã chìm vì dáo dác tìm kiếm ngang dọc mà không nhìn Thầy mình; vì dán chặt mắt xuống nước, và bàn chân mình, mà không nhìn vào chính Đức Giêsu.
Kinh nghiệm thiêng liêng của các thánh cho chúng ta biết khi không còn say mê chiêm ngắm Đức Giêsu, Dung Mạo đích thực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, người Kitô hữu sẽ triền miên sống trong lo sợ, vì cuộc sống là chuỗi dài những sự kiện, biến cố làm con người sợ, bởi con người hay sợ và sợ đủ thứ, đủ kiểu, đủ cách, mà điều làm con người sợ nhất lại chính là sợ nhau, sợ đồng loại của mình, bởi chỉ con người mới hại được nhau “tới bến ”, mới biết hại nhau cách tàn nhẫn, thâm độc, khi không còn lòng thương xót.
Vì thế, chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho con người không còn sợ, vì biết mình được Thiên Chúa thương xót; chỉ một mình Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ vô cùng bao dung, nhân dậu mới ban cho con người vốn luôn lo sợ ơn bình an phục sinh của Ngài, cũng như các môn đệ giữa phong ba bão táp trên biển đêm ấy đã chỉ thực sự yên tâm, khi họ nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Mt 14,32).
Một điểm đáng chú ý khác nữa, đó là ngay cả trong công việc loan báo Tin Mừng, mở mang Nước Chúa, thử thách, gian truân, đau khổ, chán chường cũng không buông tha người môn đệ, như thánh Phaolô đã bộc lộ “cõi lòng rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi” của ngài (Rm 9,2), vì Đức Giêsu không được Ítraen, dân thánh của Thiên Chúa đón nhận là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa sai đến trong thế gian để cứu thế gian, mặc dù “họ đã đươc Thiên Chúa nhận làm con , được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phung tự và các lời hứa…. Và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,4-5).
Tóm lại, Đức Giêsu đã không hứa cho người môn đệ đi theo Ngài một đời không giông bão, chông gai, thử thách, nhưng mời gọi người môn đệ bỏ mọi sự, bỏ chính mình, vác thập giá, trở nên tôi tớ phuc vụ và hiến dâng chính mạng sống (x.Mt 10, 37-38; 20,2 ) như chính Ngài đã xoá mình, gánh tội trần gian, phục vụ như tôi tớ, và chết trên Thánh Giá làm giá chuộc muôn người (x. Ga 1,29; 13,12-14; Mt 20, 24 -28).
Một cuộc đời làm chiên gánh tội, một cuộc sống làm lễ tế chuộc tội như thế, làm sao có thể là đời người không biết đến phong ba bão tố, không nếm thương đau, nhục nhằn? Có chăng đời ấy bình an, vì thuộc về Thiên Chúa, người ấy được chúc phúc, vì là môn đê Đức Giêsu.
Jorathe Nắng Tím