TMĐP- Thiên Chúa của Đức Giêsu không là Thiên Chúa làm sợ, nhưng là Thiên Chúa ở với loài người, ở giữa những thiếu thốn, vất vả, cơ cùng của con người, và giao du, đồng bàn với cả những người tội lỗi, vì Ngài yêu thương nhân loại và xót thương tội nhân, mặc dù Ngài gớm ghét tội lỗi.
Các thần ở dân ngoại thời Ápraham đều là những vị làm con người kinh hãi, khiếp sợ, vì mau bất bình, dễ nổi giận, thích trừng phạt, và sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai không làm vui lòng các vị.
Tâm thức ấy ảnh hưởng không ít trên Ápraham, vì thế, khi Thiên Chúa bảo ông đem con trai duy nhất của ông là Ixaác giết đi làm của lễ toàn thiêu kính tế Ngài, thì Ápraham làm ngay, mà không dám thắc mắc, do dự, bởi ông đã quá quen với lễ tế là mạng sống con người của các dân ngoại trong vùng, và ảnh hưởng tâm thức ấy cũng thường gặp trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa được mô tả là Đấng “rất đáng sợ”, vô cùng khả úy (x. Đnl 7,21-24), “vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả úy…” (Đnl 10,17), không chỉ đối với kẻ thù, và ngay với dân Ngài, Thiên Chúa cũng làm sợ, như có lần Ngài đã phán với Môsê: “Hãy xuống cảnh cáo dân đừng đừng kéo nhau lên để xem Đức Chúa, kẻo nhiều người phải lăn ra chết” (Xh 19,21).
Nhưng khi Đức Giêsu đến trong thế gian, Ngài đã làm rõ dung mạo đích thực của Thiên Chúa, mà các ngôn sứ đã loan báo trong Cựu Ước, đó là một Thiên Chúa hiền lành, “khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con” đến với con người để “bẻ gẫy cung nỏ chiến tranh, và công bố hòa bình cho muôn dân”, để không ai phải kinh khiếp, hoảng sợ, nhưng vui mừng, hoan hỷ và vui sướng reo hò (x. Dcr 9, 9-10), vì Ngài là “Đấng từ bi, nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái với mọi người, và tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 144,8-9).
Thực vậy, trong Tin Mừng Mátthêu và Luca (x.Mt 11,25-27 ; Lc 10,21-22), Đức Giêsu đã minh định: Thiên Chúa của Ngài không làm sợ, nhưng yêu thương, không lạnh lùng, xa cách và thân thiện, ân cần, dễ gần, khi mặc khải một sự thật mới của Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa đặc biệt yêu thương những người bé mọn và mặc khải cho họ những điều bí nhiệm thuộc về Ngài, mà không cho những người khôn ngoan thông thái biết; cũng như có lần trong hội đường ở Nadarét, Đức Giêsu đã công bố sứ vụ của Ngài là đến với những người bị xã hội khinh khi, coi thường, khi xác nhận lời ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Mt 4,18-19).
Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn kêu gọi những ai đang vất vả phải mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ngài, và Ngài sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (x. Mt 11,28).
Nói với chúng ta điều này, Đức Giêsu tha thiết mời gọi, động viên, thúc đẩy mọi người hãy đến với Ngài ngay khi tội luỵ, bất xứng mà không sợ bị Ngài lên án, xua đuổi; tìm về gặp gỡ Ngài cả khi thân tàn ma dại, sau năm tháng dài đi hoang, hay những lần vô ơn bạc nghĩa, mà không sợ bị Ngài ruồng rẫy, khai trừ; quay gót trở về mái ấm yêu thương, ở đó có Thiên Chúa là cha hiền ngày đêm mòn mỏi trông ngóng bóng dáng đứa con bất hiếu, phá gia chi tử, mà không sợ bị tước đoạt quyền làm con và thừa kế.
Nói với chúng ta điều này, Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy thôi tạo ra những sa mạc quanh mình, và ngưng xây pháo đài tự cô lập mình, vì chỉ người kiêu căng, ngạo mạn mới tự tin qúa đáng đến độ không cần đến lòng tốt và sự giúp đỡ của người khác, khi cho mình toàn năng, làm được tất cả, trái lại, hãy khiêm tốn nhận mình yếu đuối, vất vả, kiệt lực đang rất cần được Thiên Chúa và anh em yêu thương, nâng đỡ, trợ giúp.
Quả quyết với chúng ta: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30), Đức Giêsu một lần nữa khẳng định: Ngài là “Chiên Thiên Chúa xoá tội trần gian” (Ga 1,29), “đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17) trên đôi vai của một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường, nhân hậu, từ bi, Đấng hằng có mặt để yêu thương, cứu chữa những thân phận khốn khó, bần hàn, mà không từ chối một ai bao giờ.
Tóm lại, Thiên Chúa của Đức Giêsu không là Thiên Chúa làm sợ, nhưng là Thiên Chúa ở với loài người, ở giữa những thiếu thốn, vất vả, cơ cùng của con người, và giao du, đồng bàn với cả những người tội lỗi, vì Ngài yêu thương nhân loại và xót thương tội nhân, mặc dù Ngài gớm ghét tội lỗi. Cảm nghiệm được điều này, thánh Têrêsa Avila đã không ngại quả quyết: Thiên Chúa, vì lòng nhân hậu vô cùng bao la của Ngài, đã không chỉ làm cho những việc còn dở dang, thiếu sót của chúng ta trở nên giá trị, mà còn che giấu những sai trái, tội lỗi của chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn cho phép cả những con mắt có thể nhìn thấy những sai trái, tội lỗi ấy trở nên mù loà, để chẳng ai thấy gì (x. Sainte Thérèse d’Avila, Livre de la Vie,4,10, Cerf,1999).
Ước gì không ai trong chúng ta còn mang mặc cảm sợ hãi Thiên Chúa, nhưng thay vào nỗi sợ không nền tảng đức tin ấy bằng lòng tín thác tuyệt đối ở Đấng ngày đêm tha thiết mời gọi: “Hãy đến cùng tôi! Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”, dù gánh ấy nặng đến đâu và chồng chất bất cứ thiếu sót, yếu đuối, tội lụy nào.
Và chính Chúa sẽ cho chúng ta được cảm nghiệm Chúa tốt lành dường bao và hạnh phúc của kẻ tìm ẩn náu bên Ngài (x. Tv 33, 9).
Jorathe Nắng Tím