Đức Mẹ

HIỆP HÀNH VỚI ĐỨC MẸ | Chuỗi Suy Tư Về “Hiệp Hành”

TMĐP- Ước gì mỗi người công giáo trên đường Hiệp hành biết ngước trông lên Đức Mẹ với Chuỗi Mân Côi trong tay, và trái tim cháy bỏng tình con thảo, để yêu mến Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài với một tình yêu son sắt, trung kiên, mà không tách.

Nếu Đức Giêsu đã vào đời làm người qua cung lòng Đức Mẹ, và tập tễnh những bước chân đầu đời nhờ bàn tay yêu thương dẫn dắt, nâng đỡ của Đức Mẹ, thì người  môn đệ Đức Giêsu cũng không thể đi vào đời Kitô hữu, bước trên hành trình Tin Mừng, nếu không đi với Đức Mẹ, không được Mẹ Đức Giêsu đồng hành, dậy bảo.

Như con thơ đi theo mẹ hiền bằng không rời xa mẹ, nhưng nắm chặt tay, bám chặt  áo mẹ, được mẹ bồng ẵm, và được ôm lấy cổ mẹ. Ôm cổ mẹ ngát hương tình mẫu tử, ôm cổ mẹ thỏ thẻ “Mẹ yêu ơi!”, ôm cổ mẹ cho đời con dại được bình yên là ước mơ tuyệt vời của đời làm con, là hạnh phúc khôn tả mà ai trong chúng ta cũng ít nhiều trải nghiệm lúc còn thơ, khi đã trưởng thành, những lần trở về thăm mẹ già sau  những năm tháng dài  xa nhà, vắng mẹ.

Riêng với người tín hữu công giáo, được sống bên Đức Mẹ, được bước đi theo Đức Mẹ, được ôm cổ Đức Mẹ không chỉ là hạnh phúc lớn, mà còn là nghĩa vụ phải chu toàn như chi thể của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh vì những lý do sau:

1/ Đức Mẹ là Đấng Trung Gian giữa Đức Giêsu là Đầu và Giáo Hội là Thân Thể:

Đức Giêsu khẳng định Ngài là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm, tức  Hội Thánh, và tất cả chúng ta là chi thể của Thân Thể ấy, như thánh Phaolô đã viết: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12, 27). Phần Đức Kitô, “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghiã là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18).

Trong Thân Thể mầu nhiệm này, Đức Maria là Đấng Trung Gian giữa Đức Giêsu là Đầu, và tất cả chúng ta là chi thể của Thân Thể ấy, vì Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đồng thời làm Mẹ nhân loại, Mẹ các tín hữu để tất cả chúng ta được làm em của Đức Giêsu.

Quả thực, Đức Maria là Đấng Trung Gian thần thế giữa Đức Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ giầu lòng thương xót và loài người được thương xót, cứu chuộc, như Đức Giêsu đã công khai chứng thực quyền năng trung gian của Mẹ Ngài qua phép lạ đầu tiên khi làm cho sáu chum nước lã hoá thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana, nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ, khi ghé tai Chúa nói nhỏ: “Họ hết rượu rồi” và dặn dò gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,3.5).

Nhờ có Đức Mẹ, Đấng mà Đức Giêsu không hề từ chối bất cứ điều gì, mà nhân loại  nhận được chan chứa, đầy tràn lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cha FR. Chris Alar, MIC một lần khi giảng về vị trí quan trọng của Đức Mẹ trong Giáo Hội đã nói như sau: “Trong thân thể con người, cổ là bộ phận duy nhất nối kết thân duới với đầu. Trong Giáo Hội cũng thế, chúng ta là “thân thể Đức Kitô”, và để kết nối “Đầu là Đức Kitô”, chúng ta phải đi qua “Cổ là Đức Mẹ”.

Phải đi qua Cổ để đến với Đầu, chúng ta cũng phải đi qua Đức Mẹ để đến với Đức Giêsu  –  Per Mariam ad Jesum, vì Đức Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, là người có Đức Giêsu, cũng là người Kitô hữu đầu tiên và tuyệt hảo.

Vì thế, không đi với Mẹ, chúng ta không thể biết Đức Giêsu là ai; không ở với Đức Mẹ, chúng ta không thể biết Đức Giêsu muốn gì ở chúng ta; không noi gương sống của Đức Mẹ, chúng ta không thể trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu; không bám chặt lấy Đức Mẹ, chúng ta không thể đứng vững trước sức mạnh cuồng phong của hỏa ngục, và tất nhiên, không có Đức Mẹ đồng hành, chúng ta không thể bình an tiến bước trên đường Hiệp Hành.

2/Đức Mẹ là Đấng hằng thương yêu, cứu giúp:

Quà tặng vô cùng lớn lao Thiên Chúa ban cho nhân loại nói chung và Giáo Hội nói riêng là Đức Maria, người nữ được chúc phúc hơn mọi người nữ và là máng thông ơn thương xót của Thiên Chúa cho loài người.

Vì thế, hạnh phúc của Đức Mẹ là  thương yêu, cứu giúp con cái trong mọi hoàn cảnh, và  điều này đã được minh chứng qua dòng lịch sử cứu độ, khi Đức Mẹ luôn đồng hành thương yêu, đồng hành chia sẻ, đồng hành cứu giúp nhân loại, bởi hơn ai hết, Đức Mẹ hiểu thế nào là niềm vui của người nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa đóai thương nhìn tới, diễm phúc được Đấng Toàn Năng làm cho biết bao điều cao cả, và bình an sâu lắng của trái tim hiền lành, khiêm nhường luôn cậy dựa vào sức mạnh của cánh tay và lời hứa thương xót của Thiên Chúa (x. Lc 1,46-55), nên Đức Mẹ luôn sẵn sàng cứu giúp những ai chạy đến kêu cầu, vì  Mẹ biết rõ hơn ai hết chúng ta cần Thiên Chúa thương xót biết bao.

Quả thực, người công giáo có phúc hơn anh em Tin Lành, vì chúng ta có Đức Maria là Mẹ. Nhờ có Mẹ, đàn con được yên vui; vì có Mẹ, đời chúng ta không cô đơn, sầu thảm, vì Mẹ  chúng ta là Mẹ Đức Giêsu, người mẹ được sủng ái và có thần thế trước mặt Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đó là lý do không mấy ai trong chúng ta không kêu xin Đức Mẹ, vì chẳng ai đến xin Mẹ lại trở về tay không, vì Mẹ rất nhân lành, và tinh tế, bén nhậy trước những khốn quẫn, nhu cầu của đàn con. Vì thế ai nấy đều có những “bí mật tình yêu với Đức Mẹ”. Đó là những phép lạ kín đáo, riêng tư mà chỉ bản thân người được Đức Mẹ ban cho mới sâu sa cảm nhận được.

Bên cạnh rất nhiều lần hiện ra và phép lạ, Đức Mẹ muốn chúng ta nhận ra Mẹ là người mẹ yêu thương dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu, Con Mẹ, và không ngừng nói với chúng ta: “Chúa bảo gì, chúng con cứ  làm như vậy”, như đã nói với các gia nhân ở tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

3/ Trông lên Đức Mẹ:

Giáo Hội hiệp hành mà không có Đức Mẹ như Sao Mai dẫn đường, như Sao Biển định hướng, thì Giáo Hội khó lòng theo đúng con đường Chúa muốn Giáo Hội đi, vì Đức Giêsu trước khi tắt thở trên Thánh Gia đã giao phó Giáo Hội cho Đức Mẹ khi thưa với thân mẫu: “Thưa Bà, đây là con của Bà”, và nói với môn đệ Gioan: “Đây là mẹ của anh” “khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh” (Lc 19,26- 27).

Môn đệ Gioan là người đại diện Giáo Hội dưới chân Thánh Giá để nhận lời trăn trối quan trọng của Thầy và “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”(Lc 19,27).

“Nhà mình” đây là Nhà Giáo Hội, ở đó người Kitô hữu được quây quần sống bên Mẹ, được Mẹ chỉ bảo, an ủi, đỡ nâng, nhất là được trông lên Mẹ như tấm gương đời sống đức tin, đức ái, đức trông cậy ngời sáng của người Kitô hữu thứ nhất,  hoàn hảo, luôn đẹp lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta trông lên Đức Mẹ để sống hiền lành, khiêm nhường; trông lên Đức Mẹ để học tuyệt đối  phó thác và  hy sinh quên mình; trông lên Đức Mẹ để biết “Xin Vâng” thánh ý Thiên Chúa trong mọi điều kiện, tình huống mà không mặc cả, càm ràm; trông lên Đức Mẹ để đón nhận mọi thử thách trên con đường của Đức Giêsu mà không e ngại, chùn bước, thối lui; trông lên Đức Mẹ để luôn được  cùng Đức Mẹ “hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, vì phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,47-48).

Nhưng quan trọng hơn chính là trông lên Đức Mẹ để học với Đức Mẹ lòng thương xót. Lòng thương xót được Mẹ dạy trong kinh Mân Côi với từng chặng của hành trình mầu nhiệm thương xót của  Đức Giêsu, Con Mẹ.

Quả thực, kinh Mân Côi là qùa tặng tình yêu mẫu tử của Đức Maria  ban cho con cái loài người, bởi kinh Mân Côi không chỉ là  mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại  mà Đức Mẹ “hằng ghi nhớ tất cả trong lòng”(x. Lc 2,41), và nay Mẹ trao cho chúng ta tiếp tục sống mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa theo gương Mẹ, nhưng kinh Mân Côi còn là khí giới Thiên Chúa dùng để trang bị những ai thuộc về Ngài trong trận chiến chống lại quyền lực tối tăm.

Người viết xin ghi lại câu chuyện có thật tại giáo phận Maiduguri, nước Nigeria, Phi Châu, và chính đức cha Olivier Dashe Doemen Giám Mục giáo phận đã được ơn thị kiến này: Tháng 4 năm 2014, nhóm khủng bố hồi giáo Boko Haram bắt cóc hơn 200 nữ sinh tại trường trung học trong giáo phận của ngài.

Tháng 12 năm đó, Chúa Giêsu hiện ra với đức cha vào một buổi chiều  khi ngài đang lần chuỗi Mân Côi  và đưa cho ngài một thanh kiếm. Nhưng lạ thay, khi nhận vào tay, thì thanh kiếm biến ngay thành Tràng Chuỗi Mân Côi.

Ngài lập tức kêu gọi toàn giáo phận tập trung liên lỷ ngày đêm  lần hạt Mân Côi, và ngày 13.10.2016, lễ Đức Mẹ Fatima, vài chục nữ sinh bất ngờ được trả tự do; tiếp đến giữa tháng  hoa Đức Mẹ năm 2017,  số nữ sinh còn lại được thả hết về và ngày 03.07.2017, lễ thánh Tôma Tông Đồ, 700 tay súng của nhóm Boko Haram đã buông vũ khí quy hàng chính phủ Nigeria.

Hôm nay trên đường Hiệp Hành, Giáo Hội cũng đang vượt qua những khúc quanh cheo leo, trắc trở, những thác ghềnh trơn trượt, hiểm nguy, và  chung quanh đoàn chiên Giáo Hội, ngày đêm đàn sói dữ gầm gừ  đe dọa, rình rập. Nhưng Giáo Hội lại được sai vào những nơi khó khăn đó, như bài sai của Giêsu: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 16-20).

Ước gì mỗi người công giáo chúng ta  đang cùng Giáo Hội trên đường  Hiệp hành biết ngước trông lên Đức Mẹ với Chuỗi Mân Côi trong tay, và trái tim cháy bỏng tình con thảo dành cho Mẹ hiền trên trời, để yêu mến Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài với một tình yêu son sắt, trung kiên, mà không tách rời Đức Giêsu là Đầu ra khỏi Giáo Hội là thân, bằng cắt bỏ Đức Mẹ là Cổ nối kết thân với Đầu; để học với Mẹ  biết sẵn sàng lắng nghe, mau mắn đáp lời và qủang đại mở lòng đón nhận Thần Khí Thiên Chúa, như Mẹ đã khiêm nhường, tín thác và qủa cảm thưa “Xin Vâng” khi nghe sứ thần nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).

Yêu mến Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài, đồng thời lắng nghe và đón nhận Thần Khí như Đức Mẹ, chúng ta sẽ được Chúa ban ơn khôn ngoan của người môn đệ có lòng thương xót, và tinh thần đơn sơ của người nữ tỳ hèn mọn luôn hớn hở vui mừng trong Chúa, vì biết mình được Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ đoái thương nhìn tới và làm cho biết bao điều cao cả vì danh chí thánh chí tôn của Ngài là Thiên Chúa của lòng Xót Thương (x. Lc 1,46-48).

Jorathe Nắng Tím       

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version