TMĐP- Hiệp Hành với các Tiền Nhân trong Đức Tin, đường Hiệp Hành sẽ sâu lắng Hiệp Thông, sẽ phấn khởi Tham Gia, Cộng Tác, sẽ nhiệt tình cùng nhau thực thi Sứ Vụ như lòng Chúa mong ước.
Đức Maria trong kinh Tán Tụng đã không đơn độc “ngợi khen Đức Chúa”, nhưng ngợi khen với “tất cả những ai từ đời nọ đến đời kia đã kính sợ Chúa” (Lc 1.46.50); đã không một mình “hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ”, nhưng vui mừng hớn hở với tổ tiên, cha ông là “tiền nhân” đã nhận lời hứa độ trì của Giavê Thiên Chúa (Lc 1, 47.51-52); đã không kiêu căng tự nhận mình là người duy nhất có phúc, vì được “Đấng Toàn Năng làm cho biết bao điều cao cả”, nhưng khiêm tốn và hãnh diện nhận mình là con cháu của tổ phụ Ápraham, con dân của một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc (x. Lc 1, 48-49.55).
Mẹ thực là người con hiếu thảo “biết cội nhớ nguồn” của gia đình, gia tộc; là con dân cao qúy không quên nòi giống, nhưng suốt đời gắn bó thiết thân với lịch sử, truyền thống của quê hương, dân tộc; là người tín hữu có đức tin sống động luôn bước đi trên hành trình sứ vụ và đằm thắm đặt đời mình trong giòng lịch sử Ơn Cứu Độ.
Là người Kitô hữu hoàn hảo, và Mẹ của mọi Kitô hữu, Đức Maria không vắng mặt trên đường Hiệp Hành hôm nay của Giáo Hội, không vắng bóng từ mẫu bên đàn con lữ hành, không ở xa những môn đệ của Đức Giêsu, Con Mẹ như Mẹ đã hiện diện giữa các thánh Tông Đồ để trở thành tấm gương Hiệp Hành tuyệt vời giữa Dân Chúa bằng sống tâm tình Hiệp Thông một cách trọn vẹn, tròn đầy, sâu sắc, không chỉ hiệp thông “ở đây và lúc này”, giữa những người có mặt, những Kitô hữu đang sống, nhưng còn hiệp thông với tất cả mọi người đã tin từ con người thứ nhất trong lịch sử nhân loại đến các tiền nhân đức tin xuyên suốt lịch sử cứu độ; từ các tổ phụ ở buổi đầu được kêu gọi đến chúng ta là miêu duệ nối tiếp hành trình đức tin của các vị. Và đó chính là lý do không cho phép chúng ta “Hiệp Hành hôm nay” mà bỏ quên cha ông” hôm qua đã Hiệp Hành “trong đức tin để chúng ta được sinh ra và trở thành những đứa con trong gia đình Giáo Hội.
1/ Tiền Nhân trong đức tin của chúng ta là ai?
Các vị là những người được Thiên Chúa “nói với” (x. Dt 1,1), được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn như lời cầu nguyện của ông Giônathan: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật… Ngài là Đấng cứu thoát Ítraen khỏi mọi tai họa, là Đấng tuyển chọn và thánh hoá cha ông chúng con” (2 Mcb 1,24.25), và với các vị, Thiên Chúa đã thề hứa (x. Dt 7,8), và ký kết Giao Ước yêu thương của Ngài, mà chúng ta là con cháu được hưởng nhờ, như sách Công Vụ Tông Đồ đã khẳng định: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại …” (Cv 13,32). Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma còn nhấn mạnh: chúng ta là những người đuợc Thiên Chúa yêu thương “là nhờ các tổ phụ” (x. Rm 11,28), tiền nhân, cha ông của chúng ta đã trung thành với Giao Ước.
Các vị là tổ tiên, cha ông của chúng ta đã gìn giữ Giao Ước, bảo vệ kho tàng đức tin và truyền thống của Giáo Hội bằng đời sống chứng nhân quả cảm, hy sinh, bằng xương máu và chính mạng sống của mình. Không có các vị, đã không có chúng ta; không có máu các vị, không có người Kitô hữu, nên những gì chúng ta nhận được hôm nay, chính là hoa trái từ các vị là những hạt giống đức tin được gieo xuống đất, thối rữa đi để nảy mầm, lớn lên và sinh nhiều bông hạt.
Khi tưởng nhớ các tiền nhân trong đức tin, chúng ta không chỉ nhớ đến các thánh tổ phụ, các thánh Tông Đồ, các thánh nam nữ, nhưng còn nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân nhân thuộc huyết tộc và các Đấng Bậc trong gia đình Giáo Hội Việt Nam. Các vị là những Giám Mục, cha xứ, cha phó, cha giáo thầy giảng, nữ tu đã gieo hạt giống đức tin, đức ái, đức trông cậy trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta. Các vị là thầy dậy đức tin, là gương sáng đức ái, là bạn đường của chúng ta trên hành trình hy vọng, mà không có các vị, chúng ta đã không được diễm phúc biết Chúa và yêu mến, phụng sự Ngài như con cái trong gia đình Giáo Hội.
2/ Hiệp Hành với Tiền Nhân là chính đáng, công bình và cần thiết:
Là chính đáng vì không thể hiệp hành, nếu không hiệp thông; không thể đồng hành trong đức tin, nếu không đồng tâm nhất trí trong đức ái và hiệp nhất, hiệp lực trong đức trông cậy, nên Giáo Hội hiệp hành hôm nay không thể bỏ quên hiệp thông với tiền nhân đã mở ra và xây dựng con đường Hiệp Hành hôm qua, vì Giáo Hội là Giáo Hội hiệp thông, vì Giáo Hội là cộng đoàn “chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32), “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha” ( x. Ep 4,4-6).
Vì thế, tính Hiệp Thông mầu nhiệm của Giáo Hội đòi buộc chúng ta, những Kitô hữu đang trên đường Hiệp Hành hôm nay phải nối tiếp những bước chân của cha ông trong qúa khứ, nếu không, con đường hiệp hành là lối sống của Giáo Hội, là sợi giây xuyên suốt từ đời này đến đời kia liên kết các tín hữu của mọi thế hệ trong Đức Giêsu sẽ có lúc bị tắc nghẽn, đứt đoạn.
Hiệp Hành với tiền nhân còn là đòi hỏi của công bình, vì “uống nước nhớ nguồn”, “ăn qủa nhớ kẻ trồng cây”. Vì thế, người Kitô hữu “hôm nay” bởi đã được cưu mang, nuôi lớn, và trưởng thành nhờ đức tin của cha ông, và đời sống chứng nhân gương mẫu của tiền nhân “hôm qua”, nên không thể bỏ rơi tiền nhân anh dũng, cha ông yêu thương của mình bên lề hành trình Hiệp Hành, trái lại, lòng biết ơn thúc bách chúng ta gắn bó thiết thân và liên lỷ hiệp thông với các ngài.
Đàng khác, Hiệp Hành với tiền nhân là “phải đạo”, vì đạo làm người, đạo làm con cái là đường dẫn đến đạo làm con Thiên Chúa như giới răn thảo hiếu Chúa dậy, nên loại bỏ cha ông ra khỏi con đường các ngài đã xây dựng, loại bỏ các ngài ra khỏi đời sống đức tin của con cái do chính các ngài đã khai tâm, đào tạo, thì chẳng khác nào cố tình xúc phạm các ngài.
Sau cùng, Hiệp Hành với tiền nhân là cần thiết, vì hơn ai hết, cha ông của chúng ta, tuy không còn có mặt bằng xương bằng thịt trên thế gian, nhưng vẫn sống và yêu thương chúng ta trong sự sống siêu nhiên của những người đang được chiêm ngắm Thiên Chúa trong vương quốc Nước Trời, và từ Thiên Đàng, cùng với Giáo Hội chiến thắng, các ngài luôn đồng hành với Giáo Hội lữ hành bằng “cầu thay nguyện giúp”, hiệp thông với Giáo Hội chiến đấu bằng bầu cử, và nài xin ơn phù trợ cho chúng ta trước nhan Thiên Chúa. Các ngài không quên Giáo Hội lữ hành mà các ngài đã là thành viên, cũng như không rời bỏ Hội Thánh như chi thể không lià bỏ thân thể, nhưng hiệp nhất nên một với các chi thể trong cùng một Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giêsu là Hội Thánh của Ngài, ở đó, Giáo Hội chiến thắng khải hoàn, Giáo Hội lữ hành chiến đấu, Giáo Hội thanh luyện hy vọng, tất cả hiệp nhất nên một trong trái tim Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu.
3/ Bí Tích Thánh Tẩy cho chúng ta được trở nên con cái của gia đình Thiên Chúa:
Sở dĩ công cuộc Hiệp Hành của Giáo Hội lữ hành giữa thế giới không gạt ra ngoài lề các Tiền Nhân của Giáo Hội khải hoàn trên Trời, nhưng con đường Hiệp Hành của Giáo Hội chiến đấu trên dương thế luôn cần sự có mặt đồng hành yêu thương, đồng hành phù hộ, đồng hành bầu cử, đồng hành”cầu thay nguyện giúp” của Giáo Hội chiến thắng trên thiên đàng là vì tất cả các tiền nhân đã đi đến đích trên hành trình đức tin, cũng như các linh hồn đang được thanh luyện, và mọi người Kitô hữu đang sống đã chịu chung một phép rửa, nhận chung một Thánh Thần để được trở nên con cái của Cha trên trời, anh em của nhau trong gia đình Thiên Chúa.
Đây chính là nền tảng của mầu nhiệm Hiệp Thông giữa các tín hữu, là điều kiện và lý do căn bản cho phép chúng ta khẳng định: con đường Hiệp Hành của chúng ta hôm nay tiếp nối con đường Đồng Hành của các tiền nhân, cha ông chúng ta hôm qua. Chính Bí Tích Thánh Tẩy cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và anh em với nhau; chính Phép Rửa trong nước và Thánh Thần đặt tất cả chúng ta trên cùng một con đường, và đòi hỏi Hiệp Hành với nhau, nghiã vụ Đồng Hành với nhau không còn là đòi hỏi, nghiã vụ của Lề Luật, nhưng là nghiã vụ, đòi hỏi của Đức Tin, như Ápraham và dòng dõi ông đã nhận được lời hứa của Thiên Chúa không phải chiếu theo Lề Luật, nhưng nhờ lòng tin, bởi “vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa” (Rm 4,16).
Thực vậy, nhờ Bí Tích Rửa Tội, Hiệp Hành không còn là công việc riêng của một nhóm người trong Giáo Hội, hay của một thành phần đặc biệt nào đó thuộc cơ chế Giáo Hội, nhưng là công cuộc chung của toàn thể Giáo Hội bao gồm cả những tiền nhân trong đức tin đã qua đời, vì Giáo Hội là gia đình Thiên Chúa, tín hữu là con cái Thiên Chúa và là anh em của nhau.
Chân lý này được mặc khải qua Phép Rửa của Đức Giêsu bên bờ sông Giôđan, ở đó “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Thực ra, Đức Giêsu không cần phải chịu Phép Rửa, bởi “chính Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống” (Ep 5,26), và “bất cứ ai.. được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27), nhưng Ngài đã tự nguyện đến gặp Gioan Tẩy Giả và xin chịu Phép Rửa như mọi người, bởi Ngài muốn mặc khải cho chúng ta biết: chúng ta được thực sự trở nên con của Thiên Chúa qua Phép Rửa.
Vì thế, Phép Rửa của Đức Giêsu là “Phép Rửa mặc khải”, mà không là “Phép Rửa thanh tẩy” như Phép Rửa chúng ta chịu, nghĩa là qua Phép Rửa của Ngài, chúng ta nhận biết ân huệ Thiên Chúa ban khi chúng ta chịu Phép Rửa, đó là những ai tin vào Đức Giêsu và chịu Phép Rửa sẽ nhận được Thánh Thần và được Chúa Cha gọi là “con yêu dấu” (Mt 3,17), như quang cảnh Thánh Thần ngự xuống trên Ngài và có tiếng Chúa Cha âu yếm nói với Ngài: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1,11).
Ước gì trên đường Hiệp Hành, khi hiệp thông, tham gia, cộng tác, thi hành sứ vụ, chúng ta không bỏ quên các Tiền Nhân. Các Đấng là cha ông đã gieo hạt giống đức tin không chỉ trên giải đất quê hương, mà còn trong tâm hồn con cháu; các Đấng không chỉ là gương mẫu Hiệp Hành nhưng còn là những Chứng Nhân lữ hành trên hành trình Yêu Thương, Phục Vụ; các Đấng không chỉ là những Thợ Xây nhà thờ, nhà xứ, nhà dòng, trường học, nhà thương, nhà trẻ, viện dưỡng lão, trại mồ côi, trung tâm cai nghiện, mà còn là những Thợ Xây Chuyên Nghiệp được trái tim Thiên Chúa đào tạo đã xây những cộng đoàn hiệp nhất, xây những tâm hồn nghèo khó, khiêm tốn, hiền lành, xây những trái tim hay chạnh lòng thương xót, những tấm lòng qủang đại, khao khát công chính, tìm kiếm hoà bình, nhất là xây những cuộc đời sẵn sàng xóa mình để vui lòng chịu sỉ vả, vu khống, hàm oan, bách hại vì Nước Trời (x. Mt 5,3-11).
Được như thế, nghĩa là Hiệp Hành với các Tiền Nhân trong Đức Tin, chúng ta nắm chắc đường Hiệp Hành sẽ sâu lắng Hiệp Thông, sẽ phấn khởi Tham Gia, Cộng Tác, sẽ nhiệt tình cùng nhau thực thi Sứ Vụ như lòng Chúa mong ước.
Jorathe Nắng Tím