Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

  HY SINH THÌ CÓ, XÓA MÌNH THÌ KHÔNG

TMĐP- Xóa mình là phần thưởng vinh quang của người môn đệ, vì chỉ xóa mình, người môn đệ mới  đích thực thuộc về Đức Giêsu, và thực sự là khí cụ hữu hiệu của Ngài, vì được nên một với Ngài, Đấng đã hoàn toàn xóa mình.

Với bất cứ người nào đến xin theo Ngài, hoặc Ngài đích thân  đến gặp và ngỏ lời mời gọi họ, Đức Giêsu đều đề nghị “Ai muốn theo tôi, phải từ  bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”( Mc 8,34). Đề nghị này không miễn trừ bất kỳ ai, và là điều kiện không thể thiếu đối với những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Ngài.

1. Thứ tự ưu tiên của điều kiện:

Đề nghị và cũng là điều kiện được Đức Giêsu đề ra có một thứ tự ưu tiên không thể chối cãi: bước đầu tiên và ưu tiên hàng đầu là từ bỏ mình, còn được diễn tả bằng cụm từ “xóa mình”, bước thứ hai là vác thập giá mình, tức hy sinh, rồi mới có thể cất bước đi theo làm môn đệ Ngài.

Thứ tự ưu tiên này cũng là thứ tự Đức Giêsu đã chọn cho mình trong chương trình nhập thể làm người, mà thánh Phaolô đã tóm tắt: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Đây là ưu tiên thứ nhất: ưu tiên xóa mình, từ bỏ mình. Xoá mình ở đây là không còn giữ lại bất cứ sự gì cho mình nữa, như Ngôi Lời Thiên Chúa đã không bám víu vào vinh quang Thiên Chúa của mình, không  gắn chặt mình vào địa vị Thiên Chúa với tất cả quyền năng vô cùng của một Thiên Chúa.

Hành động xóa mình của Ngôi Lời là hành động từ bỏ triệt để. Vì thế, thánh Phaolô đã dùng những từ rất mạnh và quyết liệt như: “nhất quyết, hoàn toàn, trở nên giống, sống như”, để nhấn mạnh mức độ toàn diện, toàn thể, toàn phần  của việc xóa mình.

Thực hiện xong việc  “Xóa Mình” là ưu tiên một, khi trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân”, Ngôi Lời mới bước vào hy sinh khi vâng lời, “bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8). Ngài đã không hy sinh trước khi xóa mình, vì không thể đảo ngược thứ tự ưu tiên, điều mà con người chúng ta thường làm, khi “thà hy sinh nhiều, nhưng không chịu để mất mình”.

Ý nghĩ mang tính nhân loại này không phù hợp với đòi hỏi của Thiên Chúa, vì với Ngài: điều chính yếu là xóa mình để hoàn toàn thuộc về Ngài, nên hy sinh nhiều mà không muốn xóa mình, hy sinh cả đời mà đời mình không muốn xóa, thì  “số nhiều”  hy sinh ấy cũng được coi là “chẳng bao nhiêu”, vì thiếu quá nhiều giá trị và ý nghĩa của đời người môn đệ.

2. Có hy sinh nhưng không xóa mình:

Nếu Đức Giêsu đã chọn xóa mình như ưu tiên một, và đề nghị người môn đệ xóa mình như bước  thứ nhất, khởi đầu  hành trình đi theo Ngài, thì với hầu hết chúng ta, xóa mình là điều kiện quá khó và thường được kín đáo ngụy trang, để  tự giải toả mặc cảm “không chân thành muốn xóa mình như Chúa đòi hỏi”.

Sở dĩ xóa mình quá khó, vì không ai muốn mất mình, muốn bỏ mình, muốn tên tuổi mình bị phai mờ, vinh quang mình bị hủy bỏ, uy tín mình bị vùi dập, công trạng mình bị  lãng quên, danh phận mình bị mai một, hoài bão mình không đuợc thực hiện,  và tấm lòng cũng như cuộc đời mình không được hậu thế tiếc thương, tưởng nhớ.

Thực vậy, người ta có thể hy sinh rất nhiều, nhưng khó có thể hy sinh mất mình; có thể hy sinh tất cả, nhưng trừ hy sinh chính mình; có thể hy sinh đến cùng, nhưng mình không chịu để mất. Đó là lý do có rất nhiều người hy sinh, nhưng đến lúc phải xóa mình, bỏ mình thì không thấy ai; có vô số những  người hăng hái hy sinh, nhưng khi có biến, có chuyện, thì chung quanh hiu quạnh, vắng vẻ, bởi ai cũng phải lo bảo vệ mình, ai cũng sợ mất mình, ai cũng tìm đường để mình không bị mất; và đó đây vẫn trùng trùng điệp điệp những đám đông nối đuôi nhau hô hào hy sinh, xuống đường hy sinh, và họ có hy sinh thật, nhưng đụng chuyện phải xóa mình, thì chẳng còn lại mấy người, vì chẳng ai dại dột dấn thân hy sinh mà lại để mất mình, vì người khác.

Quan sát những con người đang hy sinh và nhìn vào chính bản thân cũng được coi là  người rất hy sinh, chúng ta thấy gì?

Chúng ta thấy hầu hết đều hy sinh cho một mục đích tốt, công trình tốt, nhưng ở đó, không được thiếu phần tốt dành riêng cho người hy sinh; thấy ai cũng có thể hy sinh, nếu hy sinh sẽ đem lại ít nhiều lợi riêng cho mình; thấy động cơ  thúc đẩy hy sinh thường  không là động cơ được tuyên truyền vang dội, rỉ rả suốt  đêm ngày trên loa phóng thanh, nhưng là thứ động cơ “vì mình” rất   mãnh liệt  nhưng kín đáo, bí mật, được khéo léo nguỵ trang, che đậy,  bằng chứng là bao nhiêu phong trào, tổ chức, hoạt động  đã tan thành mây khói, rơi rụng như lá muà thu, khi hy sinh của các thành viên đã không đạt mục tiêu có lợi cho bản thân họ.

Nói như thế không có nghiã tất cả hy sinh đều nhắm đến lợi ích cá nhân, mọi người đang hy sinh đều tìm quyền lợi riêng tư, đều xây dựng chỗ đứng, và vinh quang của bản thân, nhưng điều muốn nói và cần nói ở đây, chính là chúng ta luôn phải đối đầu với cám dỗ “không chịu xóa mình”, và  cám dỗ này sẽ dẫn đến một cám dỗ khác nguy hiểm hơn, đó là hy sinh tất cả miễn sao bảo vệ được mình, giữ được nguyên vẹn bản thân mình.

3. Người môn đệ đích thực của Đức Giêsu và xóa mình:

Kinh nghiệm đạo đức ít nhiều cho người môn đệ thấm thiá cái khó khi phải bỏ mình, xóa mình trước ý của Bề Trên, đồng thời cũng cho người môn đệ cảm nghiệm mức độ khác biệt giữa ưu tiên một là xóa mình và ưu tiên hai là hy sinh.

Tuy cùng là điều kiện để trở thành người môn đệ, nhưng ưu tiên một nặng nề hơn, vì nặng ký hơn các ưu tiên khác, bởi “cái tôi, cái mình” bao giờ cũng vĩ đại nhất, quan trọng nhất, oai phong lẫm liệt nhất, không thể xê dịch, dời đổi, mà chỉ muốn phình ra to hơn, nặng hơn đến vô tận …

Chính vì xóa mình không dễ, nên người môn đệ liên lỷ  bị cám dỗ “thà hy sinh nhiều, chứ không  xóa mình, hay để mình bị xóa”, và điều này đã tạo nên căng thẳng nội tâm  ở người môn đệ.

Căng thẳng vì xóa mình là điều kiện quan trọng không thể bỏ qua, là bước thứ nhất, ưu tiên một, là tình trạng phải có của người môn đệ, bởi không xóa mình thì cho dù có hy sinh đến mấy, người môn đệ vẫn chưa trọn vẹn thuộc về Đức Giêsu, chưa toàn tâm toàn ý tận hiến đời mình cho Ngài, chưa tháo cởi những thứ thuộc “đời riêng, riêng đời” như ý riêng trước Thánh Ý. Và vì chưa thuộc trọn về Chúa, chưa hoàn toàn sẵn sàng để Chúa làm điều Chúa muốn trên cuộc đời mình, chưa thực tình muốn trở thành khí cụ ngoan ngùy, vâng phục trăm phần trăm ý muốn của Thiên Chúa, trong khi đòi hỏi để đi theo Đức Giêsu là phjải từ bỏ mình, xóa hẳn  mình, nên người môn đệ lúc nào cũng  cảm thấy lấn cấn, lăn tăn, ngượng ngùng, và “niềm vui của Thầy  không nên  trọn vẹn” (x. Ga 15,11) trên hành trình đi theo Thầy.

Thực vậy, tất cả những hy sinh là thập giá mà người môn đệ được mời gọi vác đều nhắm đến việc xóa mình để người môn đệ hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu trên đường đi theo Ngài.

Những hy sinh “không còn của cải, khi Đức Giêsu bảo người thanh niên giàu có đem “bán hết tài sản của anh  và cho người nghèo” (Mt 19,16-21) cũng chỉ nhắm đến mục đích xóa mình, nghĩa là hy sinh trở thành người không còn của cải để xóa “cái mình giàu có, xóa cái tôi đại gia”, hầu trở thành một con người mới hoàn toàn tự do, một tạo dựng mới không bị của cải ràng buộc: môn đệ của Đức Giêsu. Người thanh niên giàu có này đã hy sinh rất nhiều, khi giữ trọn lề luật: không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, thờ mẹ kính cha, yêu đồng loại như yêu chính mình (x. Mt 19,18-19), nhưng khi phải xóa mình, để đạt mức “người môn đệ đích thực của Đức Giêsu”, thì anh đã không dám, nhưng “buồn rầu bỏ đi”, và nguyên nhân nền tảng khi chọn bỏ đi,  chính là anh đã không chịu để mất cái mình trọc phú, cái tôi đại gia, đã được làm nên nhờ của cải.

Cũng vậy, rất nhiều những  hy sinh  khác của người môn đệ, như hy sinh  “không trở về nhà để chôn cất cha mẹ”, mà lòng nghẹn ngào ngó thẳng, bước tới, không quay lại đằng sau, nhưng  “để kẻ chết chôn kẻ chết” (x. Mt 8,21-22)  cũng cùng mục đích xoá đi cái tôi, xóa bỏ cái mình của người muốn đi theo làm môn đệ Đức Giêsu, bởi không xóa mình, thì dù có  đi sát bên cạnh  Đức Giêsu, có đêm ngày kề cận Đức Giêsu, thì  người ấy vẫn chưa là môn đệ đích thực, bằng chứng là Giuđa, ông đã phản bội bán Thầy, vì không đủ liều lĩnh xóa mình khi đi theo làm môn đệ (x. Mt 26,21).

Nếu những người môn đệ Đức Giêsu sống trrước chúng ta đã trải nghiệm  xóa mình và nhận ra đây là đòi hỏi cam go nhưng nền tảng dành cho những ai muốn đi theo  Đức Giêsu làm môn đệ Ngài, thì đến lượt chúng ta, xóa mình cũng vẫn là đòi hỏi không thể bỏ qua, miễn trừ, bởi không xóa mình, chúng ta sẽ rơi vào cạm bẫy của chính những hy sinh đạo đức, những hy sinh thánh thiện, những hy sinh cao cả của mình, khi  nhờ những hy sinh này, ta sẽ được mang “cái mình thánh nhân”, sẽ sở hữu “cái tôi thánh đức” trước mọi người, nhưng chẳng may, khi  “cái mình tuyệt hảo, cái tôi hoàn hảo” ấy bị ai đó vô tình hay cố ý xúc phạm, coi thường, ta sẽ khó tránh khỏi  lồng lộn, quyết “ăn thua đủ” với kẻ ấy, nếu ta chưa  sẵn sàng xóa mình, chưa kịp từ bỏ mình, mà vẫn khư khư bảo vệ cái mình bằng mọi giá, giữ chặt cái mình, dù có phải hy sinh thêm, hoặc hy sinh tất cả, trừ mình …. Thế là vô tình cuộc đời đầy hy sinh của người môn đệ sau cùng cũng chỉ là cuộc đời cố làm đầy vực sâu cái tôi kiêu căng, tham vọng.

Tháng Thánh Tâm Chúa, chúng ta cầu xin ơn dám xóa mình, xóa mình như Chúa là Thiên Chúa thánh thiện đã bị thiên hạ bảo là “người bị qủy ám”, “tên bợm nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”(Mt 11,18. 19); xóa mình như Chúa là Thiên Chúa chủ tạo đã bi loài người xếp xuống hàng “em út” của ma qủy, là thụ tạo bị Ngài nguyền rủa và xua đuổi khỏi thiên đàng, khi chế diễu: “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bêendêbun đấy thôi!” (Mt 12,24); xóa mình như Chúa là Con Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Cha hết mực yêu dấu và hài lòng về Ngài (x. Mt 3,17) đã bị giáo quyền Do Thái trắng trợn vu khống: “Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa”, khi Ngài trả lời vị thượng tế: “Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”, khi vị này hỏi Ngài: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phiả nói cho chúng tôi biết: ông có phải là  Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” (x. Mt 25,59-67) ; và  trên Núi Sọ, cũng Đức Giêsu, Đấng đã xóa mình đến tận cùng bằng chết trần truồng trên Thánh Giá đang bị chính nhân loại mà mình hiến thân làm Của Lễ cứu độ nhạo cười thách thức: “Hắn đã cứu người khác, thì  hãy tự cứu lấy mình”, “Nếu ông là vua dân Do Thái thì tự cứu lấy mình đi!” (Lc 23,35.38).

Vâng xóa mình là đòi hỏi, điều kiện, và cũng là phần thưởng vinh quang của người môn đệ, vì chỉ xóa mình, người môn đệ mới  đích thực thuộc về Đức Giêsu, và thực sự là khí cụ hữu hiệu của Ngài, vì được nên một với Ngài, Đấng đã hoàn toàn xóa mình vốn dĩ là Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa khi “trút bỏ vinh quang,  mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Pl 2,7).

Jorathe Nắng Tím

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...