TMĐP- Ý thức nguy cơ ngày càng có nhiều tiếng lạ trong đoàn chiên của Đức Giêsu, chúng ta thiết tha xin Chúa ban Thánh Thần Tình Yêu đến “sửa lại mọi sự trong ngoài”, để đoàn chiên có nhiều mục tử như lòng Chúa mong ước.
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu khẳng định đoàn chiên sợ người lạ: “Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10, 5). Khẳng định này mặc nhiên làm chứng có những tình trạng đoàn chiên không nghe cả tiếng của người đang từ thân quen bỗng trở nên xa lạ, đang từ tri âm tri kỷ biến thành thù địch, đang từ bạn hữu thoái hóa thành kẻ tố cáo, phản bội. Vì thế, đoàn chiên không chỉ sợ “người lạ”, mà sợ cả “những tiếng lạ” của người thân quen, gần gũi nhưng đã thoái hóa, quay xe, trở cờ.
1/ Bản chất hiền lành, ngây thơ, hay sợ sệt của chiên:
Khác với chó sói tinh ranh, hung dữ, chiên hiền lành, ngây thơ, khờ dại. Chẳng thế mà chiên ít dám đi một mình, không thích ở một mình, nhưng dính chặt, quây quần, đi chung với nhau thành đoàn, nhất là rất nghe lời chủ chăn. Đàng khác, cũng vì hiền lành, mà chiên “bị chọn” làm vật hy sinh: câm nín khi bị xén lông và chẳng mở miệng kêu ca khi bị đem đi làm thịt (x. Is 53,7)
Hình ảnh về đoàn chiên được Đức Giêsu mô tả trong Tin Mừng chính là thực tế rất ấn tượng của những bầy chiên chúng ta gặp trong thực tế: chiên nghe tiếng chủ chăn; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra khỏi chuồng. “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10,4). Và qủa thực, không có đoàn vật nào “ngoan ngùy, vâng phục, và dễ thương” bằng đoàn chiên. Vì thế, tiên thiên quy lỗi cho chiên, vội vã quy chụp cả đoàn chiên là ngang ngạnh, bướng bỉnh, chống đối, thiết tưởng là việc làm “thái qúa bất cập”, vì Đức Giêsu trong Tin Mừng, đặc biệt khi nói về “Mục Tử nhân lành” đã không hề luận tội, khai trừ một con chiên nào, cũng không kết án, trừng phạt một đám chiên nào. Trái lai, Ngài chỉ dùng những lời ngọt ngào, thương xót của trái tim Mục Tử nhân lành hết lòng thương yêu, chăm sóc, bảo vệ chiên khi nói về từng con chiên và đoàn chiên của mình như “Tôi biết chiên của tôi … và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14.15); “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10, 16), và chạnh lòng trước đoàn chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,36). Ngài còn xác định sứ vụ Mục Tử nhân lành của Ngài là “đến với các con chiên lạc nhà Ítraen” (Mt 10,6) ; đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất, tìm được rồi thì mừng rỡ vác lên vai, mời bà con hàng xóm đến chung vui với mình (x. Lc 15,4 -6).
2/ Chiên sống bằng tình thương “hiến mạng“ của chủ chăn:
Không phải ngẫu nhiên hay vô tình, hoặc chỉ vì truyền thống và văn hoá du mục, chăn chiên của Ítraen, mà Đức Giêsu đã dùng hình ảnh đoàn chiên và mục tử để mô tả Giáo Hội của Ngài, nhưng hình ảnh đoàn chiên với những con chiên đơn sơ, yếu đuối, hay sợ sệt luôn cần tình thương của mục tử chở che, bảo vệ, chăm sóc, chữa lành, hướng dẫn, dậy bảo mới lột tả được yếu tính của Giáo Hội, là đoàn chiên của Đức Giêsu. Yếu tính đó chính là chiên được sống nhờ tình yêu hy sinh của Mục Tử nhân lành, như Đức Giêsu đã qủa quyết: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), vì “tôi chính là Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).
Như thế, đoàn chiên của Đức Giêsu không sống bằng lương thực nào khác, ngoài sự sống của chính Ngài, mà sự sống ấy phát xuất từ tình yêu cao cả là hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Nói cách khác, chính tình yêu của Mục Tử nhân lành nuôi đoàn chiên để đoàn chiên “được sống và sống dồi dào”, nên không có tình yêu của chủ chăn, chiên sẽ chết đói; không có lòng thương xót của mục tử, chiên sẽ đau bệnh; không có từ tâm, nhân hậu của người chăn dắt, chiên sẽ hoang mang, sợ hãi, đi lạc và làm mồi cho sói dữ.
3/ Chiên đánh hơi tình yêu và nghe tiếng yêu thương của Mục Tử:
Vì không thể sống nếu thiếu tình yêu của mục tử, không thể bình yên nếu mục tử không còn biết thương xót chiên, nên chiên rất nhạy bén đánh hơi tình yêu và nghe tiếng yêu thương của mục tử. Vì lẽ đó, mục tử chỉ cần sao lãng yêu thương một buổi, chiên sẽ nhận ra ngay, và lo âu, sợ hãi; mục tử chỉ cần thoáng “thay dạ đổi lòng”, chiên sẽ tinh ý lập tức ghi nhận và bất an, hốt hoảng, bởi sự sống của chiên gắn chặt với tình yêu mục tử, hạnh phúc của chiên hoàn toàn phụ thuộc tấm lòng nhân hậu, bao dung của chủ chăn, vì chiên luôn cần được yêu thương.
Quả thế, chiên của Đức Giêsu cần yêu thương, vì chiên được Mục Tử nhân lành quy tụ thành đoàn chiên để yêu thương; chiên được Mục Tử gom về một ràn chiên, và “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16) cho hạnh phúc yêu thương cũng là điều kiện Mục Tử đòi hỏi ở mỗi con chiên khi nhận vào đoàn chiên: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Do đó, chiên sẽ quen hơi yêu thương của Mục Tử nhân lành, sẽ nghe tiếng lòng thương xót của Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì hạnh phúc của chiên.
Cũng vì quen hơi, quen tiếng yêu thương của Mục Tử nhân lành, mà chiên sẽ từ chối đến gần người lạ không có mùi yêu thương, sẽ không nghe người nói tiếng lạ, không phải tiếng yêu thương, nhưng “không theo và chạy trốn” (x. Ga 10,5).
Chúng ta thấy phản ứng của chiên khác với các con vật khác. Trong khi các thú dữ gầm gừ căm phẫn, rồi hung bạo tấn công người chăn giữ bằng xô đẩy, cào cấu, cắn xé, nếu người ấy làm phật lòng, cư xử tồi tệ với chúng, hoặc nhiều loại thú khác, tuy không hung bạo, nhưng ít nhiều cũng tỏ cho chủ thấy sự bất mãn, giận dữ của chúng, thì đám chiên hiền lành chỉ biết “không đi theo và chạy trốn”, mà chẳng hề dám cào cấu, cắn xé, tấn công chủ chăn. Cũng vậy, khi bị sói dữ vồ, đoàn chiên chỉ biết chạy tán loạn (x. Ga 10, 12) mà không biết “bầy mưu tính kế” để phản công.
4/ Có nhiều tiếng lạ trong đoàn chiên:
Có tiếng lạ của kẻ trộm, kẻ cướp, vì thanh âm chát chúa hận thù, bạo lực, do kẻ trộm, kẻ cướp chỉ đến giữa đoàn chiên “để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10,10); có tiếng lạ của người chăn thuê, mà âm lượng nặng nề ích kỷ, tư lợi, vì người chăn thuê không tình nghiã với chiên, bởi anh ta “không phải là mục tử, và chiên không thuộc về anh”, nên không quan tâm đến đoàn chiên, trái lại, khi có chuyện “chẳng may, không lành”, anh sẽ là người thứ nhất nhanh chân chuồn êm; có biến, có nạn, anh sẽ một mình cao bay xa chạy, để bảo toàn tính mạng, bỏ mặc đoàn chiên bị lâm nguy, hãm hại, tiêu diệt (x. Ga 10,12).
Bên cạnh hai loại người “trộm cướp và chăn thuê” luôn mang mùi lạ và nói tiếng lạ, vì tự bản chất không có tình yêu, lòng thương xót đối với đoàn chiên còn có những người tuy đã mang mùi tình yêu và nói tiếng lòng thương xót khi được sai đến với chiên, nhưng nay mùi ấy đã mất và tiếng ấy đã tắt lịm.
Chỉ tội nghiệp đoàn chiên cần được thương yêu chăn dắt nay rơi vào cảnh tan tác, không người bảo vệ, chăm nom, hướng đạo giữa sói rừng hung dữ (x. Mc 6,34 ; Lc 10,3), vì những con người này thay vì yêu thương mang lấy mùi chiên đã tham lam mang lấy mùi tiền; chỉ xót xa đoàn chiên bên bờ tuyệt vọng, vì lòng tin bị chính người chăn dắt làm băng hoại, khi những con người này thay vì âu yếm nói tiếng yêu chiên, hiền hoà nói tiếng cảm thông với chiên, nhân hậu nói tiếng tha thứ cho chiên, lương thiện nói tiếng tin tưởng, tín nhiệm chiên đã đổi giọng chua ngoa, tráo trở, nguyền rủa, đe dọa chiên; và thật khổ thân đoàn chiên đơn sơ, chân chất bị lợi dụng, vì đặt hết hy vọng vào người được sai đến để yêu thương và dậy yêu thương, khi những người này cạn kiệt lòng thương xót, mà chỉ hăm hở tìm kiếm danh lợi và quyền lực thống trị.
Quả thực, không ai có thể chối cãi thực tế “chiên không nghe tiếng lạ, cũng không đi theo người lạ”. Và cái làm cho người chăn chiên trở nên xa lạ, không còn gần gũi, thân thiết với chiên chính là trái tim không còn khả năng yêu thương của người ấy, nên dù đã là người chăn chính thức đi qua cửa mà vào, nhưng nếu cạn kiệt tình yêu chiên, thiếu lòng thương xót chiên, họ cũng sẽ biến thành “người lạ, tiếng lạ”, như “người chăn thuê và phường trộm cướp” và chiên hoảng sợ, bỏ trốn, tránh xa.
Ý thức nguy cơ ngày càng có nhiều tiếng lạ trong đoàn chiên của Đức Giêsu, chúng ta thiết tha xin Chúa ban Thánh Thần Tình Yêu đến “sửa lại mọi sự trong ngoài”, để đoàn chiên có nhiều mục tử như lòng Chúa mong ước, những mục tử hay chạnh lòng, và dám xót thương, để không còn cảnh chiên “tán loạn, bỏ trốn”, vì không nghe “tiếng lạ” của người chăn, cũng không đi theo người chăn “mặt lạ”, khi không nhận ra ở người chăn dắt tiếng lòng nhân hậu và mùi thương xót chiên .
Jorathe Nắng Tím