Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

KHI ĐỐI DIỆN VỚI “ĐỜI SAU” | Suy Niệm Mùa Chay 2024

TMĐP- Đừng bao giờ quên: đời chúng ta luôn có Đức Maria đồng hành để bênh vực, chở che, cứu giúp.

Ai thì cũng có lúc phải trở về với lòng mình để đối diện với đời sau mà lương tâm, cũng như  linh tính cho thấy chắc chắn phải có và không ai tránh khỏi, bởi dù muốn  hay không muốn, con người có linh hồn, và linh hồn ấy bất tử, không chết đi, không thối rữa đi như thân xác, nên không tránh được một đời sau không ngắn ngủi như đời này, nhưng đời đời vĩnh cửu.

Vì không biết, nên khi phải đối diện với đời sau, xem ra ai cũng rùng mình ngao ngán. Rùng mình ngao ngán vì không biết bước vào đời sau ấy, số phận mình sẽ ra sao? Đi vào đời sau ấy, mình sẽ hạnh phúc hay bất hạnh? Nhưng có lẽ điều đáng sợ hơn cả là tính đời đời của đời sau.

Thuyết nhân quả của nhà Phật thì khẳng định: đời này làm ác, thì đời sau chịu phạt; đời này ăn ngay ở lành, thì đời sau an nhàn, hạnh phúc. Giáo lý của  Hội Thánh  cũng quả quyết có phán xét công tội, có thưởng phạt người lành kẻ dữ  như Đức Giêsu đã nói với đám đông trong Tin Mừng Matthêu: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên thần theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (Mt 25,31-33). Sau khi chịu phán xét về  công tội đã làm ở đời này, Người sẽ nói với những người công chính, ngay lành: “Hỡi những kẻ cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34), và với những người gian ác, bất chính, Người nghiêm khắc nói: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,44). “Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46).

Không biết các Bạn thế nào, chứ người viết sợ lắm. Sợ vì thấy mình nhiều tội, không chắc có được đứng về bên phải trong hàng ngũ chiên; sợ vì không may bị xếp vào bên trái thì số phận thật quá khủng khiếp, và không chỉ khủng khiếp vì phải ở với Ác Quỷ, mà còn phải ở với nó muôn đời muôn kiếp, vô thời hạn, không bao giờ gián đọan, kết thúc.

Quả thực, đối diện với đời sau làm chúng ta sợ, vì có quá nhiều điều chúng ta sợ và nhiều lý do làm chúng ta sợ, mà một trong những lý do là chúng ta bất xứng.

Vì bất xứng, chúng ta không biết mình có đủ điểm để  lọt vào danh sách những người được chúc phúc hay không? Vì bất xứng, nên đêm ngày lo lắng, sợ hãi ngày giờ Chúa đến phán xét và tuyên án hỏa ngục khủng khiếp nặng nề.

Trong Tin Mừng đã có những người sợ đời sau, và những người ấy không xa lạ với chúng ta. Họ là những môn đệ của Đức Giêsu đã vô cùng sửng sốt  khi nghe Ngài khẳng định: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời” (Mt 19,23-24).

Sửng sốt trước xác xuất quá thấp để lọt vào Thiên Đàng của người giàu có phải được hiểu là sợ hãi trước khả thể được nhận vào hàng ngũ người công chính của tội nhân chất chồng vô số tội lỗi khác, bởi giàu đâu đã được kể là tội, và người giàu không đương nhiên bị xếp vào hàng tội nhân.

Vì thế, các môn đệ đã hoảng hốt kêu lên: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mt 19,25), bởi thoạt nghe, tận thâm tâm các ông đã rợn rùng kinh khiếp.

Nhưng rất may, không có gì là không thể trước lòng thương xót của Chúa; không có gì là không thể khi Chúa muốn, không có  gì là không thể khi  tội nhân tin vào tình Chúa luôn rộng lượng bao dung, không có gì là không thể khi tội lỗi được  Máu Con Thiên Chúa tẩy rửa,  bởi chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã quả quyết với các môn đệ khi các ông sợ hãi trước  đời sau : “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

Noi gương Đức Maria, người phụ nữ được đầy ơn phúc vì đã tin: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37), khi tín thác thân thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc  1,38), chúng ta hãy tín thác nài xin Chúa như  người mù ở Giêrikhô: “Lạy ông  Giêsu, con vua Đavít,  xin dủ lòng xót  thương  tôi!” (Mc 10,47), và như người gian phi chịu đóng đinh bên phải Ngài ở giờ hấp hối đã tín thác van nài: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42).

Và đừng bao giờ quên: đời chúng ta luôn có Đức Maria đồng hành để bênh vực, chở che, cứu giúp như Mẹ đã can thiệp xin Đức Giêsu hoá nước thành rượu ở Cana khi hết rượu giữa tiệc tân hôn,  vì Mẹ là trạng sư rất thần thế của mỗi người chúng ta  ở giờ ra trước toà Đức Giêsu, Đấng vừa là Vua vinh hiển phán xét kẻ dữ người lành, vừa  là Con yêu dấu của Mẹ và luôn nghe lời Mẹ kêu xin.

Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ không mất thời giờ run rẩy sợ hãi  khi đối diện với đời sau, nhưng dùng thời gian ở đời này để chuẩn bị đời sau bằng bám chặt tay Mẹ và học biết tinh tế nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, và mở lòng chia sẻ với những ai túng quẫn, đau khổ, bị bạc đãi, bỏ rơi trên đường đi theo Đức Giêsu và loan báo Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại. Ngài là Đấng toàn năng trong lòng thương xót và “không có gì là không thể làm được” đối với Ngài.

Jorathe Nắng Tím

  

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...