TMĐP- Nếu có tính sổ, ắt sẽ có phần thưởng cho người đã sinh lời, và hình phạt cho người lười biếng, ích kỷ, hưởng thụ…
Vào những ngày cuối năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc tính sổ với Thiên Chúa sau cuộc đời này, và thái độ chúng ta phải có khi còn sống.
Như ông chủ kia “sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ” (Mt 25,14). Giao của cải của mình cho người ăn kẻ làm trong nhà không chỉ nói lên lòng tín nhiệm và quảng đại, mà còn làm nổi bật lòng tin tưởng của ông chủ vào khả năng của những người thuộc quyền mình. Hơn thế nữa, khi giao cho “người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25,15), ông chủ không chỉ tỏ ra là người khôn ngoan, mà còn là người thương yêu và biết rõ từng đầy tớ.
Sở dĩ chúng ta dám quả quyết ông chủ yêu thương gia nhân, vì có yêu thương, ông mới tín nhiệm và “giao phó của cải mình cho họ”; ông chủ yêu thương những người thuộc quyền, vì có yêu thương, ông mới tôn trọng họ, và tin tưởng khả năng làm sinh lời của mỗi người; ông chủ yêu thương những người đầy tớ, vì có yêu thương, ông mới không ngại để những người phục dịch mình được chia sẻ gánh nặng “ông chủ ” với mình, khi cho mỗi người được hoàn toàn tự do thi thố, vận dụng tài năng, sức lực để làm sinh lời những yến bạc được ông tận tay giao phó.
Hình ảnh ông chủ yêu thương, tôn trọng và tín nhiệm gia nhân mà Tin Mừng mô tả qua dụ ngôn những yến bạc chính là Thiên Chúa, Đấng ký thác mặt đất và thế giới cho con người, như sách Sáng Thế đã ghi: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình … Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất….” (St 1,27.28).
Thống trị ở đây là làm cho mặt đất ngày thêm tốt tươi, xinh đẹp; thống trị ở đây là xây dựng thế giới loài người ngày càng tự do, an bình, thịnh vượng , và tràn đầy niềm vui như ý Chúa muốn, vì “vinh quang của Thiên Chúa chính là hạnh phúc của con người”. Vì thế thống trị không có nghĩa dùng khả năng như yến bạc Chúa ban để khống chế, đàn áp đồng loại, để tàn phá, huỷ hoại môi trường sống; thống trị không là bắt người khác làm nô lệ để thoải mái sai phái, bóc lột, hành hạ, nhưng “thống trị mặt đất” là trở nên đầy tớ phục vụ công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa, trở nên người thợ làm vườn nho Nước Trời, và là người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào công cuộc cứu chuộc muôn dân và chính mình.
Do đó, khi được trao những nén bạc khả năng như vốn liếng, tất cả chúng ta đều có chung một ơn gọi làm đầy tớ, nghĩa là được Thiên Chúa gọi để phục vụ, mà không gọi để được người khác phục vụ. Nếu không, ông chủ là Thiên Chúa đã không giao phó của cải mình cho đầy tớ, nhưng giao cho vợ con, bạn hữu, hay người ngang hàng, đồng cấp của ông.
Và sau một thời gian lâu dài vắng mặt, bất ngờ ông chủ trở về và tính sổ. Ông sẽ tính sổ với từng người về hoa trái Yêu Thương, Phục Vụ họ đã làm sinh sôi nảy nở; sẽ hỏi cặn kẽ về sự tử tế, lòng tốt, tinh thần bao dung, quảng đại, thái độ tôn trọng, trân quý đối với tha nhân, đặc biệt với những người đói khát không ai cho ăn uống, những người rách rưới, trần truồng không ai cho áo mặc, những tù nhân bị quên lãng, không ai thăm nuôi, những người đau bệnh, tật nguyền không ai an ủi, những người tỵ nạn, vô gia cư không ai đón tiếp, cho trú ngụ, những người cô quả, cơ nhỡ không được giúp đỡ, những người thất học không nhận được một bàn tay nâng đỡ để vươn lên, những người bị hiếp đáp, trù dập bất công, oan uổng không được ai bênh đỡ, những người thấp cổ bé miệng, vô danh tiểu tốt không được ai lắng nghe, quan tâm, như Đức Giêsu đã mặc khải khi nói về cuộc phán xét chung ở ngày sau hết (x. Mt 25, 31-46).
Tất nhiên nếu có tính sổ, ắt sẽ có phần thưởng cho người đã sinh lời, và hình phạt cho người lười biếng, ích kỷ, hưởng thụ, bằng chứng là ông chủ đã nói với những đầy tớ biết làm sinh lời vốn liếng: “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21); còn với “đầy tớ tồi tệ, biếng nhác”, ông đã không chỉ lấy lại yến bạc không sinh lời “khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến”, mà còn “quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25,30).
Như thế, chúng ta phải cố gắng trở nên từng ngày người đầy tớ tài giỏi, và trung thành được Thiên Chúa khen ngợi, chúc phúc. Và bí quyết để trở nên người đầy tớ lý tưởng ấy, Đức Giêsu đề nghị một thái độ sống dành cho người môn đệ của Ngài, đó là phải luôn tỉnh thức.
Thực vậy, có tỉnh thức, người môn đệ mới ý thức mình đã nhận rất nhiều ơn huệ của Thiên Chúa một cách nhưng không, và phải cho đi cũng cùng một cách nhưng không như vậy. “Nhưng không” ở đây là phục vụ vô điều kiện, cho đi một cách quảng đại, chia sẻ một cách hào sảng, vô vị lợi; có tỉnh thức mới không lầm lẫn như người đầy tớ bị Thiên Chúa chê là tồi tệ và biếng nhác đã vừa đần độn vừa trâng tráo trả lời ông chủ: “Tôi biết ông là người hà khắc,gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông duới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” (Mt 25,24-25); có tỉnh thức mới bước đi trong ánh sáng để nhận ra yến bạc được trao trước hết là vì hạnh phúc của các đầy tớ, như hồng ân Thiên Chúa ban cho mỗi người là vì phần rỗi và hạnh phúc đời đời của chính họ; có tỉnh thức, người môn đệ mới có thể thâm tín: làm việc cho Thiên Chúa là phục vụ anh em mình, và khi phục vụ, Thiên Chúa mặc cho người tôi tớ tài giỏi và trung thành của Ngài “áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”, và như thế, người tôi trung của Thiên Chúa sẽ chẳng sợ hãi, lo lắng gì, vì bất cứ ở đâu và lúc nào, người môn đệ của Đức Giêsu cũng biết mình và nhận mình chỉ là đầy tớ được sai đi để làm sinh lời nén bạc Tình yêu Phục Vụ.
Jorathe Nắng Tím