Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

KHÔNG CÓ CHỖ CHO CỤC BỘ VÀ KỲ THỊ TRONG TRÁI TIM “KITÔ HỮU”

TMĐP- Mọi người Kitô hữu, dù ở bất cứ phẩm trật, và với sứ vụ, trách nhiệm nào trong Giáo Hội hãy ý thức Cục Bộ và Kỳ Thị là siêu vi khuẩn rất nguy hiểm làm nên đại dịch thiêng liêng vô cùng khủng khiếp…

Trái tim “Kitô hữu” là trái tim có Đức Kitô, trái tim mang Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô, trái tim hay chạnh lòng thương như  Đức Kitô, nên trái tim ấy khó có thể đập ngược nhịp tình yêu,  hay lỗi nhịp  sự sống của Đức Kitô,như  thánh Phaolô  đã trải nghiệm và làm chứng: “Tôi sống nhưng không còn phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Vì trái tim Kitô hữu là trái tim có Đức Kitô, Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương xót, Đấng “đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thế gian đây là tất cả mọi người, không loại trừ  ai, không kỳ thị  bất cứ màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, khuynh hướng nào.

Vì trái tim Kitô hữu là trái tim mang Đức Kitô, Đấng đã vâng lời Chúa Cha đến trong thế gian để yêu thương, chăn dắt đoàn chiên nhân loại, như chính Ngài đã khẳng định: “Sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục từ” (Ga 10,16), và Ngài chính là mục tử nhân lành “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, và “đến cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10.11), nên chuồng chiên của Đức Kitô là Giáo Hội sê không có cửa cho kẻ thù của Tình Yêu Hiệp Nhất.

Vì đoàn chiên của Đức Kitô quy tụ  tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời, mà không phân biệt giàu nghèo, chủ tớ, yếu đau, khoẻ mạnh, thánh thiện, tội lỗi, miễn tin Ngài là Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, nên trong trái tim mang Đức Kitô, Thiên Chúa của lòng thương xót sẽ  không chừa một kẽ hở nhỏ cho  lửa phân bìệt, chia rẽ, cục bộ của hoả ngục lọt vào.

Vì trái tim Kitô hữu là trái tim mang Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô đến với hết mọi dân tộc, như lệnh lên đường  Ngài truyền: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), nên đối tượng của Tin Mừng Cứu Độ  là toàn thể nhân loại,  nghĩa là Tin Mừng mong chạm đến mọi người và từng người, bất cứ họ là ai, dù là những người bị xã hội xem là  “vô tích sự”  như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Gioan: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-6). Cả những người bị xã hội lên án, tẩy chay cũng là đối tượng của Tin Mừng Nước Trời như Ngài trả lời các ông Pharisêu: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12-13), khi họ  nói với môn đệ Ngài rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi  như vậy?” (Mt 9, 11). Chỗ khác, Ngài  còn cứng rắn hơn khi  khẳng định: “Tôi bảo thật các ông:  những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Và đó là lý do trong trái tim Kitô hữu không thể dành chỗ cho cục bộ, loại trừ.

Sau này, trên đường truyền giáo, thánh tông đồ trưởng Phêrô đã chia sẻ với chúng ta về ơn cứu độ phổ quát cho mọi người qua thị kiến, khi “ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Trong đó có mọi giống vật bốn chân  và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông: “Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!” Ông Phêrô thưa: “Lạy Chúa, không thể được, vì không  bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch”. Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế.”. Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời” (Cv 10,11-16).

Nhưng rất tiếc, trong đời sống Kitô hữu,  nhiều lần, và bằng  nhiều cách, chúng ta đã   đi ngược điều Đức Kitô đã dạy, và đã làm. Bằng chứng là Ngài yêu thương hết mọi người, không  loại trừ ai, thì chúng ta phân loại, tuyển chọn, lựa ra chỉ một số ít đáng yêu để yêu, cần yêu để có lợi; Đức Giêsu thương những người dơ dáy, bẩn thỉu, xấu xí, thô kệch, vô duyên, hậu đậu, vì túng thiếu, nghèo đói, thất học, không nhà cửa, không người thân và tôn trọng họ như những thượng khách của Nước Trời, thì chúng ta lại khinh khi,  ngược đãi, lợi dụng, hà khắc thống trị và nhẫn tâm  bóc lột họ tận xương tủy, và còn tệ hơn, khi coi họ là  cặn bã ô uế của xã hội cần tránh xa; Đức Giêsu  an ủi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề (x. Mt 11,28) và chọn  những người cùng đinh, hèn mọn, bé nhỏ  để mặc khải Nước Trời (x. Mt 18,1-4; 11,25-27), thì chúng ta lại coi họ là nhữ ng người ngu dốt,  vô học, tầm thường, chẳng biết gì.

Thực vậy, khi chỉ mang danh Kitô hữu, nhưng  vắng bóng Đức Kitô, thì  trái tim khô máu lòng thương xót, và cõi  lòng cạn kiệt tình yêu thương dẫn đến lối sống cục bộ, kỳ thị. Cục bộ khi đóng kín và khoanh vùng  sinh hoạt trong phạm vi “những ai thuộc về mình”,  vì lợi ích nhóm, và một khi đã cục bộ, người ta không thể không  kỳ thị những đối tượng không thuộc về mình, không  nằm trong  đường giây của mình, nhất là không có lợi cho phe nhóm, bản thân mình.

Tệ trạng cục bộ và kỳ thị ở người Kitô hữu rất nguy hại, vì không chỉ đi ngược Tin Mừng, trái lệnh truyền “yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” của Đức Kitô, mà còn phá nát tình liên đới huynh đệ  trong Đức Kitô của mọi Kitô hữu, khi tạo nên những ốc đảo trong gia đình của Ngài là Giáo Hội.

Thực vậy, kỳ thị và cục bộ không chỉ nguy hại mà còn “kỳ cục”, nên  cần phải  quyết tâm lấy đi, mau chóng gạt bỏ, và tẩy xoá sớm bao nhiêu có thể khỏi trái tim Kitô hữu, vì nó làm cho  người Kitô hữu chúng ta trở nên tầm thường khi vùng miền này khích bác vùng miền kia, giáo phận này  chê bai giáo phận nọ, hội dòng giáo hoàng coi thường hội dòng giáo phận, linh mục dòng xem nhẹ linh mục triều, nữ tu quốc tế không  làm việc được với  nữ tu địa phương, nhà thờ bắc không qua lại  với nhà thờ nam, hội dòng ba Đaminh  không  cộng tác với Đạo Binh Đức Mẹ, ca đoàn không “hợp rơ” Liên Minh Thánh Tâm, và Thiếu Nhi không  hiệp hành được với đội Giúp Lễ.

Kỳ thị và cục bộ còn cản trở, cấm vận hành trình  loan báo Tin Mừng của người Kitô hữu, vì nhiệt tình không còn, và nghị lực giảm sút, khi cửa lòng bị cục bộ đóng kín, và đôi chân bị gông cùm kỳ thị trói chặt.

Nhưng còn trầm trọng và khủng khiếp hơn , khi cục bộ là đòn phép của Thần Dữ, và kỳ thị là kế sách cực độc của Xatan, bởi cục bộ và kỳ thị là trọng tội chống lại Tình Yêu Hiệp Thông, Hiệp  Nhất , mà Đức Giêsu hằng  khắc khoải, mơ ướ, như Ngài đã chia sẻ với các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau” và  “ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9.12), cũng như đã  tha thiết cầu xin với Chúa Cha: “Xin cho chúng nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22)

Tóm lại, nếu “người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con  yêu thương  nhau” (Ga 13,35), thì thiên hạ cũng qua  dấu chỉ Cục Bộ và Kỳ Thị mà nhận ra chúng ta không là môn đệ của Đức Kitô, tức không là người Kitô hữu, người có Đức Kitô, người đem Tin Mừng của Đức Kitô đến với muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ

Ước gì mọi người Kitô hữu, dù ở bất cứ phẩm trật, và với sứ vụ, trách nhiệm nào trong Giáo Hội, đều ý thức Cục Bộ và Kỳ Thị là siêu vi khuẩn rất nguy hiểm làm nên đại dịch thiêng liêng vô cùng khủng khiếp, được gieo vào  bởi thần dữ Xatan với mục đích làm suy yếu Hội Thánh,  chặn đứng bước chân Hiệp Hành và  phá hoại công cuộc loan báo Tin Mừng là sứ mệnh của mỗi người Kitô hữu.

Jorathe Nắng Tím

.

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...