TMĐP- Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta trong gian truân, thử thách để chúng ta kiên trì và trung thành đến cùng với Giáo Hội của Ngài.
Vào những năm 470 trước Công Nguyên, sau gần 50 năm trở về từ cảnh lưu đầy, dân Ítraen không còn lòng nhiệt thành thuở ban đầu khi vừa được tự do xây dựng đất nước, nhưng lòng nhiệt thành ấy đã dần dà nhường chỗ cho những thoái hóa trong đời sống đức tin và luân lý giữa một xã hội bất ổn vì những khủng hoảng chính trị, kinh tế. Nhiều người nghi ngờ tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa Giavê, và hướng chiều về một đời sống buông thả. Chính trong hoàn cảnh này, ngôn sứ Malakhi kêu gọi Ítraen đừng hoảng loạn trước tương lau, nhưng hãy can đảm bước di trong đức tin, kiên trì và trung thành trong niềm hy vọng vào ngày Thiên Chúa sẽ đến thiêu rụi những kẻ kiêu căng, gian ác, không phụng thờ Người, và cho mặt trời công chính mọc lên mang theo các tia sáng chữa lành những ai kính sợ Ngài (x. Ml 3,18-20).
Cũng như ngôn sứ Malakhi đã kêu gọi, Đức Giêsu trong Tân Ước cũng lên tiếng cảnh giác Ítraen về lối sống xa Thiên Chúa của họ, nhắc nhở họ đừng xây dựng vinh quang Thiên Chúa trên những thành quách nguy nga, hoành tráng bên ngoài, để rồi kiêu căng, ngạo mạn ngay khi kêu cầu Danh Thánh Chúa trong Đền Thánh Ngài, khi trả lời những người nói với Ngài về vẻ đẹp nguy nga, lộng lẫy của Đền Thờ Giêrusalem: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).
Nghe như thế, họ tò mò hỏi thêm: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước” (Lc 21,7).
Không khác những người Do Thái đồng thời với Đức Giêsu, chúng ta cũng đang hỏi Ngài cùng một câu hỏi, khi thế giới trong đó chúng ta sống ngày càng trở nên tồi tệ về mọi mặt, xã hội chúng ta đang sinh hoạt ngày càng băng hoại và không còn như xưa, con người thời đại chúng ta “sống với” ngày càng phức tạp, nếu không muốn nói là gian tham, đê tiện, tàn ác, gia đình chúng ta là thành phần cũng xuống cấp trầm trọng, và ngay cả giáo hội chúng ta là chi thể cũng ốm yếu, bệnh hoạn hơn xưa.
Nghe chúng ta hỏi, Đức Giêsu đã không phủ nhận tình hình rối ren ngày càng trở nên tệ hại và tâm trạng hoang mang của chúng ta khi cẩn thận căn dặn:
1/ “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây!’” (Lc 21,8).
Ngài biết, khi bị đe dọa, và hoảng hốt, chúng ta sẽ dễ mất tinh thần, và rơi vào nghi nan, ngờ vực, thối chí, phản bội, như Phêrô đã chối “không biết Ngài là ai” khi ở giữa những người đang dòm ngó, theo dõi, đe dọa, điều tra “lý lịch” của ông trong sân dinh thượng tế Caipha. Cũng thế, khi hoàn cảnh trở nên bế tắc và không còn trông cậy được vào phàm nhân, chúng ta sẽ dễ chao đảo, thay lòng đổi dạ với Thiên Chúa, mà đi tìm sức mạnh chở che ở một thiên chúa khác, như Ítraen trong sa mạc đã bỏ Đức Chúa và thờ Bò Vàng do chính tay họ đúc tạc nên (Xh 32,1-6), chỉ vì họ muốn Thiên Chúa làm theo ý họ, nhưng rất tiếc giờ của Thiên Chúa chưa đến.
Đây là bi kịch của nhân loại ở mọi thời, và chúng ta thấy bi kịch nghi ngờ tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa, bi kịch đi tìm cho mình một thiên chúa khác “tiện dụng” hơn và bỏ Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương và đời đời trung tín với lời Ngài hứa vẫn đang xảy ra quanh chúng ta, có khi ngay trong tâm hồn chúng ta ở đây và lúc này. Hiện tượng các giáo phái mới lạ, các lạc giáo có sức lôi cuốn quần chúng, và các phong trào hướng dẫn tâm linh nổi lên như nấm sau mưa đặt người Kitô hữu chúng ta trước những thận trọng không chỉ cần thiết cho bản thân, mà còn cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ …
2/ Anh em đừng sợ hãi trước những hiện tượng kinh hoàng, khủng khiếp:
Đức Giêsu là sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa, nên bất cứ thế lực nào cũng không làm chúng ta sợ, nếu chúng ta thuộc về Ngài, và bám chặt tay Ngài như Ngài luôn nói với các môn đệ: “Có Thầy đây, đừng sợ!” khi sóng gió nổi lên làm thuyền các ông muốn chìm nghỉm, khi tưởng Ngài là ma đang đi đến với các ông trên mặt biển (x. Mt 6,45-62), và ban bình an cho các ông khi hiện ra giữa các ông sau khi sống lại với thân xác còn các dấu đinh và lưỡi đòng (x. Ga 20,19-22).
Đàng khác những hiện tượng kinh hoàng xảy ra đó cũng chỉ là điềm báo trước sự suy tàn của một thể chế, triều đại hay một “thế giới” nhỏ bé nào đó, nhưng không là sự tận diệt toàn thể nhân loại, được hiểu như ngày tận thế như ức Giêsu đã khẳng định: “Những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu” (Lc 21,9). Vì thế, khi có ai đó báo cho chúng ta chính xác ngày giờ tận thế với kịch bản vô cùng hãi hũng, rùng rợn, thì chúng ta chớ coó tin, vì Đức Giêsu đã xác quyết: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,33).
3/Anh em sẽ gặp nhiều gian truân, thử thách và chịu nhiều đau khổ vì Thầy:
Lời căn dặn cuối cùng, và quan trọng hơn cả là gian truân, thử thách và đau khổ người môn đệ phải đương đầu, và gánh chịu vì làm chứng cho Đức Giêsu khi loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Lc 21,9-10).
Thực vậy, Đức Giêsu không mị dân, không tránh né sự thật, nhưng cho chúng ta thấy trước viễn cảnh rất thê lương của những truy lùng, bắt bớ, roi đòn, tù ngục và cảnh tố cáo, đấu tố giữa cha mẹ con cái, anh chị em, bà con thân thích, láng giềng xa gần, đồng hương, đồng đạo, đồng bào, và “vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,13). Nhưng “anh em đừng lo phải nói gì”, phải đối phó ra sao, phải xoay sở thế nào, vì “Thiên Chúa cho anh biết” điều gì phải nói, và Thánh Thần nói thay anh em (x; Lc 21, 11), và “kẻ nào bền chí đến cùng , kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Lc 21, 13).
Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta trong gian truân, thử thách để chúng ta kiên trì và trung thành đến cùng với Giáo Hội của Ngài, dù có lúc thuyền Giáo Hội chòng chành tưởng sắp chìm giữa phong ba, bão tố.
Jorathe Nắng Tím