Các bài đọc phụng vụ hôm nay đưa chúng ta ra khỏi những “pháo đài, ốc đảo” của một thứ tôn giáo hãnh tiến về ơn gọi là dân được tuyển chọn của mình, đồng thời thoát ra khỏi não trạng coi thường và chủ trương loại trừ những người không cùng niềm tin với mình.
Bài đọc một nhắc đến hoàn cảnh không mấy sáng sủa của Ítraen khi trở về sau thời gian lưu đầy, ở đó vinh quang của Thiên Chúa Giavê trên Giêrusalem xem ra rất tối tăm, mờ mịt. Chính trong tình huống sầu buồn này, ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi … Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi” (Is 60, 1.3-4).
Đây là lời sấm Hiển Linh, tức lời sấm về một tương lai, ở đó Ítraen không còn co cụm, khép kín, thu mình lại như một ốc đảo an toàn giữa đại dương, nhưng mở ra, đi ra vùng ngoại biên, đến mọi chân trời góc biển để Thiên Chúa của Ítraen được mọi dân nước kính yêu, tôn thờ. Và nhờ biết ra khỏi tháp ngà ích kỷ, kiêu căng, tự mãn, Giêrusalem thay vì “bị bỏ rơi, chê ghét, không bóng người lai vãng”, sẽ được Thiên Chúa làm cho “thành niềm hãnh diện đến muôn đời, thành nguồn vui qua muôn thế hệ” (Is 60, 15).
Bài đọc hai củng cố lời sấm của ngôn sứ Isaia qua xác tín của thánh Phaolô về mầu nhiệm Giáo Hội: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết , nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, 5-6).
Tóm lại, khi đến thời điểm Thiên Chúa muốn trong chương trình cứu độ, Ngài đã tỏ vinh quang của Ngài trên các dân tộc và đặt Con Một của Ngài “làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả cho đến tận cùng cõi đất… Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự. Người giải thoát bần dân kêu khổ, và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo Người ra tay tế độ, giải thoát cho kkhỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý… Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ, nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời. Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen, chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu” (Tv 71, 8.11-14.17-18).
Như thế, vương quyền của Đức Giêsu bao phủ khắp đất trời, và vinh quang của Ngài là nguồn ân lộc cho toàn thể nhân loại. Chân lý này được biểu hiện qua biến cố các đạo sĩ từ phương xa tìm đến Bêlem thờ lạy Con Trẻ Giêsu vừa mới sinh ra, như một vị vua cao cả, vinh quang, và đầy quyền lực.
Quả thực, vương quyền của Đức Giêsu không chỉ được loan báo từ nhiều ngàn năm trước qua các ngôn sứ: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđê, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời”, cũng không chỉ được các đạo sĩ ở ngoài Ítraen, và rất xa Giêrusalem dõi theo vì sao lạ đến tận Bêlem xấp mình thờ lạy “Vua Dân Do Thái mới sinh” (x. Mt 2, 1-11), mà còn được quả quyết từ chính miệng Đức Giêsu trước quan Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra, Nước Tôi không thuộc chốn này….” (Ga 18, 36) Và ngài khẳng định lời Philatô nói đúng khi nhấn mạnh: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37), khi quan hỏi Ngài: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” (Ga 18,33).
Tóm lại, mầu nhiệm Giáo Hội chính là vinh quang của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô được tỏa sáng cho muôn dân, là Nhà của Thiên Chúa rộng mở cho tứ phương thiên hạ, là ơn Cứu Độ của Thiên Chúa làm người bao trùm toàn thể nhân loại từ cổ chí kim, tận góc bể chân trời. Và từ nay Giáo Hội được trao sứ mệnh: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20), “vì Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).
Jorathe Nắng Tím