TMĐP- Tình yêu Kitô giáo là tình yêu vượt qua những biên cương, giới hạn để hướng đến, mở ra với tất cả mọi người.
Tình yêu tự bản chất là tương quan, liên đới, nên nói đến tình yêu mà loại bỏ liên đới, tương quan thì qủa thực không gì phi lý, vô nghĩa hơn.
Các bài đọc phụng vụ chúa nhật này cho chúng ta thấy tầm quan trọng và tính cách thiết thực, sống động của trách nhiệm liên đới trong tình yêu được tóm tắt: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa: Đừng đóng chặt cửa lòng!” (Tv 94,7-8) nhưng hãy mở rộng cửa lòng với mọi người, và “đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).
Quả thực, tình yêu không trừu tượng, mông lung, mơ hồ, nhưng sống động với đời sống con người, và ăn rễ sâu trong mọi sinh hoạt của cộng đồng nhân loại, nên tình yêu đòi liên đới trách nhiệm, bởi tình yêu Kitô giáo mang sứ mệnh nối kết, hiệp nhất tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội và làm cho mọi người trở nên anh chị em với nhau trong Đức Kitô, như Đức Chúa đã phán với ngôn sứ Êdêkien: “Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen” (Ed 33,7), để ngươi cảnh báo người tội lỗi, “cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa” để nó khỏi phải chết, nên nếu ngươi không cảnh cáo và “kẻ gian ác ấy phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).
Tình yêu trong Thiên Chúa mà người Kitô hữu được tháp nhập cũng không là tình yêu kiểu “bánh vẽ” hay lơ lửng, vật vờ như những lời có cánh vô nghĩa, trái lại, đó là tình yêu đồng hành huynh đệ, ở đó cá nhân vì tập thể, tập thể vì cá nhân, như các chi thể của thân thể hiệp thông, hiệp nhất với nhau, nên “không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,25-26). Vì thế, lộ trình sửa lỗi cho nhau giữa các thành viên của cộng đoàn Kitô hữu là lộ trình của bác ái huynh đệ khi kẻ yếu người mạnh, người đạo đức, thánh thiện, kẻ nguội lạnh, u mê cùng chia sẻ, đồng hành, cùng chung vai, sát cánh gánh vác những yếu đuối, hậu quả của nhau như Đức Giêsu đã căn dặn trong Tin Mừng.
Lộ trình ấy khởi đầu bằng kín đáo trao đổi, tế nhị nhắc bảo để bảo đảm danh dự của người anh em yếu đuối, nên “nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời của hai hay ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì đi thưa Hội Thánh … ” (Mt 18,15-17).
Với ba bước vững chắc của tình yêu liên đới, người Kitô hữu sẽ không lợi dụng lầm lỗi của anh em để đánh gục, vùi giập họ, nhưng ân cần nâng dậy, tận tình săn sóc, chữa lành, bởi tình yêu liên đới là ơn gọi “yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương” của người môn đệ Đức Giêsu. Nhờ thế, họ mới có thể yêu thương đến cùng, cho dù dung mạo của người anh em có bị tội lỗi hủy hoại, làm cho biến dạng xấu xí, kinh dị, ghê tởm đến đâu đi nữa.
Tình yêu Kitô giáo là tình yêu vượt qua những biên cương, giới hạn để hướng đến, mở ra với tất cả mọi người, mọi chủng tộc, dân nước, mà không co cụm, khoanh vùng, kỳ thị. Đó là tình yêu được sai đi đến tận cùng trái đất để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), một tình yêu liên đới trách nhiệm đối với vận mệnh chung và hạnh phúc của toàn thể nhân loại.
Liên đới trong tình yêu như Tin Mừng dạy còn giúp mọi người thưc hiện hành trình ơn gọi của họ, mà không áp đặt, cưỡng chế, tạo áp lực, vì bất cứ sinh hoạt nào của tình yêu, tự do cũng là điều kiện tất yếu.
Sau cùng, để đảm bảo tinh thần liên đới trong tình yêu không vô phúc, vô tình biến thành bàn tay đao phủ giết chết tình yêu, chúng ta cần tâm niệm bí quyết để sống liên đới yêu thương, mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ khi sai các ông đi loan báo Tin Mừng: “Anh em đã được nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không như vậy” (Mt 10,8).
Jorathe Nắng Tím