Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

LOAN BÁO LẦN THỨ NHẤT: CUỘC TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH | Chuỗi Suy Niệm Tin Mừng Tuần Thánh Năm C

TMĐP- Xin Chúa cho chúng con ơn sức mạnh để gắn bó với chọn lựa đi theo Chúa giữa phong ba, bão táp cuc đời.

Đọc Tin Mừng Máccô, chúng ta thấy rõ sự kiện Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô” khi trả lời câu hỏi của Đức Giêsu: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8, 27-30) là giao điểm giữa hai phần của Tin Mừng, mà phần thứ nhất là giai đọan Đức Giêsu mời gọi những ai muốn đi theo Ngài phải tin tưởng ở Ngài để có thể hiểu Nước Thiên Chúa là gì. Trong phần này, Đức Giêsu không ngừng nói về  thái độ thờ ơ, chai đá, cứng lòng, kém tin, có tai mà như điếc của các môn đệ cũng như những người đã gặp Ngài.

Bước sang phần thứ hai của Tin Mừng, sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, những từ ngữ của phần thứ nhất dường như không còn được dùng lại, vì từ nay nội dung mới của giai đọan mới không còn là “nghe, nhìn, quan sát, tìm hiểu”, mà là dấn thân thực hiện điều mình tin, lao mình vào lòng Đấng mình yêu mến, tín thác, nghĩa là đã đến thời điểm phải hy sinh quên mình, phải hiến thân phục vụ, phải cho đi chính mạng sống, và từ ngữ tiêu biểu của phần thứ  hai là những cụm từ  triệt để, quyết liệt, đầy cam go: “phải từ bỏ chính mình”, “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất” (Mc 8, 34-35) “ai bỏ nhà cửa anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy, và vì Tin Mừng” (Mc 10,29).

Tóm lại, sự kiện Phêrô tuyên xưng đức tin chia Tin Mừng Máccô làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu là tìm hiểu Nước Thiên Chúa, và giai đoạn sau là đi vào Vương Quốc ấy. Riêng với Nhóm Mười Hai, ở giai đoạn thứ nhất, các ông đi theo và nhìn xem những việc Đức Giêsu làm; sang giai đoạn thứ hai, chính Đức Giêsu chăm chú quan sát các ông và ân cần đào tạo các ông.

Trong Tuần Thánh, chúng ta cùng suy niệm về giai đọan thứ hai được mở đầu bằng việc loan báo cuộc tử nạn và phục sinh lần thứ nhất, được tiếp nối bởi hai lần loan báo khác. Sở dĩ Đức Giêsu đã loan báo đến ba lần cuộc tử nạn và phục sinh, vì đây là  mầu nhiệm quan trọng, chưa kể mỗi lần loan báo Đức Giêsu đều có những ý tứ đặc biệt,  thích hợp với hoàn cảnh tâm lý của các môn đệ.

Quả thực, từ ngày gọi Nhóm Mười Hai đi theo mình, chưa bao giờ Đức Giêsu đã “nói rõ, không úp mở” về cuộc khổ nạn Ngài sẽ phải gánh chịu, nên khi loan báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau na ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31), Ngài đã làm các môn đệ thân tín của Ngài bàng hoàng, thất vọng.

Khi dùng danh xưng “Con Người” là danh xưng của truyền thống khải huyền trong Cựu Ước để chỉ Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế, là Đấng đầy vinh hiển vì được Thiên Chúa sai đến, được vinh quang Thiên Chúa bao phủ, Đức Giêsu muốn các môn đệ  nhận ra “căn cước tính” của Ngài bằng chấp nhận những sự thật trái ngược với những  điều các ông mơ ước, tìm kiếm ở Ngài.

Các ông hằng mơ ước “kẻ ngồi bên phải, kẻ ngồi bên trái Đức Vua là  Ngài trong vương quốc vinh quang để cai trị muôn dân” (x. .), thì  nay phải nghe  từ miệng Ngài những  lời tiên báo đẫm máu “thất bại và chết chóc”; các ông đi tìm  nhiều thứ mà đã là con người thì ai cũng miệt mài tìm cho kỳ được, bằng chứng là các ông đã gặng hỏi Đức Giêsu: “Theo Thầy, chúng con sẽ được gì?”, thì nay Đức Giêsu lại loan báo sẽ đem đến cho các ông  những thứ các ông luôn sợ hãi, và tìm cách tránh xa, như Phêrô khi thoạt nghe lời loan báo cuoc tử nạn đã vội ngăn cản Đức Giêsu khi “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8,32).

Tuy bàng hoàng, lo lắng, nhưng Nhóm Mười Hai đã “ở lại ” với Đức Giêsu, và không ai đã bỏ Ngài. Chúng ta nhận thấy các vị đã tuyệt đối tin tưởng ở Thầy mình, dù lời loan báo “không úp mở” về cuộc tử nạn thật đau thương, và đe dọa. Không đe dọa sao được khi biết trước Thầy sẽ bị bắt, bị tra khảo? Không đau thương sao được khi không tránh khỏi bị hành ha, bị xỉ nhục, bị đóng đinh vào thập giá? Và tất nhiên cơ đồ xây Vương Quốc sẽ sụp đổ, tương lai sẽ vỡ vụn, và mọi người sẽ  trắng tay, tan tác.

Tuy hoảng hốt, ngỡ ngàng, nhưng Nhóm Mười Hai không ai đã “quay xe, trở đầu”, dù có người đã lên tiếng can ngăn: Thầy đừng lên Giêrusalem làm gì, vì nguy hiểm qúa. Đây là phản ứng tự nhiên, thường tình của con nguời trước những điều bất hạnh có thể xảy ra cho người thân yêu, quen biết, đồng thời nói lên sự bất lực của con người trước mầu nhiệm Thiên Chúa được thể hiện nơi con người Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ.

Tuy sợ hãi và chao đảo, nhưng Nhóm Mười Hai, vì gắn bó với Đức Giêsu đã không bàn tán, tính chuyện rút lui, nhưng tất cả đều chấp nhận tiếp tục đi theo Ngài, dù biết “trò không hơn Thầy”, biết số phận của mình cũng sẽ hẩm hiu như số phận của Thầy.

Ở đây, chúng ta thấy các tông đồ đã đóng chặt đời mình vào chọn lựa “đi theo Đức Giêsu”. Nói cách khác, sau tất cả, “đi theo Đức Giêsu” mới là điều quan trọng  đối với các ông; và điều qúy giá còn lại sau cùng của đời các ông chính là “được đi theo Đức Giêsu”.

Vì nhận ra “đi theo Đức Giêsu” là lẽ sống tuyệt vời nhất, là trạng thái bình an sâu lắng tuyệt vời của tâm hồn giữa bao sóng gió, xao động bên ngoài, là niềm vui tuyệt vời mà không ai, cũng không quyền lực nào có thể lấy đi, mà các tông đồ đã không nao núng, bỏ cuộc khi nghe lời loan báo cuộc tử nạn đau thương đang lại gần.

Đây chính là điều chúng ta cần suy nghĩ trên đường đi theo Đức Giêsu, bởi không sớm thì muộn, không nhiều thì ít, không cách này thì cách khác, mỗi người Kitô hữu sẽ phải trải nghiệm những giây phút thử thách “tan dạ, nát lòng”, như các Tông Đồ đã lo sợ, hoảng hốt, bàng hoàng trước lời loan báo cuộc tử nạn đau thương của Thầy mình, cũng là cuộc tử nạn của chính mình trong tương lai.

Khi loan báo cuộc tử nạn sắp tới của mình, Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài đi sâu vào mầu nhiệm “Thiên Chúa làm người” của Ngài, không chỉ bằng những bước chân bên ngoài, nhưng là những bước chân bên trong của tâm hồn để đi vào trái tim, vào tư tưởng của Thiên Chúa, như Ngài đã nói với Phêrô khi ông can ngăn Ngài: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33).

Chọn lựa này rất quan trọng, vì là chọn lựa nền tảng của đức tin, bởi không chấp nhận trở nên giống Đức Giêsu, không yêu bằng tình yêu như Ngài đã yêu, không phục vụ anh em như Ngài đã phục vụ, không sẵn sàng quên mình và hiến dâng mạng sống như Ngài đã sẵn sàng từ bỏ và hiến dâng thân mình làm giá cứu chuộc muôn người, chúng ta không thể đi theo Ngài đến nơi Ngài đến, không thể ở với Ngài bất cứ nơi nào Ngài hiện diện, không thể đứng vững khi nghe Ngài loan báo cuộc khổ nạn, và không thể nuôi niềm hy vọng Phục Sinh giữa đêm tối sự chết.

Xin Chúa cho chúng con ơn sức mạnh để gắn bó với chọn lựa “đi theo Chúa” giữa phong ba, bão táp cuộc đời.

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...