TMĐP- Để trung tín đến cùng với Thiên Chúa, chúng ta cần tín thác nơi Ngài, đi vào tương quan cha con với Ngài, vì chỉ trong tình cha con, chúng ta mới dám tin: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
“Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín” (Tv 24,10), và “mọi việc Chúa làm đều đáng tin cậy” (Tv 32,4). Đó là điều các tổ phụ, các ngôn sứ và tất cả những người tin vào Thiên Chúa đã cảm nghiệm và làm chứng.
Nôê đ ã được thấy Thiên Chúa trung tín với Lời Hứa: “Mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9, 11); Ápraham cũng thấy Giao Ước Thiên Chúa lập với ông đươc thực hiện như lời Ngài nói với ông, sau khi ông vâng lời Ngài hiến tế Ixaác: “Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22,16-18); và Đức Maria, người nữ đầy ơn phúc, Kitô hữu đầu tiên và tuyệt vời đã đại diện Dân Chúa cất lời ca tụng lòng thương xót và thành tín của Thiên Chúa trong kinh Tán Tụng: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người …. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,50. 54-55).
Chính vì luôn giữ lòng thành tín với dân Ngài, mà Thiên Chúa đòi chúng ta phải trung tín với Ngài.
Các bài đọc phụng vụ hôm nay một lần nữa chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm của những tâm hồn đã được nếm sự ngọt ngào của lòng trung tín: ngôn sứ Khabacúc kiên trì cầu nguyện, mặc dù Thiên Chúa lặng thinh, trong khi trước mắt ông “toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ” (Kb 1,3), nhưng rồi Thiên Chúa đã trả lời ông: “Người công chính sẽ được sống nhờ lòng trung tín của mình” (Kb 2,4). Chính lòng trung tín bảo đảm sự sống, bởi người có lòng trung tín không chỉ chu toàn giáo huấn, thánh chỉ, mà còn ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa trong mọi biến cố, hoàn cảnh.
Thánh Tông Đồ dân ngoại nhắc nhở Timôthê, con thiêng liêng của mình đừng nhút nhát, hổ thẹn, cũng đừng sợ gian lao vất vả, nhưng hãy trung tín bằng “dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (x. 2 Tm 1,7-8).
Nhưng để có thể trung tín với Đức Giêsu, như điều kiện Ngài đòi hỏi, người môn đệ phải đặt niềm tin vào Ngài, dù niềm tin ấy có thể rất yếu ớt, chênh vênh, mong manh, dễ vỡ, bởi điều đó không quan trọng đối với Thiên Chúa, vì chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định đức tin của các môn đệ Ngài còn rất non nớt, khi nói với các ông: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc; nó cũng sẽ vâng lời anh em’” (Lc 17,6). Và trong thực tế, có mấy người đã có thể bảo cây dâu dời từ chỗ này qua chỗ kia, mà nó đã vâng lời. Đó là chưa kể những lần Đức Giêsu đã than thở về đức tin yếu kém của các môn đệ Ngài và trách móc các ông: “Đức tin anh em ở đâu?”, “Người đâu mà kém tin vậy?” (Lc 8,22; Mt 14,31).
Ý thức trung tín là đòi hỏi phải đáp ứng bằng mọi giá ở người muốn đi theo Đức Giêsu và để có thể trung tín đến cùng, người môn đệ phải đặt trọn niềm tin vào Ngài, nên các tông đồ đã không xin Đức Giêsu điều gì khác hơn là “thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5), vì các ông biết mình chưa thực lòng tin tưởng ở Thầy mình.
Phần Đức Giêsu, Ngài cho các ông biết việc các ông phải làm để đức tin của các ông được lớn lên, hầu bảo đảm lòng trung tín với Ngài, như Ngài luôn mãi thành tín với các ông, đó là các ông phải nhận ra mình trong tương quan với Thiên Chúa, và thái độ phải có với Ngài khi nói với các ông: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đây thôi” (Lc 17,9-10).
Tóm lại, bao lâu người môn đệ chưa đủ khiêm tốn để thực thi điều Thiên Chúa muốn với cõi lòng hoàn toàn trống vắng tham vọng, tính toán, một tâm hồn không vẩn đục âm mưu, thủ đọan, một trái tim không tìm kiếm công lênh, phần thưởng, bấy lâu người ấy chưa thể trung tín với Thiên Chúa, vì để trung tín, người ấy phải hoàn toàn phó thác vào tình thương và quyền năng của Ngài. Nói cách khác, để trung tín đến cùng với Thiên Chúa, chúng ta cần tín thác nơi Ngài, bằng đi vào tương quan cha con với Ngài, vì chỉ trong tình cha con, chúng ta mới dám tin: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, và sống đơn sơ như những đầy tớ được chủ yêu thương, vì tất cả đã được chủ quan phòng, lo liệu và ban cho dư đầy, bởi Thiên Chúa là Đấng luôn thành tín với những ai trung tín với Ngài.
Jorathe Nắng Tím