TMĐP- Bước vào Tuần Thánh là bước vào đường Thánh Giá với Đức Giêsu. Thánh Giá Đức Giêsu là mầu nhiệm của Tình Yêu vô cùng và đến cùng Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Giá Đức Giêsu là mầu nhiệm khôn ngoan của Thiên Chúa.
Có lần người viết dẫn người bạn ngoại đạo vào nhà thờ trong một dịp lễ lớn. Vừa bước vào, ông bạn đã hoảng hốt, thất thần nắm lấy vai người viết thảng thốt nghẹn lời: “Sao có người bị đóng đinh thế kia? Thương tâm và ghê rợn quá!”.
Không hết hồn như người bạn ngọai giáo, nhưng nhiều người Kitô hữu đã không khỏi thắc mắc: Tại sao Thiên Chúa phải chịu đóng đinh trên Thánh Giá? Và thực sự có cần thiết phải cứu độ nhân loại bằng cái chết nhục nhã, thê thảm, bi thương như thế không?
Quả thực, thắc mắc của chúng ta, là người tín hữu, cũng như phản ứng “hết hồn hết vía” của người bạn ngoại đạo không có gì ngạc nhiên, hay thiếu nền tảng, trái lại rất đúng ở một người quân bình.
Quân bình như những người Do Thái đương thời với Đức Giêsu đã coi thập giá là “ô nhục, không thể chấp nhận”, và người dân ngoại xem thập giá là chuyện “điên rồ” (x. 1Cr 1, 23). Điều này cũng không mấy khác phần lớn con người thời đại chúng ta hôm nay nhìn thập giá là quái đản, kinh dị phải tìm mọi cách tránh xa. Vì thế, Thánh Giá người Kitô hữu chúng ta tôn kính và Đức Giêsu chịu đóng đinh chúng ta tôn thờ là một mầu nhiệm không chỉ với người đương thời với Đức Giêsu, người đương đại là chúng ta hôm nay, mà còn với các thế hệ ở phía sau chúng ta cho đến ngày tận thế, vì vượt qúa những gì trí khôn con người có thể tưởng tượng.
1/ Thánh Giá Đức Giêsu là mầu nhiệm của Tình Yêu vô cùng và đến cùng Thiên Chúa dành cho con người:
Nếu trong Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho Ítraen: Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Ngài là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa công minh thưởng phạt, Thiên Chúa chăn dắt, bảo vệ dân Ngài, và mở ra niềm hy vọng một Đấng Cứu Tinh sẽ đến, thì Tân Ước là thời viên mãn khi Lời Hứa của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã từ trời xuống thế như chương trình cứu độ nhân loại từ đời đời của Chúa Cha, Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).
Như thế, công cuộc xuống thế làm người của Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa không chỉ để làm chứng Thiên Chúa yêu nhân loại vô cùng và đến cùng, nhưng Ngài còn là chính Tình Yêu như thánh Gioan đã qủa quyết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8).
Nhưng làm thế nào để Tình Yêu làm chứng mức độ vô cùng và đến cùng của tình yêu; làm thế nào để con người nhận ra Ngôi Lời Thiên Chúa là Tình Yêu, nếu Thiên Chúa Tình Yêu không thực hiện chọn lựa cao qúy nhất của tình yêu, không đi đến tận cùng của tình yêu tuyệt vời, không hành động như đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối là chết cho người mình yêu, như Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu đã khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và qủa thực, không gì có thể bảo đảm cho tình yêu hơn chính Thiên Chúa là Tình Yêu đã công bố và chọn cho mình cái chết cho người mình yêu như minh chứng hùng hồn và cao cả nhất của một tình yêu đích thực ở một Thiên Chúa đắm đuối yêu thương con người.
Đây chính là logic của tình yêu, vì bản chất của tình yêu là hướng đến đối tượng với ước mơ, thao thức và hành động đem lại hạnh phúc cho đối tượng được yêu, nên mức độ quên mình, xoá mình, hiến mình vì người mình yêu càng cao dầy, càng quả cảm, càng gần với tuyệt đối, thì tình yêu ấy càng vĩ đại, cao vời.
Quả thực, nếu Đức Giêsu không chọn logic của tình yêu cao cả là chết đi cho người mình yêu, thì chưa chắc chúng ta tin Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu; nếu tình yêu của Thiên Chúa làm người chỉ dừng lại ở những phép lạ chữa người đau ốm, tật nguyền, quỷ ám thì không mấy chắc chúng ta dám tin Ngài là Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng và đến cùng; nếu Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không chết vì sự sống của nhân loại, không hiến mạng sống mình để chuộc lại sự sống đời đời đã mất của tất cả mọi người, thì nhiều phần trăm chúng ta không tin Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu vì không đạt đến độ cao cả của logic tình yêu là chết cho người mình yêu. Đó là lý do Đức Giêsu đã được Chúa Cha sai đến để là Tình Yêu cao cả, tuyệt vời, vô cùng và tuyệt đối là “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Tuy thế, cái chết của Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá vẫn mãi là mầu nhiệm đối với chúng ta, vì bao lâu còn ở thế gian, chúng ta không thể hiểu thấu đáo giá trị cứu độ vô cùng của Thánh Giá Đức Kitô, bởi những gì cái chết vì yêu thương của Đức Giêsu đã trả lại cho chúng ta đã không được chúng ta quý hóa, trân trọng; những ân huệ lớn lao chúng ta đã mất nay được Đức Giêsu chuộc lại bằng máu của Ngài không được chúng ta xem là cần thiết và trân quý; và vì thế, chúng ta vô tình trở thành những người coi thường, xem nhẹ, tẩy chay, tránh né Thánh Giá, có khi còn trở thành kẻ thù của Thánh Giá, như thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Philípphê: “Như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” (Pl 3,18).
Vâng, những gì chúng ta đã mất mà vẫn không quan tâm như ơn tha thứ để được giao hoà, nối lại tình nghĩa cha con với Thiên Chúa, ơn khỏi phải chết nhưng được cứu sống và hạnh phúc đời đời trong vương quốc bình an của Thiên Chúa. Đó là những ơn mà chỉ Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá mới có thể chuộc lại cho chúng ta, những tội nhân đáng tội chết, bằng chính máu của Ngài đổ ra trên Thánh Giá, máu của một Thiên Chúa có tên là Tình Yêu đã chết để thanh tẩy, cứu vớt loài người.
Vui lòng đón nhận hình phạt chịu đóng đinh là hình phạt nặng nề, nhục nhã nhất, Đức Giêsu đã chuộc lại tội kiêu căng, bất tuân của nguyên tổ loài người và của mỗi người chúng ta bằng “hạ mình vâng lời chết trên cây thập tự” ( x. Pl 2, 8); hy sinh tính mạng vì người mình yêu vốn yếu đuối, đầy tội lụy, Đức Giêsu đã không chỉ xóa tội, mà còn gánh hết tội lỗi của nhân loại (x. Ga 1,29), để không ai bị luận phạt, nhưng được giao hoà với Chúa Cha, và được Ngài kéo lên trời với Cha Ngài, nếu tin vào tình yêu Thánh Giá của Ngài, như chính Ngài đã khẳng định với ông Nicôđêmô: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được treo lên cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15), và như thánh Phaolô giải thích trong thư gửi giáo đoàn Colôxê: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” Cl 1, 19-20).
Thế là các món nợ máu chúng ta phải trả, Đức Giêsu đã trả thay cho chúng ta bằng đổ máu mình trên Thánh Giá: “Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người” (Cl 2,15). Quyền lực thần thiêng đây là ma qủy, tội lỗi, sự chết, hoả ngục. Tất cả đã bị Đức Giêsu chịu đóng đinh nghiền nát dưới chân, để từ đây, nhờ Thánh Giá, tất cả chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa và với nhau “trong một thân thể duy nhất nơi chính bản thân Người”. Thực vậy, Đức Giêsu chịu đóng đinh đã tiêu diệt ganh ghét, hận thù, và ban cho chúng ta ơn bình an, vì chính Ngài là tình yêu và bình an của chúng ta (x. Ep 2,14-18).
2/ Thánh Giá Đức Giêsu là mầu nhiệm khôn ngoan của Thiên Chúa:
Cho dù Thánh Giá Đức Giêsu đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, và mọi người cần ngước lên chiêm ngưỡng để được cứu sống, đồng thời nhận ra trên Thánh Giá Đấng Cứu Độ từ bi, bao dung, nhân hậu, giàu lòng thương xót, như dân Do Thái xưa trong sa mạc bị rắn độc cắn chết đã đến xin Môsê khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn khỏi dân. Đức Chúa nhậm lời và nói với Môsê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”. Môsê đã làm như vậy, và “hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì đều được sống” (Ds 21,8 -9), nhưng nhiều người vẫn không muốn tin Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã chịu treo lên, đã chết trên Thánh Giá để cứu sống loài người là Thiên Chúa thật, là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Vì không muốn tin, nên dù có đủ chứng cớ đáng tin, khả tín, Thánh Giá của Đức Giêsu vẫn bị coi là điều ô nhục, ngu xuẩn, điên rồ trong thế giới hôm qua và hôm nay, vì hôm qua hay hôm nay, ở bên này hay bên kia địa cầu, con người vẫn đánh giá sự khôn ngoan của môt người ở vinh quang bên ngoài, thành công vật chất, danh phận, chức quyền và hầu như tất cả đều đổ xô đi tìm danh lợi để được gọi là người có đẳng cấp khôn ngoan.
Thánh Phaolô nắm vững thực tế này, nên đã không ngần ngại qủa quyết: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 18), và khẳng định thêm rằng : sự khôn ngoan của Thiên Chúa không biểu lộ ở những nơi con người mải mê đổ xô đi tìm như quyền thế, của cải, vinh quang, danh vọng, nhưng biểu lộ ở Thánh Giá khiêm hạ, vâng phục, nghèo khó, từ bỏ, xóa mình, trên đó Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa chịu đóng đinh, bởi Thiên Chúa đã chọn Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại, Thánh Giá mà người Do Thái cho là ô nhục thì Thiên Chúa chọn làm vinh quang của Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ; Thánh Giá mà người Hy Lạp cho là điên rồ, ngu xuẩn, thì Thiên Chúa chọn làm kho báu khôn ngoan của Nước Trời. Và “vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 25) nên chúng ta, những người đặt để niềm tin vào Thiên Chúa “sẽ được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa” (1 Cr 1,30), Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính vì được Ngài thánh hoá và cứu chuộc.
Như thế, qua Thánh Giá, chúng ta xác tín khôn ngoan của Thiên Chúa không là khôn ngoan của con người, vì hạnh phúc là mục tiêu, và đối tượng của khôn ngoan mà con người hăm hở đi tìm là của cải, thế lực, quyền bính, hưởng thụ … đang khi Đức Giêsu trong Bát Phúc, tức hiến chương Nước Trời lại công bố hạnh phúc đích thực thuộc về những ai có tâm hồn đơn sơ, nghèo khó; gia nghiệp trên trời dành cho những người hiền lành, khiêm nhu; niềm an ủi Thiên Đàng chỉ được ban trên những phận người phải khóc lóc, sầu khổ và lòng xót thương của Thiên Chúa chỉ đổ đầy những con tim biết chạnh lòng thương cảm, hằng khao khát điều công chính, và nỗ lực kiến tạo hoà bình; cũng như phần thưởng lớn lao trên trời đã được dọn sẵn cho những người vì Nước Trời mà “chịu người ta sỉ vả, bách hại, vu khống đủ điều xấu xa (x. Mt 5,3-12). Và vượt xa những gì chúng ta tưởng, Đức Giêsu đã khẳng định sự khôn ngoan của Thiên Chúa hằng ở với những người bé mọn, vì đó là thánh ý của Ngài, qua lời cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).
Chúng ta cũng nhận ra qua Thánh Giá những chọn lựa mà Đức Giêsu muốn người môn đệ của Ngài phải thực hiện như con đường khôn ngoan của Thiên Chúa, đó là vác Thánh Giá mình và Thánh Giá của anh em, nhận ra Đức Giêsu chịu đóng đinh nơi những người đói khát, đau yếu, trần truồng, tù đầy, tha hương tỵ nạn, bị bạc đãi, bỏ rơi; đón tiếp và phục vụ những người cô thân cô thế, bé nh, hèn mọn không được ai quan tâm, thương yêu, chăm sóc, bảo vệ (x. Mt 25,31-46), vì logic khôn ngoan của Thiên Chúa hoàn toàn khác logic khôn ngoan của loài người chúng ta.
Bước vào Tuần Thánh cũng là bước vào đường Thánh Giá với Đức Giêsu, và bước theo Đức Giêsu lên tận đỉnh đồi Canvê để cùng với Ngài chịu đóng đinh. Đây là con đường của người môn đệ, là chọn lựa của những ai muốn đi theo Đức Giêsu, vì ngoài đường Thánh Giá, không còn con đường nào khác cho phép người môn đệ đi theo và ở lại với Đức Giêsu, Thầy mình. Vì thế, ơn gọi của người môn đệ là “cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu vào thập giá” (Gl 3,19), là “vui mừng được chịu đau khổ vì anh em”, và “xin mang lấy vào thân cho đủ mức những gian nan, thử thách Đức Giêsu còn phải chịu vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24) sẽ không luôn là ước mơ, chọn lựa của nhiều người, nhất là ở thời đại duy vật vô thần, và thực dụng hưởng thụ hôm nay.
Chúng ta cùng Giáo Hội cung kính thờ lậy Đức Giêsu chịu đóng đinh và mạnh dạn tuyên xưng như thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).
Jorathe Nắng Tím