TMĐP- Đức Maria, Mẹ của chúng ta không xa lạ, xa cách chúng ta trong thân phận người, và hoàn cảnh, điều kiện nhân sinh để trở thành gương sống Đức Giêsu cho tất cả chúng ta: Gương sống khiêm hạ, yêu thương, phục vụ và tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói.
Thánh Gioan Tông Đồ đã thị kiến điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời về Đức Maria, người được đầy phúc lạ hơn mọi người nữ như sau: “Một người phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp măt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1).
Nhưng có vì điềm lạ ấy mà người nữ đầy phúc lạ hơn mọi ngườinữ là Đức Maria đã hoàn toàn xa cách, xa lạ với chúng ta hay không?
Không, Đức Maria không hề xa lạ với thân phận làm người, hay xa cách đồng hương, đồng bào của Mẹ ngày xưa ở Bêlem, Nadarét, và cũng không xa mặt cách lòng đối với chúng ta hôm nay, dù Mẹ đã được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Không xa lạ với thân phận làm người, bởi Mẹ cũng nếm hết đắng đót của bí mật làm tan nát tâm can khi chấp nhận làm mẹ Thiên Chúa, để Giuse, chồng mình rơi vào hoang mang, nghi ngờ, rồi toan tính kín đáo bỏ đi, vì không hiểu bào thai trong lòng mình là do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 18-25); không xa lạ với phận nghèo, túng quẫn, long đong khi sinh con trong hang chiên lừa (x. Lc 2,1-7); không xa la với nỗi sợ khủng khiếp bị bạo quyền săn lùng, tìm giết, khi bế con bỏ nước, vượt biên tỵ nạn (x. Mt 2,13-18); không xa lạ với nỗi đau của lòng mẹ khi nhìn con hấp hối trên Thánh Giá; không xa lạ với cảnh neo đơn, côi qủa khi chồng mất, con chịu án tử đóng đinh (x, Ga 19,25-27).
Mẹ cũng không xa cách gia đình, thân quyến khi hối hả vượt đồi vượt núi đến thăm và ở lại chăm sóc chị họ Êlisabét những ngày ở cữ (x. Lc 1,39-56); không xa cách bà con, láng diềng và đồng hương, đồng đạo khi cùng họ lên Đền Thờ Giêrusalem các dịp lễ lớn trong đạo (x. Lc 2, 41-50); không xa cách với đám đông đi theo Đức Giêsu để nghe Ngài giảng dậy, và những người đau ốm, bệnh tật, bị quỷ ám được Ngài chữa lành trên hành trình loan báo Nước Thiên Chúa (x. Lc 11,27-28; Ga 2,12).
Thực vậy, Đức Maria, Mẹ chúng ta là người nữ đầy phúc lạ hơn mọi người nữ không phải vì Mẹ ở trên loài người, ở xa loài người, tách rời, khác biệt mọi người, nhưng vì Mẹ là con người như bao nhiêu con người khác, ở với mọi người như một con người bình thường, chỉ khác mọi người một điều, đó là Mẹ luôn có Đức Giêsu.
Luôn có Đức Giêsu trong cung lòng Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Đức Giêsu; luôn có Đức Giêsu trong trái tim Mẹ, vì Mẹ tha thiết yêu Đức Giêsu; luôn có Đức Giêsu trong tâm trí Mẹ, vì Mẹ chỉ hướng về Đức Giêsu; luôn có Đức Giêsu trong đời Mẹ, vì đời Mẹ được dâng hiến trọn vẹn cho Đức Giêsu, và trong Đức Giêsu, Mẹ dâng hiến để yêu thương hết mọi người.
Vì luôn có Đức Giêsu, gắn bó thiết thân, và nên một với Đức Giêsu, mà Mẹ đã được chị họ Êlisabét lên tiếng khen ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,45); được người ta ca tụng khi Đức Giêsu đang giảng dạy: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú” (Lc 11,27), và ngay sau đó, Đức Giêsu cũng gián tiếp tuyên dương Mẹ: “Phúc thay kẻ lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).
Vì luôn có Đức Giêsu, sống Đức Giêsu, nên Mẹ là người kế tiếp Đức Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết, đón nhận trọn ven ơn sủng của sự sống, khi thân xác của Me được mặc lấy sư bất diệt, tức sự bất tử, bởi tử thần đã bị chôn vùi, đã bị tiêu diệt. Nó không thể làm gì trên Mẹ vì Mẹ không bị đăt dưới ách thống trị của tội lỗi, mà tử thần là hậu quả của tội lỗi, như thánh Phaolô đã quả quyết trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô (x, 1 Cr 15,54-55).
Quả thực, Đức Maria, Mẹ của chúng ta không xa lạ, xa cách chúng ta trong thân phận người, và hoàn cảnh, điều kiện nhân sinh để trở thành gương sống Đức Giêsu cho tất cả chúng ta: Gương sống khiêm hạ, yêu thương, phục vụ và tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói.
Trong khiêm hạ, Mẹ đã nhận ra hạnh phúc của “nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa đoái thương” (Lc 1, 48); với yêu thương, Mẹ đã nhìn thấy bao điều cao cả Đấng Toàn Năng đã làm cho dân Ngài từ đời nọ tới đời kia (Lc 1,49); qua phục vụ, Mẹ đã trở thành trạng sư, Đấng cầu bầu, máng chuyển ơn Thiên Chúa (x. Ga 2, 3-5); và bằng niềm tin sắt son, tuyệt đối vào Lời Hứa của Thiên Chúa, Mẹ là người Kitô hữu đầu tiên và gương mẫu tuyệt vời của Giáo Hội Đức Giêsu Con yêu của Mẹ.
Jorathe Nắng Tím