TMĐP- Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa hằng hoạt động trong thế giới loài người, để biến đổi thế giới thành một trời mới, đất mới, với con người mới, như thị kiến của thánh Gioan Tông Đồ trong sách Khải Huyền (x. Kh 21,1)
Hoạt động của Thần Khí từ đời đời đã bao trùm nhân loại một cách mãnh liệt và ơn sủng của Thần Khí được ban một cách sung mãn trên mọi người, như trường hợp hai ông Enđát và Mêđát có tên trong danh sách kỳ mục, nhưng đến giờ Đức Chúa ngự xuống ban Thần Khí thì hai ông đã không có mặt ở Lều Hội Ngộ, tức Lều đặt Hòm Bia, thế mà “Thần Khí vẫn đậu xuống trên các ông, và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại”. Có người chạy báo cho ông Môsê biết sự việc. Ông Giôsuê biết chuyện đã phản đối khi nói với Môsê: “Thưa Thầy, xin Thầy ngăn cản họ!” Nhưng Môsê không đồng ý và nói với Giôsuê: Anh không được ghen tương như vậy, vì “Đức Chúa ban Thần Khí của Người trên toàn dân để họ đều là ngôn sứ!” (x. Ds 11,24-29).
Trong Tân Ước, Đức Giêsu có lần đã qủa quyết với các môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, khi ông Gioan kể với Ngài: “Thưa Thầy, con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38-39).
Như thế, Thiên Chúa đòi chúng ta phải mở rộng lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hiện diện và hoạt động trên tất cả mọi người, và mọi thụ tạo của Ngài. Thái độ tiêu cực, dè dặt, nghi ngại của ông Giôsuê trong Cựu Ước, cũng như của các môn đệ, đặc biệt của môn đệ Gioan trong Tin Mừng Máccô đã nói lên sự chật hẹp, nhỏ mọn của tâm hồn những người được nhận là thuộc về Thiên Chúa, đang đứng trong hàng ngũ môn đệ của Đức Giêsu. Và thái độ đó đã không được Đức Giêsu đồng tình, ủng hộ.
Chắc chắn không hơn ông Môsê và môn đệ Gioan, chúng ta cũng hẹp hòi khi cấm cản hoạt động của Chúa Thánh Thần trên những người không thuộc về mình; cũng kỳ thị, tảy chay những người ở ngoài cộng đoàn, giáo xứ, giáo hội và ghen tức, bực bội khi thấy họ làm được những điều tốt lành, và sự lạ, mà chỉ với ơn Thánh Thần, con người mới thực hiện được; cũng tìm mọi cách ngăn cấm, dập tắt Thần Khí nơi những người không thuộc tổ chức, cơ chế rất chặt chẽ của chúng ta, và rất nhiều lần chúng ta đã không chỉ nghi ngờ, chỉ trích, khích bác, mà còn tìm cách bách hại, truy diệt họ, chỉ vì lòng chúng ta qúa chật hẹp và chỉ muốn khép lại trước tha nhân và hoạt động của Thần Khí. Vì thế, thánh Phaolô đã không ngừng căn dặn các giáo đoàn: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5,19), và không chỉ đừng dập tắt Thần Khí trong tâm hồn chúng ta, mà còn Thần Khí ở mọi người.
Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để biết đâu là hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa?
Thực vậy, không phải tất cả lời nói, việc làm của những người tự nhận thuộc về Thiên Chúa đều đến từ Thiên Chúa. Nhưng tất cả những gì tốt lành đều là hoa quả của Thần Khí, và làm chứng sự hiện diện hoạt động của Thần Khí, đồng thời , bất cứ lời nói, thái độ, hay hành vi nào làm tổn thương một con người, nhất là những người bé nhỏ, hèn mọn thì đều xúc phạm đến hình ảnh Thiên Chúa và chối bỏ Thần Khí của Ngài.
Đức Giêsu, ngay sau khi qủa quyết: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” đã tiếp tục minh định: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41), và ngược lại: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).
Tóm lại, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy: tất cả những việc làm của tình yêu dưới sự hướng dẫn của Thần Khí đều mở ra cho chúng ta con đường đức tin để đến với Đức Giêsu, và ngược lại, tất cả những hành vi làm tổn thương con người đều là hành động cấm vận Thần Khí và từ chối Đức Giêsu.
Thánh Giacôbê kêu gọi chúng ta đừng dập tắt Thần Khí bằng cảnh giác và tỉnh thức trước mãnh lực của đồng tiền, bởi nó có sức huỷ hoại trái tim bác ái là hoạt động của Thần Khí trong chúng ta. Mãnh lực ấy sẽ biến chúng ta thành cứng cỏi, chai đá, vô cảm trước đau khổ tinh thần, và thiếu thốn vật chất của đồng loại, nếu chúng ta không khôn ngoan xa lánh, bởi chính đức ái là chià khoá mở rộng lòng chúng ta trước Thần Khí để được cùng Ngài đi vào tương quan mật thiết với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Jorathe Nắng Tím