TMĐP- Bước vào Tuần Thánh là bước theo Đức Giêsu trên đường Khiêm Hạ, Từ Bỏ để trở thành Của Lễ cứu chuộc muôn người (x. Mt 20,28).
Ở ngưỡng cửa Tuần Thánh, Giáo Hội tưởng nhớ Đức Giêsu vào Giêrusalem cùng với các môn đệ với tư cách Đấng Mêsia vào dịp mừng lễ Vượt Qua của người Do Thái.
Tin Mừng Matthêu kể lại Ngài ngồi trên lưng một lừa con. Đám đông hôm ấy thấy Ngài liền “lấy áo choàng trải xuống mặt đường, chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi” để đón rước Ngài, và reo hò vang dậy: “Hoan hô con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,8- 9).
Sự kiện Ngài vào Giêrusalem được đám đông tung hô, chúc tụng đã làm “cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” Dân chúng trả lời: Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy”. Nhưng chỉ vài ngày sau, cũng đám đông ấy đã tụ họp tại dinh tổng trấn Philatô ép ông này tuyên án tử hình Đức Giêsu và điên cuồng gào thét tạo áp lực: “Đóng đinh nó vào thập giá… Đóng đinh nó vào thập giá”, “vì Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,22.23.26).
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên lưng lừa con vào thành thánh, cũng như trước toà án Philatô và trên Thánh Giá, chúng ta chỉ thấy ở Ngài sự khiêm hạ tận cùng của người tôi tớ:
Trên lưng lừa con, Ngài khiêm hạ, đôn hậu đến với mọi người, và không ai thấy ở Ngài dáng vẻ của một ông vua uy quyền, hay bề ngoài của một người thần thế, nắm giữ quyền lực, ảnh hưởng bao trùm; trước mặt Philatô, không một lời hay một cử chỉ, thái độ kiêu căng, thách thức, bạo lực, nhưng người ta chỉ thấy ở Ngài thần thái bình an của con người hiền lành và khiêm nhường; sau cùng khi chịu đóng đinh trên Thánh Giá, Đức Giêsu cũng chỉ biểu lộ sự ngọt ngào của lòng bao dung và sự nghèo khó, từ bỏ đến không còn gì của lòng thương xót.
Thực vậy, tất cả những gì con người đi tìm ở một thiên chúa như vinh quang, quyền lực, huy hoàng, hoành tráng đều đã không thấy ở Đức Giêsu, mà người ta chỉ thấy ở Ngài “một Đức Vua hiền hậu ngồi trên lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21,5); chỉ gặp một Thiên Chúa “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,7); chỉ chiêm ngắm được một Thiên Chúa khiêm hạ và vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu đóng đinh chết trần truồng, nhục nhã trên thập tự (x. Pl 2,8).
Không ai đã có thể nghĩ ra một Thiên Chúa đáng thương như vậy; cũng không đầu óc nào có thể tưởng tượng một Thiên Chúa “đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50, 6); và chắc chắn chẳng bao giờ có thần đồng hay thiên tài họa sĩ nào vẽ được chân dung của một Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã loan báo trong Cựu Ước: “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 62 14). “Như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Bị người đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53,2-3).
Như thế, vinh quang của Đức Giêsu hệ tại ở lòng khiêm hạ như thánh Phaolô đã khẳng định: Chính vì khiêm hạ và vâng lời, mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”; uy quyền và sức mạnh của Ngài cũng đến từ khiêm hạ, vâng lời, nên “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ”; và ngay cả “để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài cũng phải mở miệng tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9.10.11) vì Ngài đã khiêm hạ thẳm sâu và vâng lời tuyệt đối.
Bước vào Tuần Thánh là bước theo Đức Giêsu trên đường Khiêm Hạ, Từ Bỏ để trở thành Của Lễ cứu chuộc muôn người (x. Mt 20,28). Đây chính là con đường Đức Giêsu đã giới thiệu với các môn đệ khi gọi các ông theo Ngài. Trong Tuần Thánh, Ngài cũng mời gọi chúng ta nhớ lại con đường đã được Ngài đề nghị khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội gia nhập Giáo Hội, là đoàn thể những người đi theo Ngài, để một lần nữa can đảm đứng lên đi với Ngài trên đường Thánh Giá khiêm hạ, hy sinh, hiến mình làm Của Lễ đền tội cho mình và cho anh em.
Jorathe Nắng Tím