TMĐP- Mùa Chay là mùa hồng ân, mùa Thiên Chúa rộng lượng thi ân cho tất cả những ai mở lòng đón nhận ơn Ngài.
Mùa Chay cũng như Mùa Vọng của phụng vụ không là mùa nắng hay mùa mưa của thời tiết, nhưng là mùa hồng ân cứu rỗi, như lời Thiên Chúa phán: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ” (Is 49,8).
Trong bài đọc 2 của Thứ Tư Lễ Tro, thánh Phaolô quảng diễn: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa, Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người…”. Vậy, “anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu”, vì “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 5,20 ; 6,1.2).
Như thế, thời hồng ân chính là thời nhân loại nhận được ơn cứu độ, như Thiên Chúa đã ghé mắt thương xót Dân Ngài bị lưu đầy ở Babylon: “Ta sẽ ghé mắt nhìn để ban phúc và sẽ đưa chúng trở về đất này; Ta sẽ xây chứ không phá, sẽ trồng chứ không nhổ. Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là Đức Chúa. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng; bởi vì chúng sẽ hết lòng trở về với Ta” (Gr 24,6-7). Đây thực là thời của hy vọng được vực dậy, cứu sống; thời của tội nhân được thương xót, thứ tha ; thời của đám dân kiêu căng, phản phúc được khoan hồng, xóa tội; thời của tình nghiã cha con đã đứt được nối lại, khi con người “hết lòng trở về” với Thiên Chúa.
Trong Tân Ước, người Pharisêu đã hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kià!’, vì Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20- 21).
Trả lời người Pharisêu: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”, Đức Giêsu cũng trả lời nhiều người trong chúng ta như vậy, vì không phải tất cả mọi người đều đã nhận ra đây là thời hồng ân, đây là mùa Cứu Độ, thời Thiên Chúa thương xót dân Ngài, mùa Đức Giêsu thực hiện nhiệm cuộc Cứu Độ trên những ai tin vào Ngài.
Trên hành trình Mùa Chay, Đức Giêsu đồng hành với chúng ta như Thiên Chúa Cứu Độ, sứ vụ mà chính Ngài đã công khai khẳng định trong hội đường Nadarét: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).
Giữa sa mạc Mùa Chay tâm hồn, Đức Giêsu như người chăn chiên “bỏ chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 1,4-5).
Trên con đường Mùa Chay thống hối, người người đều nhìn thấy bóng Đức Giêsu, như người cha nhân hậu, mắt xa xôi ngấn lệ, ngày ngày rải bước đi tìm con (x. Lc 15, 11-32).
Và bên vệ đường thanh vắng, chúng ta như người đi đường không may rơi vào tay bọn cướp. Bị chúng trấn lột không còn gì, lại bị đánh nhừ tử nửa sống nửa chết, phúc thay có Đức Giêsu, như người Samari nhân hậu, Ngài đã chạnh lòng thuơng cấp cứu và đưa về quán trọ mà săn sóc, chữa lành (x. Lc 10,30-37).
Tóm lại, Mùa Chay là mùa hồng ân, mùa Thiên Chúa rộng lượng thi ân cho tất cả những ai mở lòng đón nhận ơn Ngài. Ngài không chỉ ban ơn cho ta được tồn tại, mà còn ban cho ta ơn hoán cải, đổi mới, ơn nhận ra Ngài là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, là Cha nhân hậu hằng yêu thương, chăm sóc, gìn giữ con cái mình, như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh; nhận ra Ngài là Đấng ban cho chúng ta sự sống đời đời, để chúng ta không bao giờ phải diệt vong, và cũng không ai cướp được khòi chúng ta sự sống vĩnh cửu (x. Ga 10,28 ); nhận ra “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 6,28).
Sở dĩ Mùa Chay đến rồi đi, đi rồi trở lại rất nhiều lần trong đời, nhưng chúng ta không thấy quý, không cảm thấy cần thiết, không nao nức trông ngóng, cũng không khao khát, thiết tha, vì chúng ta không nhận ra Mùa Chay là muà Thiên Chúa rộng lượng thi ân cách đặc biệt, mùa Thiên Chúa hối hả đi tìm cứu độ con người, mùa Thiên Chúa làm cho chúng ta “trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”, phong phú nhờ “lời chứng về Đức Kitô ăn sâu vững chắc vào lòng trí” khiến chúng ta “không thiếu một ân huệ nào trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Ngài” (x. 1 Cr 1,5-7).
Cũng vì không nhận ra ơn Chúa cao trọng, và cần thiết cho hạnh phúc đời này và sự sống đời sau, mà chúng ta không chỉ coi thường ơn Chúa, thờ ơ với mùa chay là muà Thiên Chúa thi ân, cứu độ, mà còn vô ơn với Thiên Chúa và anh em như những cánh tay nối dài của Thiên Chúa để chuyển tải ơn Ngài đến ta.
Chính Đức Giêsu đã nói với người đàn bà xứ Samari bên giếng Giacóp giữa buổi trưa nắng như thiêu đốt, ở đó Ngài đã xin chị ta nước uống: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống!’” (Ga 4,10), Ngài cũng nói những lời này với mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay, trên hành trình mùa chay “hiệp hành”.
Quả thực, không nhận ra Mùa Chay “Hiệp Hành”, cũng là công cuộc Hiệp Hành của Giáo Hội là thời Thiên Chúa thi ân cách đặc biệt phong phú, thời Thiên Chúa đặc biệt mở rộng cánh cửa lòng thương xót để tất cả được canh tân, cứu độ, chúng ta sẽ không thể đồng hành tiến bước, hiệp thông chia sẻ, đồng lòng cộng tác xây dựng Giáo Hội, thực thi sứ mạng truyền giáo, vì một lý do rất đơn giản và dễ hiểu, đó là vô tình chúng ta trở thành những kẻ vô ơn.
Chúng ta sẽ vô ơn với Chúa, vì không biết mình nhận được rất nhiều từ Ngài, và vì không biết mình đã nhận nhiều, nên đóng chặt cửa lòng để không làm điều Chúa dạy, cũng là việc quan trọng mọi người Kitô hữu phải làm để đem lại thành công cho công cuộc Hiệp Hành của Giáo Hội toàn cầu, đó là “Anh em đã nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không như vậy” (Mt 10, 8).
Chúng ta sẽ vô ơn với Chúa, vì không biết mình được Chúa yêu nhiều, thương xót nhiều, và vì không biết mình được yêu thương vô cùng và tha thứ đến cùng, chúng ta sẽ ngần ngại mở lòng yêu mến Thiên Chúa, và dè dặt “chạnh lòng” thương cảm mọi người như lời Đức Giêsu nói với ông Simôn khi ông thắc mắc về thái độ ân tình, xót thương của Ngài đối với người phụ nữ mang tiếng tội lỗi trong vùng đang lấy nước mắt tưới chân Ngài và lấy tóc mình mà lau khô: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít, thì yêu mến ít” (Lc 7,47).
Vô ơn với Chúa, chúng ta sẽ vô ơn với nhau, và vì vô ơn với nhau, khi không chân nhận những việc tốt lành anh em làm cho mình, những điều tốt đẹp người khác đóng góp xây dựng cộng đoàn, chúng ta sẽ trở thành những kẻ kiêu căng, ngạo mạn, kệch cỡm, lố bịch khi mang vào mình ảo tưởng sức mạnh để bất cần người, chẳng biết ơn ai, và như thế, con đường “Hiệp Hành” trên đó mọi chi thể của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội phải hiệp thông, đồng hành sẽ không thể thực hiện, vì các thành viên của Giáo Hội sẽ không có “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại” để “chịu đựng và tha thứ cho nhau” là điều kiện không thể thiếu để đồng hành, “Hiệp Hành” vì thiếu sợi dây liên kết là bác ái được đặt trên nền tảng tôn trọng nhau bằng “nhận biết giá trị của nhau” và biết ơn nhau, bằng “nhận ra những đóng góp tốt đẹp của nhau”.
Trên đường Mùa Chay “Hiệp Hành”, chúng ta xin Chúa tâm tình biết ơn Chúa và biết ơn nhau, bởi có biết ơn nhau qua những việc cụ thể làm cho nhau, chúng ta mới biết ơn Chúa vì những hồng ân “thiêng liêng” Chúa ban, mà chỉ với đôi mắt đức tin chúng ta mới nhận ra đó là hồng ân vô cùng dư đầy, và tuyệt vời phong phú Thiên Chúa hằng bao phủ cuộc đời chúng ta.
Jorathe Nắng Tím