TMĐP- Càng bước sâu vào Mùa Vọng, Giáo Hội càng hối thúc chúng ta dạn dĩ, hân hoan, phấn khởi hơn trên đường yêu thương là con đường tìm gặp Thiên Chúa và đến với anh em.
Toàn thể các bài đọc phụng vụ của Chúa Nhật này đều kêu gọi chúng ta “hãy cởi áo tang chế và sầu khổ”, để mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Thiên Chúa.
Sự huy hoàng cũng như vinh quang đời đời của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Ngài hằng tuôn đổ chan hòa trên nhân loại để không ai phải chết, nhưng được cứu sống, bởi từ đời đời “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người Con ấy là Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi tên là “Hoà Bình trong công lý và Vinh Dự trong hiếu nghĩa” (x. Br 5,1-9).
Là Bình An trong công lý của lòng thương xót, Đức Giêsu là hạnh phúc đích thực và đời đời của mọi người, khi lấy lòng từ bi nhân hậu mà dẫn dắt nhân loại đến ánh vinh quang của Ngài. Là Vinh Dự trong hiếu nghĩa, Đức Giêsu cho chúng ta được phấn khởi, hân hoan vì thấy Chúa hằng nhớ đến từng người chúng ta (x. Tv 125).
Thực vậy, Chúa đối xử đại lượng với chúng ta hơn chúng ta tưởng, vì Chúa là tình yêu thương xót; đối xử đại lượng với chúng ta, vì Chúa dựng nên chúng ta cho Ngài; đối xử đại lượng với chúng ta, vì Ngài biết chúng ta yếu đuối; đối xử đại lượng với chúng ta, vì hạnh phúc của chúng ta là vinh quang của Ngài.
Nhưng để nhận được tình thương và lòng đại lượng của Thiên Chúa, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận bằng mở lòng, dọn lòng như chuẩn bị con đường cho Chúa đến như Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế đã dùng lời sấm của ngôn sứ Isaia để kêu gọi mọi người “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường ghồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,1-6).
Thực vậy, nếu con đường Thiên Chúa đến với chúng ta là con đường của lòng thương xót, thì con đường Ngài muốn chúng ta dọn dẹp để đón rước Ngài cũng phải là con đường của lòng xót thương. Ngoài con đường duy nhất là lòng thương xót, Thiên Chúa không đến với loài người bằng con đường nào khác, và con người cũng không thể đến với Thiên Chúa ngoài con đường Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa của lòng thương xót, là Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giàu lòng xót thương. Chính trên con đường thương xót, mà loài người được cứu độ; chính nhờ bước đi trên đường thương xót với Đức Giêsu, mà tội lỗi chúng ta được xóa sạch; chính ở trong lòng thương xót của Đức Giêsu, mà mỗi người chúng ta được Chúa mặc cho áo công lý và nhận vương miện vĩnh cửu trên đầu (x.Br 5,1-9).
Thánh Phaolô cũng không nói gì khác với giáo đoàn Philípphê ngoài nhấn mạnh: “Tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng ..” (x. Pl 1,4-6.8-11). Thánh Tông Đồ dân ngoại đã chẳng kêu gọi các tín hữu làm gì ngoài sống đời bác ái, phát triển tình huynh đệ, và thực hiện lòng thương xót đối với mọi người, vì bất cứ đòi hỏi nào cũng đều phát xuất và quy hướng về đức ái được đặt nền tảng trên lòng thương xót và được nuôi dưỡng bởi nguồn sống đích thực là trái tim hay chạnh lòng của Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót.
Tóm lại, càng bước sâu vào Mùa Vọng, Giáo Hội càng hối thúc chúng ta dạn dĩ, hân hoan, phấn khởi hơn trên đường yêu thương là con đường tìm gặp Thiên Chúa và đến với anh em. Mùa Vọng, vì thế, không là mùa thụ động của người lười biếng ngồi chờ sung rụng, nhưng là mùa hăng hái lên đường thực thi giới luật “yêu thương như Chúa đã yêu thương”, mùa dấn thân thương xót, mùa quên mình phục vụ, mùa sửa đường, dọn đường Thương Xót đón rước Chúa đến, mùa “dư đầy hoa qủa công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương và đại lượng với loài người chúng ta.
Jorathe Nắng Tím