Giáo hội

MỤC TỬ KHÔNG LÀ CÔNG CHỨC | Chuỗi Giáo Hội Bài 12

TMĐP- Mục Tử nhân lành vì sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên nên luôn ở sát bên chiên, có mặt với chiên trong mọi tình huống, hoàn cảnh, và chết sống với chiên mà không màng đến lợi riêng, cơ hội tốt, điều kiện thuận lợi cho vinh quang bản thân.

Một sự thật không thể chối cãi mà Giáo Hội ngày càng lo lắng, băn khoăn chính là nạn giáo sĩ trị.

Chúng ta thường đơn sơ hiểu giáo sĩ trị là não trạng và cách thức hành xử của hàng giáo sĩ đối với giáo dân, một não trạng với những cách thức phản Tin Mừng, nghĩa là không phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng, đi ngược với ơn gọi được sai đi để phục vụ  dân Chúa như “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Trong thực tế, nạn giáo sĩ trị đã không chỉ giới hạn và  khoanh vùng trong tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân, nhưng loang ra đến cả tương quan giữa giáo sĩ với nhau, cũng như giữa hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ.

Những hậu quả đáng buồn của tệ nạn giáo sĩ trị, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần công khai bầy tỏ thúc đẩy chúng ta không chỉ cầu nguyện, mà còn phải cùng nhau suy tư dựa trên nên tảng Lời Chúa.

Bằng nhiều cách, Đức Thánh Cha chỉ cho chúng ta hậu quả vô cùng tai hại của chủ nghĩa giáo sĩ trị là làm xa cách.

Sở dĩ có những giáo dân không thân tình gắn bó, không tin tưởng trao đổi, không nhiêt tình cộng tác, không kiên trì đồng hành đến cùng với giáo sĩ, vì tương quan cha – con, chủ chăn nhân lành và đoàn chiên được thương yêu, tôn trọng, chăm sóc đã bị lối sống giáo sĩ trị của cha, và cũng là chủ chăn phá hủy, để biến thành tương quan kẻ thống trị và đám dân bị trị, mà trên thế gian này, có mấy người bị trị lại thật lòng kính trọng, thương yêu, vâng phục những kẻ thống trị, đàn áp, coi thường mình?

Từ xa cách giữa cha con, chủ chăn và đoàn chiên sẽ dẫn đến những bất đồng không thể thương lượng, những bất hoà khó hoà giải, những bất mãn không  được tháo gỡ, những bất an không bao giờ được giải toả. Chúng như than hồng cứ ngày đêm âm ỉ đốt cháy tâm can, cho đến một ngày bùng phát, nổ tung. Và hậu quả cuối cùng là đoàn chiên tan tác, và người chăn dắt với chủ trương giáo sĩ trị cũng chẳng được gì, nếu không phải là mặc cảm phản bội, và cảm giác buồn nôn về cái vô nghĩa của cuộc đời tận hiến.

Như thế, chủ nghĩa giáo sĩ trị không mang lại lợi ích gì cho đoàn chiên, mặc dù có người ngang nhiên biện hộ khi nói rằng giáo dân ngày càng cứng đầu, khó bảo, không xử dụng chiêu “giáo sĩ trị” thì làm sao giáo xứ, cộng đoàn có kỷ cương, trật tự, nề nếp?

Nhưng biện hộ  dù có xuôi tai đến đâu, lý giải có chặt chẽ cỡ nào, chúng ta cũng không thể “vượt mặt” được Đức Giêsu, Đấng đã hành xử với đoàn chiên bằng tấm lòng và cung cách của “Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, để chiên  được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10,11).

Vì luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, Mục Tử nhân lành không bị bất cứ “khoảng cách không gian hữu hình, hay khoảng cách thế lực vô hình” nào làm ông phải xa đoàn chiên thuộc về mình, vì Mục Tử là Cửa cho từng con chiên “ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10, 9), nên khi không có Mục Tử, Cửa hoặc sẽ bị đóng chặt và chiên bị giam giữ, không ra vào được; hoặc cửa bị  phá toang, và bọn cướp cũng như sói dữ đột nhập, ùa vào “trấn lột, giết hại, và phá hủy” (Ga 10,10).

Vì luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, Mục Tử nhân lành không để mình bị trói buộc bởi bất cứ cơ chế, quy tắc hành chánh, hay hệ thống điều hành nào làm ông không nghe được tiếng từng con chiên, vì yếu tính của ông là Mục Tử để yêu thương; sứ vụ của ông là Mục Tử để chăn dắt, chăm nom, bảo vệ, chữa lành, cứu sống chiên; sự nghiệp cũng như hạnh phúc của ông là chiên được no thoả trên đồng cỏ xanh, bên suối nước mát, nghĩa là được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Vì luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, Mục Tử nhân lành không chịu để bị ngăn che, cản trở bởi bất cứ tường thành, hàng rào, chướng ngại vật nào để đồng hành với chiên, để luôn có thể “đi trước chiên và chiên đi theo sau” (Ga 10, 4), nghĩa là không chịu bỏ chiên đi một mình, bỏ chiên lạc lõng, lẻ loi, rơi vào cạm bẫy của  bầy sói dữ, nhất là bỏ chiên đói khát, bị đe dọa, hãm hại bởi thú dữ đủ loại.

Vì luôn sẵn sàng hy sinh mang sống mình cho đoàn chiên, Mục Tử nhân lành không tìm an toàn bản thân, nên không tìm kiếm lợi riêng như  người chăn thuê  chỉ có mặt vì tiền bạc, vật chất, mà lòng thì cách xa, vô cảm, nhạt nhẽo, và nhạnh chân tẩu thoát, bỏ chiên mà chạy khi thấy sói đến (x. Ga 10, 12).

Tóm lại, Mục Tử nhân lành vì sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên nên luôn ở sát bên chiên, có mặt với chiên trong mọi tình huống, hoàn cảnh, và chết sống với chiên mà không màng đến lợi riêng, cơ hội tốt, điều kiện thuận lợi cho vinh quang bản thân.

Nếu quan sát Mục Tử nhân lành được cực tả trong Tin Mừng Gioan, chúng ta nhận thấy có sự đối  nghich toàn diện ở hình mẫu của một công chức thuộc cơ chế  hiểu như những người làm việc công mà chỉ mưu tìm chức tước, địa vị, đặc lợi đặc quyền cho bản thân mình, mà không là “công bộc” trung thành và tận tụy hy sinh vì nước, vì dân.

Nếu Mục Tử bất kể thời gian, điều kiện vì hạnh phúc của đoàn chiên và từng con chiên, thì công chức làm việc có giờ, giải quyết nhu cầu của dân với điều kiện, vì trên hết và trước hết vẫn là quyền lợi riêng của ông; nếu Mục Tử nhân lành dễ dàng liều mạng  vì chiên, thì công chức khó để mất từ những chuyện cỏn con đến chuyện lớn kếch xù vì tương lại sự nghiệp, vì phẩm hàm, chức vị; nếu Mục Tử nhân lành một phút không muốn rời xa chiên, thì tinh thần công chức lại ước mơ được an thân, không muốn bị người khác quấy nhiễu, làm phiền; nếu Mục Tử nhân lành mất ăn mất ngủ, băn khoăn, thao thức vì chiên đau, chiên khổ, chiên bị khủng bố, săn lùng, thì công chức đi tìm thảnh thơi tinh thần, vì ngoài công việc cố định được phân bổ, ông không cần phải bận tâm bất cứ điều gì khác cho bất cứ ai; nếu Mục Tử nhân lành không bao giờ cho là đủ, chẳng khi nào nghĩ là thừa những việc ông làm cho đoàn chiên, thì công chức  để  tránh đụng chạm, và bất lợi cho mình đã luôn giữ đúng lằn ranh, giới hạn trong công việc, mà không dám quảng đại làm nhiều hơn, chịu thiệt một chút. Quả thực điểm khác biệt nền tảng và mãi mãi có giá trị ở Mục Tử nhân lành là sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Mạng sống đây là tất cả những gì mình có, mình là: từ những “cái có” ít oi, nhỏ bé nhất đến những “cái có” lớn lao, qúy giá vô lường, khôn sánh; từ những “cái là” thấy được, cảm được sẽ tan biến một ngày đến những “cái là” thiêng liêng, vô hình, bất tử, tất cả đều được sẵn sàng cho đi nhưng không vì hạnh phúc của đoàn chiên.

Đây là giá trị thánh thiêng cũng là giá trị nhân bản ở mức độ tuyệt vời cao cả của Mục Tử nhân lành. Nhưng rất tiếc, không vì giá trị khác biệt mà tinh thần khó sàng sê qua lại và không lầm lẫn, lộn chuồng khi một số mục tử chưa đủ mức độ nhân lành đã tưởng mình là công chức, và hành xử như công chức, mà không như công bộc tận tình phục vụ nhân dân. Tình trạng lầm lẫn và lộn chuồng này là nguyên nhân xa dẫn đến lối sống giáo sĩ trị, ở đó khuynh hướng thống trị như cây non gặp đất tốt đã tha hồ trổ mã quan liêu, giương oai hống hách, khinh mạn, lợi dụng đoàn chiên.

Để kết thúc, chúng ta khó có thể giả điếc làm ngơ trước cơn sốt tương quan giữa mục tử và đoàn chiên mà nguyên nhân là não trạng, lối sống, và cách hành xử “giáo sĩ trị” được hình thành và xuất phát từ chọn lựa “không dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên”, nhưng tìm cho mình một vị thế không phải hy sinh xóa mình, bỏ mình vì người khác, nhưng có thể hy sinh người khác vì mình, nhất là ở vị thế mới, con đường thăng quan tiến chức xem ra luôn rộng mở, và hanh thông, hấp dẫn, dễ dàng hơn bao giờ.

Và để ra khỏi cơn sốt khủng khiếp ấy, chúng ta chỉ còn biết cậy dựa vào Chúa và nài xin Ngài ban cho Giáo Hội nhiều giáo sĩ không màng đến chuyện thống trị, nhưng chỉ khát khao một điều: được sai đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Jorathe Nắng Tím     

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version