TMĐP- Xin Chúa ban cho Hội Thánh nhiều mục tử biết sống tình cha nhân hậu đối với đoàn chiên được trao phó, vì mục tử chỉ có thể nhân lành như lòng Chúa mong ước, khi mang lấy trái tim của người cha nhân hậu là Thiên Chúa trong đời sống cũng như khi thi hành sứ vụ.
Trong Tin Mừng Gioan (Ga 10,1-18), Đức Giêsu đã vẽ lên chân dung vị Mục Tử nhân lành, mà nét độc đáo “nhân lành” đã làm cho vị mục tử ấy không tàn nhẫn như quân trộm cướp đội lốt mục tử để “giết hại và phá hủy” (Ga 10,10); không ích kỷ, gian tham, lợi dụng như mục tử chăn thuê không thiết gì đến chiên, khi bầy sói dữ đến, “vố lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10, 12) nhưng “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào dào” (Ga 10, 10. 11).
Hy sinh mạng sống mình cho ai là chọn lựa vô cùng cam go đòi một tình yêu vô cùng lớn, vô cùng cao cả như Đức Giêsu đã khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Nhưng tình yêu nào là tình yêu đủ lớn, đủ mạnh, đủ cao cả để có thể hy sinh mạng sống mình, nếu không phải là tình mẹ, tình cha, tình vợ chồng là những tình tự thân đã gắn bó, thiết thân hơn các tình khác ?
Vì thế, mục tử được sai đến chăn dắt đoàn chiên sẽ khó có thể hy sinh mạng sống mình vì chiên; khó có mặt và ở lại với chiên để bảo vệ, chia sẻ khó khăn với chiên khi bầy sói dữ huy động toàn bộ lực lượng ập đến bao vây, tấn công, nếu mục tử không mang trái tim người cha, tình thương của mẹ, tình nghĩa phu phụ như Đức Giêsu yêu Hội Thánh (x.Ep 5,22-27), bởi rất khó có tình yêu sẵn sàng và liều lĩnh hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu bằng những tình này.
Thực vậy, vì mục tử là người được được chọn và sai đến chăn dắt đoàn chiên, nên mục tử sẽ rất dễ biến thành công chức, cán bộ, chuyên viên, quan tỉnh, quan huyện, người chăn thuê, kể cả quân trộm cướp, nếu chỉ dừng lại ở vị thế “người được chọn và sai đến”, vì bất cứ cơ cấu, chế độ nào cũng đều có người chon, kẻ được chọn, người sai đi và kẻ được sai đi để làm chạy guồng máy quản trị, và mẫu số chung ở tất cả những con người này, đó là dù ở vai trò, trách nhiệm nào cũng đều có một tình yêu rất giới hạn, nên sẽ không ai hy sinh cho ai đến độ hiến dâng mạng sống mình.
Đây là sự khác biệt rất quan trọng giữa cán bộ, chuyên viên, quan chức và mục tử, vì người sai đi không là quan chức cao cấp sai thuộc cấp đến một nhiệm sở cho một nhiệm vụ, nhưng là người cha Thiên Chúa sai Con Một của mình đến với đoàn chiên (x. Ga 3,16-17), và “hiến dâng mạng sống làm gía cứu chuộc” (Mt 20,28) để “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Chính vì thế, không chỉ Thiên Chúa là người sai đi có trái tim người cha, mà mục tử, người được Thiên Chúa sai đi cũng phải mang quả tim hiền phụ, bởi sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của mục tử như lòng Chúa mong ước, tức mục tử nhân lành, hoàn toàn không đặt trên nền tảng “tiểu sử chói lói, đáng kính, công trạng lẫy lừng, thế lực, ảnh hưởng bao trùm” của người ấy, nhưng hệ tại ở trái tim mang tình yêu cao cả của người cha nhân hậu như Thiên Chúa.
Đó cũng là lý do khi chọn Phêrô làm mục tử chăn dắt đoàn chiên của mình, Đức Giêsu đã không hỏi Phêrô chuyện gì khác ngoài tình yêu ông dành cho Ngài, và nhờ yêu Ngài tha thiết, yêu “hơn những người khác” (x. Ga 21,15.16.17), Ngài biết ông sẽ yêu được đoàn chiên bằng tình yêu cao cả là “hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Như thế, để là mục tử đích thực nhân lành, đích thực yêu thương khi sống chết cho đoàn chiên, người được chọn để chăn dắt đoàn chiên của Đức Giêsu được Ngài mời gọi trở nên người cha nhân hậu của đoàn chiên, vì chỉ là mục tử mà không là cha, người chăn chiên sẽ dễ tưởng mình là người làm công nên sẽ chỉ bỏ công sức theo đồng lương xứng hợp; hoặc chỉ làm vừa đủ mà không nghĩ đến hy sinh trong sứ vụ.
Trong Tin Mừng Luca (Lc 15, 11-32), cũng chính Đức Giêsu đã vẽ lên dung mạo người cha nhân hậu, như đã mô tả chi tiết vị mục tử nhân lành trong Tin Mừng Gioan (x. Ga 10,1-18).
Không như nhiều người cha thế gian khác dễ nổi nóng, độc đoán, độc tài với con, người cha nhân hậu của Đức Giêsu hiền lành, chịu đựng, và tôn trọng con như khi người con thứ bất ngờ nói với ông: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Ông đã lắng nghe đề nghị của cậu và đã chia gia tài cho hai con. “Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa” (Lc 15,12.13).
Người cha nhân hậu của Đức Giêsu khác nhiều người cha thế gian khi kiên nhẫn đợi chờ con trở về và tình phụ tử trong tim ông không giảm bớt, cạn kiệt vì bất cứ lý do nào. Bằng chứng là sau tháng ngày “sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15,13), lại không may “xảy ra trong vùng ấy một nạn đói kinh khủng”. Người con thứ ấy “bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo..” (Lc 15,14-15). Nhưng không vì thế mà đời sống được cải thiện, trái lại, tình cảnh ngày càng thê thảm hơn khiến anh hồi tâm quyết định trở về nhà, ở đó người cha vẫn một lòng yêu thương, vui mừng đón tiếp anh và hết mực cưng chiều như “chưa từng có cuộc chia ly, chia của”, vì tình cha nhân hậu chỉ nhận ra một điều duy nhất quan trọng , đó là “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24) giữa muôn ngàn thiếu sót, sai trái, lỗi lầm, tội lụy không cần nhắc tới, kể lại của cậu.
Đặc biệt, người cha nhân hậu mà Đức Giêsu mô tả còn là người cha rất chiều con. Ông chiều con “phát sợ” khi chia gia tài quá dễ dàng, mà không khuyến cáo, răn đe, ra điều kiện này nọ, hay làm áp lực trên hai con; chiều con “thấy ớn” khi không một lời trách móc, một thái độ bực bội, khó chịu, ngay cả một hình phạt nhỏ tượng trưng cũng không có đối với người con thứ hoang đàng.
Cũng vì chiều con, mà ông phải nén lòng nhịn cậu con cả, khi anh ta “nổi giận và không chịu vào nhà” vì ganh tỵ với em, khi gia nhân kể cho anh: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ” (Lc 15, 27).
Không những “nén lòng nhịn” trước những lời nồng nặc tỵ nạnh, kể công của người con cả: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, thế mà chưa bao giờ cha con lấy một con dê con để con ăn mừng với bạn bè”, mà còn phải “cầm lòng nhịn” những xúc phạm nặng nề đến cha và em khi cậu xách mé nói: “Còn thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15, 29.30). Đó là chưa kể vì con, ông còn phải chịu nhiều điều tiếng, thị phi của thiên hạ. Họ chê cười và đánh gía ông là người cha nhu nhược, yếu đuối, bất lực trước con cái.
Thật khó có thể hiểu được tình cha mà Thiên Chúa muốn người mục tử chăn dắt đoàn chiên của Ngài phải có, vì mấy ai có thể yêu thương cao cả, yêu thương kiên trì, yêu thương chịu đựng, yêu thương nhịn nhục, kể cả yêu thương “năn nỉ” như người cha nhân hậu trong Tin Mừng khi người anh cả nổi giận không chịu vào nhà, và cha cậu đã “ra năn nỉ” (x. Lc 15,28).
Quả không còn tình nào sâu hơn tình của người cha nhân hậu mà Đức Giêsu đã mô tả. Tình ấy bao la qúa, nên tất cả những đáng trách, đáng nguyền rủa, đáng lên án, đáng chịu trừng phạt ở con cái đều không thể tồn tại trong đại dương lòng thương xót của tình cha; tình ấy vĩ đại qúa, đến nỗi tất cả tội lỗi của con đều mất hết tính trầm trọng, nghiêm trọng, gia trọng dưới bầu trời của tình cha thương xót; tình ấy kiên định, bền vững qúa đến độ không thế lực của cơ chế, không uy quyền của chế độ, hay sức ép của nhân vật nào dù to lớn, bao trùm đến đâu có thể làm lung lay, sụp đổ, bởi lúc nào, ở đâu và trong mọi hoàn cảnh, người cha nhân hậu luôn sẵn sàng lấy chính mạng sống mình đánh đổi tình yêu vĩnh cửu, đời đời dành cho con.
Xin Chúa ban cho Hội Thánh nhiều mục tử biết sống tình cha nhân hậu đối với đoàn chiên được trao phó, vì mục tử chỉ có thể nhân lành như lòng Chúa mong ước, khi mang lấy trái tim của người cha nhân hậu là Thiên Chúa trong đời sống cũng như khi thi hành sứ vụ.
Jorathe Nắng Tím