TMĐP- Để được sống đời sống mới trong Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh Phaolô nhấn mạnh năm điều người Kitô hữu chúng ta phải thực hiện…
Đã là mầu nhiệm thì chỉ có thể nhìn thấy bằng con mắt đức tin và chỉ có thể đón nhận với trái tim tin yêu, tín thác vào Đấng mình yêu mến, tôn thờ, nên phân tích, lý giải mầu nhiệm như mổ xẻ một vấn đề xã hội, một sự kiện của đời thường, thì quả là việc bất khả thi.
Một trong những mầu nhiệm khó trình bày nhất, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Khó vì vượt xa mọi khái niệm triết học hay quy tắc toán học, nhưng không vì thế mà trở thành một ý niệm trừu tượng, không thực, hay một thực tại mơ hồ, viển vông.
Thánh Phaolô trong lời cầu chúc gửi giáo đoàn Côrinthô đã lột tả một cách vắn tắt, gần gũi và sống động mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi ngài viết: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13,13).
Qua lời cầu chúc tràn đầy tình yêu và ân sủng của “Thiên Chúa Ba Ngôi”, thánh nhân muốn nói với chúng ta: Ba Ngôi Thiên Chúa là một gia đình yêu thương đã làm tràn xuống nhân loại tình yêu của Ngài.
Trong gia đình Thiên Chúa, Chúa Cha là Tình Thương, là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6) như Thiên Chúa đã tự mặc khải trong Cựu Ước, và được chính Đức Giêsu khẳng định, khi Ngài nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Trong gia đình Thiên Chúa, Đức Giêsu, Con Một của Chúa Cha, là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Chúa Cha và loài người. Như Chúa Cha, Ngài là Đấng giàu lòng thương xót đến độ “Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3). Ngài được Chúa Cha sai đến thế gian như “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29), bởi sứ vụ của Ngài đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà đươc cứu độ” (Ga 3,17), và để thực hiện sứ vụ được Chúa Cha trao phó, Đức Giêsu đã đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Cũng trong gia đình Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Vì là sự hiệp nhất của tình yêu trong gia đình Thiên Chúa, Ngài luôn có mặt trong công trình tạo dựng của Chúa Cha, như “lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2); cũng như liên lỷ hoạt động trong công trình cứu chuộc loài người của Chúa Con. Chính Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ được Chúa Cha trao phó trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. Lc 4,1-2.14); đồng thời Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu trong tình yêu, sự thật (x. Ga 14,26 ; 16,13), và là ơn hiệp thông giữa mọi thành viên trong Giáo Hội của Đức Giêsu.
Tắt một lời, Thiên Chúa Ba Ngôi là tổ ấm Tình Yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Tổ ấm Tình Yêu ấy không ngừng ban cho nhân loại sự sống đời đời. Sự sống đời đời là đời sống mới, một đời sống từ nay được tháp nhập vào đòi sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, trong Chúa Ba Ngôi, mỗi người được trở nên con cái trong gia đình Thiên Chúa, được sống sự sống của chính Thiên Chúa.
Và để được sống đời sống mới trong Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh Phaolô nhấn mạnh năm điều người Kitô hữu chúng ta phải thực hiện (x. 2 Cr 13,11), đó là:
- “Hãy vui mừng”, vì Ba Ngôi Thiên Chúa là Nguồn Vui (x. Tv 42,4) , và chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ.
- “Hãy gắng nên hoàn thiện”, vì Thiên Chúa muốn chúng ta nên giống Ngài là Đấng hoàn thiện, do vị thế con cái của Thiên Chúa Cha (x. Mt 5,48).
- “Hãy khuyến khích nhau”, vì chúng ta là anh em có cùng một Cha trên trời. Vả lại, không ai lên Thiên Đàng một mình, cũng như không ai một mình đơn độc cầu nguyện, nhưng luôn cùng nhau cầu xin : “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (x. Mt 6,9).
- “Hãy đồng tâm nhất trí”, vì Giáo Hội là cộng đoàn hiệp thông, hiệp nhất những người đi theo Đức Giêsu.
- “Hãy ăn ở thuận hoà”, vì giới luật duy nhất người môn đệ Đức Giêsu phải sống là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Chỉ như thế, nghĩa là đáp ứng năm điều kiện trên, chúng ta mới thưc sự “hiểu” mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; mới hiệp nhất nên một trong Thiên Chúa Ba Ngôi, khi sống sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi; mới nếm được sự dịu ngọt vô cùng của hạnh phúc làm con Thiên Chúa, mà các thánh đã cảm nghiệm khi được “biết” Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong trái tim vô cùng yêu thương của Ngài, để cũng như các thánh, chúng ta được Thiên Chúa, Đấng “là nguồn yêu thương và bình an ở cùng” ( x. 2 Cr 13,11).
Jorathe Nắng Tím