TMĐP- Như anh mù ở Giêrikhô diễm phúc ấy, con được nhìn thấy Chúa là Đấng Cứu Độ toàn năng khi cho con ra khỏi bóng tối của tội lỗi và hình phạt, để con “đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52).
Thời còn trẻ, vì biết đường đời còn dài, quỹ sống còn đầy ắp, nên không mấy khi nghĩ đến những ngày cuối đời, nghĩ về sự chết, mà chết là lúc mỗi người phải tính sổ công tội với Chúa. Nay cái già sồng sộc tới, và những bước vội vã của tuổi già đã làm choáng váng, hốt hoảng!
Già rồi, con mới thấy ngày ra đi không xa, và chuyện tính sổ với Chúa là chuyện lớn, không thể làm ngơ, bỏ đó, vì không phải chuyện nhỏ, chuyện đùa.
Nhưng Chúa ơi, già rồi thì còn làm gì được, già rồi sức đâu để đảo ngược thế cờ, thời gian đâu để thay đổi tình thế, vì xem ra tất cả đã quá muộn?
Tất cả xem ra đã quá muộn khi quá khứ chằng chịt những liên đới bất chính, đen kịt những việc làm bất công; xem ra đã quá muộn khi công nhẹ tênh, mà tội thì nặng chình chịch; xem ra đã quá muộn khi nợ đời ngất cao, nợ người chồng chất; xem ra đã quá muộn khi phúc đức chưa nảy mầm mà sai phạm, tội lụy thì rậm rạp, ngập tràn; xem ra đã quá muộn, khi không thấy cỏn con xứng đáng, mà chỉ thấy bất xứng, và đáng chịu hình phạt; xem ra đã qúa muộn, vì Đấng phải yêu mến, phụng sự thì suốt đường dài cuộc đời vẫn lạnh lùng, hờ hững, Đấng từng giây phút hằng che chở, chăm sóc, giữ gìn để được tồn tại đến hôm nay lại bị coi là người xa lạ, như Tin Mừng Gioan đã khẳng định: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11).
Nhưng dù muốn dù không, ngày tính sổ sẽ đến, khi sự chết thình lình kết thúc tuổi già, và ý nghĩ này ám ảnh tâm can con.
Tránh sao khỏi nỗi ám ảnh ngày con ra trước Tôn Nhan Chúa với bàn tay trắng “không công phúc”, dù một nhúm nhỏ? Chạy đâu thoát ý nghĩ đi về cõi đời đời mà hành trang không một túi nhỏ “công trạng”?
Vì thế con sợ: sợ chết, sợ bị phạt, càng sợ bị phạt, con càng sợ chết. Và năm tháng tuổi già của con bị cầy xới, bào mòn bởi nỗi sợ hình phạt đời đời rất kinh khủng.
Trong khủng hoảng về một ngày vĩnh viễn ra đi và phải đứng trước Tôn Nhan để chịu phán xét, con chợt thấy mình như người mù từ lúc mới sinh: con giống anh đã chẳng bao giờ được thấy ánh sáng, nhưng khác anh, vì con không đón nhận ánh sáng, trong khi anh chịu mù loà không phải do anh ta, “cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3).
Thật khác với con, khi con mù lòa vì tự ý mù lòa và phá hoại, cản trở công trình của Thiên Chúa nơi con, trong khi anh mù bẩm sinh trong Tin Mừng đã không nhìn thấy, để mọi người được nhìn thấy công trình Thiên Chúa nơi anh.
Tuy thế, con vẫn muốn bắt chước anh mù của Tin Mừng, khi nghe “người ta gọi anh và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy. Người gọi anh đấy! Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10,49-51).
Con muốn vất tấm áo choàng tội lỗi luôn ám ảnh làm con sợ hãi và thất vọng; con muốn đứng phắt dậy ra khỏi vùng tối tội xưa đang đè nặng; con muốn lại gần Chúa và được Chúa mở lời thương xót: “Con muốn Cha làm gì cho con?”, và chắc chắn con quỳ mọp dưới chân Chúa, dù hai đầu gối tuổi già của con đã thoái hóa, cứng đơ để nài xin Chúa: “Xin cho con được nhìn thấy Lòng Thương Xót của Chúa, được thấy Chúa là người Cha vô cùng từ bi, nhân hậu”, và như anh mù ở Giêrikhô diễm phúc ấy, con được nhìn thấy Chúa là Đấng Cứu Độ toàn năng khi cho con ra khỏi bóng tối của tội lỗi và hình phạt, để con “đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52).
Jorathe Nắng Tím