TMĐP- Thánh Giá là dấu chỉ, huy hiệu của những người đi theo Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu.
Các bài đọc phụng vụ của thứ sáu tuần thánh đưa chúng ta, là những Người Lữ Hành của Hy Vọng đi vào mầu nhiệm của đau khổ, khi mời gọi mỗi người “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và đi theo Đức Giêsu” (x. Mt 16,24).
Tin Mừng Gioan kể lại cuộc thương khó của Đức Giêsu được khởi đầu bằng việc Ngài bị đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu bắt giữ “trong thửa vườn ở bên kia suối Kítrôn” do môn đệ Giuđa phản bội đã chỉ điểm chỗ ẩn mình cầu nguyện của Thầy mình (x. Ga 18,1- 11), và kết thúc cũng “ở một thửa vườn, không xa nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh. Trong thửa vườn có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi một lại gần bên, nên các ông Giuse làng Arimathia và ông Nicôđêmô đã mai táng Đức Giêsu ở đó” (Ga 19,41-42).
Dọc suốt con đường Thương Khó, Đức Giêsu cho chúng ta trải nghiệm với Ngài những khủng khiếp của lòng người phản trắc, vô ơn, những đắng đót của tình đời đen bạc, giả dối, những tráo trở, lật lọng làm hoảng hốt, rụng rời, và theo sát bên mình suốt đường Thánh Giá là nỗi cô đơn cầy xới tim gan.
Theo Đức Giêsu trên đường Thương Khó, người môn đệ được chia sẻ với Thầy nỗi buồn “đổ mồ hôi máu” ở vườn Ghétsêmani, cơn đau trên thân xác vì roi đòn tàn nhẫn và tinh thần hoảng loạn vì bị khinh miệt, xỉ vả, phủ nhận bởi những người mình yêu thương, thi ân, cứu giúp, chữa lành. Nhưng kinh hoàng và đáng sợ hơn cả chính là tình cảnh dường như hoàn toàn bị quên lãng, bỏ rơi bởi Đấng đã sai mình đến thực hiện Thánh Ý của Ngài.

Screenshot
Quả thực, đau khổ bị Thiên Chúa ruồng rẫy rất đáng sợ, đáng sợ hơn cả phải uống chén đắng, bởi uống chén đắng nhưng có Cha cảm thông, an ủi, lắng nghe vẫn không sợ bằng Chúa Cha hoàn toàn im hơi lặng tiếng, vắng mặt, làm ngơ trước tim con nức nở: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46), và lạnh lùng để con cô đơn, tức tưởi chết trên Thánh Giá
Là người môn đệ được kêu gọi “bỏ mình, vác thập giá mình và đi theo Đức Giêsu”, chúng ta không quên mình là những Người Lữ Hành của Hy Vọng giữa mọi người, trong thế giới hôm nay. Chính Niềm Hy Vọng nâng đỡ chúng ta; chính trong Hy Vọng và dưới ánh sáng Hy Vọng, chúng ta được Thiên Chúa cho nhận ra: Thánh Giá là con đường cứu độ, “vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ”; Thánh Giá là đường dẫn đến Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã chọn cho Con Một của Ngài Thánh Giá là điểm giao hoà giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi, giữa đất với Trời, giữa vinh quang của Thiên Chúa và phận người đáng thương vì yếu đuối, mong manh, bởi chỉ khi “hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, Đức Giêsu mới được Thiên Chúa Cha suy tôn và “tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,8-9) để “nhờ Người, với Người và trong Người”, Thiên Chúa được vinh danh và loài người được cứu độ.
Cũng trong niềm Hy Vọng đặt nơi Chúa của người Lữ Hành, người môn đệ xác tín: tuy đau khổ phần lớn do lòng ganh ghét, hận thù, gian tham, bạo lực của con người gây ra cho nhau, cũng như đau khổ thường phát sinh từ sự dữ được kín đáo cưu mang, nuôi lớn trong trái tim con người, nhưng không vì thế đau khổ mất đi giá trị thanh luyện và đền tội, cũng như khả năng chỉnh sửa, hoàn thiện bản thân, điều mà thánh Phaolô đã khẳng định trong thư Do Thái khi nói về Đức Giêsu, vị Thượng Tế biết cảm thương: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai phục tùng Người ..” (Dt 5,8-9).
Thánh Giá còn là bằng chứng hùng hồn và sống động của một tình yêu cao cả là chết cho người mình yêu, bởi tình yêu có hy sinh cho hạnh phúc của người mình yêu dù phải hiến thân thí mạng; tình yêu có chấp nhận quên mình, bỏ mình, chịu thiệt thòi vì sự sống của người mình yêu; tình yêu có chịu đau, chịu khổ, chịu nhục cho người yêu được vui sống, thì tình yêu mới đích thực, tinh ròng, trường tồn vĩnh cửu, bất tử, bất diệt và sinh nhiều hoa thơm trái ngọt hạnh phúc. Và đó là lý do Thiên Chúa là Tình Yêu đã chọn Thánh Giá để làm chứng Ngài yêu con người vô cùng và đến cùng, yêu tuyệt đối,vô điều kiện, yêu không phân biệt, kỳ thị, vì bản tính của Ngài chính là Tình Yêu.
Sau cùng Thánh Giá là dấu chỉ, huy hiệu của những người đi theo Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu, khi tuân giữ Giới Luật mới của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Và nếu tình yêu chỉ trở nên cao cả khi hy sinh mạng sống vì người mình yêu, thì Thánh Giá chính là Tình Yêu cao cả, mà người Lữ Hành của Hy Vọng không thể bỏ qua, từ chối bao lâu còn dong duổi với Đức Giêsu giữa anh em mình.
Jorathe Nắng Tím
