TMĐP- Người môn đệ đích thực của Đức Giêsu chính là người Samai tốt lành.
Nếu ngày xưa thầy thông luật Môsê đã hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”, và Đức Giêsu đã trả lời khi đưa ra chân dung người Samari tốt lành như gương mẫu tuyệt vời, thì hôm nay, ở thời đại văn minh vượt bậc này, Đức Giêsu cũng không nói gì khác, hay đề nghị một gương mẫu khác, nếu chúng ta hỏi Ngài: “Con phải làm gì để được phần thưởng Thiên Đàng?”
Sở dĩ người Samari tử tế, nhân hậu sẽ mãi là gương mẫu của người môn đệ Đức Giêsu, vì người ấy chính là Đức Giêsu, khi ông chạnh lòng thương nạn nhân trên đường bị cướp trấn lột, rồi bị đánh nhừ tử, nửa sống nửa chết bên vệ đường, mặc dù ông không quen biết, cũng chẳng ân nghĩa gì với người xấu số, thiếu may mắn này (x; Lc 10, 29-33). Giống Đức Giêsu với trái tim nhạy bén trước nhu cầu và bất hạnh của người khác, nhất là những thân phận bị coi thường, loại bỏ vì nghèo khổ, dốt nát, tội lỗi, như Đức Giêsu đã chạnh lòng trước đám tang con trai duy nhất của bà goá thành Naim (Lc 7,11-17), hay như người cha nhân lành đã chạnh lòng thương nhớ đứa con trai hoang đàng(x. Lc 15, 11-32).
Người Samari giàu lòng thương xót sẽ là gương mẫu của người Kitô hữu mọi nơi, mọi thời, vì giống Đức Giêsu khi không nói về lòng thương xót, nhưng đã sống lòng thương xót trong mọi hoàn cảnh, tình huống, cơ hội; không ngồi tòa dạy dỗ “xuông” cho thiên hạ bài học thương xót mơ hồ, lý thuyết, nhưng rời tòa, ra khỏi tháp ngà, xuống thật sâu, thật thấp để bế nạn nhân bị đánh trọng thương, máu me khắp mình mẩy lên lưng lừa và đem đi cấp cứu (x. Lc 10, 34).
Người Samari quảng đại ấy giống Đức Giêsu khi chu đáo lo liệu tiền thuốc men, tiền chăm sóc nạn nhân cho chủ quán trọ bằng tiền túi của mình, số tiền đã được dự trù chi trả cho công việc. Ông biết giúp đỡ nạn nhân, ông sẽ không chỉ mất thời giờ, lỡ việc, lại còn tốn kém không ít tiền bạc. Và ai nấy đều hiểu rằng “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nên dễ đau ruột, đứt ruột khi phải tốn tiền vì người khác, nhất là người khác ấy chẳng hề quen biết hay ân sâu nghĩa nặng.
Quả thực, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh người Samari tốt lành để mặc khải chính mình là Thiên Chúa nhân hậu, tốt lành, thương xót, rất hay chạnh lòng trước đau khổ, bế tắc của con người, và làm tất cả những gì lòng thương xót đòi hỏi cho hạnh phúc của tha nhân.
Trả lời thầy thông luật, cũng như chúng ta về điều kiện để được Nước Trời làm gia nghiệp, Đức Giêsu mời gọi mỗi người hãy noi gương tận tâm, tận tuỵ của người Samari: tận tâm yêu thương, và tận tuỵ thực hiện bác ái.
Tóm lại, Đức Giêsu đã đưa ra gương mẫu sống động của người môn đệ Ngài. Người môn đệ ấy phải có trái tim biết cảm thương, có tấm lòng biết rung động, có đôi chân “không tránh qua bên kia mà đi” khi thấy người cơ nhỡ, bị nạn như những con người vô cảm, vô tâm bị Ngài gọi tên, nhưng tiến đến, lại gần băng bó vết thương, chữa lành, an ủi. Người môn đệ phải có đôi tay không khép kín, nắm chặt, nhưng rộng mở để quảng đại trao ban, dâng tặng: trao ban tình người, dâng tặng chính bản thân như chính Đức Giêsu đã hiến mình vì yêu thương, cứu chuộc nhân loại
Vâng, người môn đệ đích thực của Đức Giêsu chính là người Samai tốt lành, “kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10, 37), tức người đi đường bị đánh nhừ tử, nửa sống nửa chết. Là môn đệ của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta cũng không thể làm khác hơn, vì chính Đức Giêsu đang nói với chúng ta như đã nói với thầy thông luật trong Tin Mừng: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37) “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”( Lc 10,25) vì một sự thật sẽ làm chúng ta phải ngỡ ngàng, đó là Đức Giêsu không chỉ là người Samari tốt lành, mà còn là người đi đường không may bị cướp trấn lột, bị đánh nhừ tử, để mặc nửa sống nửa chết bên đường.
Jorathe Nắng Tím