Người viết xin được tóm lại những điểm then chốt mà người công giáo chúng ta phải ghi tâm khắc dạ, vì vô cùng quan trọng, nếu muốn niềm tin vào Đức Giêsu không bị ma qủy đốn hạ, và tình yêu chúng ta dành cho Giáo Hội của Ngài không bị thế gian làm tàn phai, vơi cạn.
a. Giáo Hội là Giáo Hội của Đức Giêsu, mà không phải của con người:
Mặc dù được Ngài xây trên tảng đá “người tông đồ” có tên Phêrô, nhưng Giáo Hội thuộc về Đức Giêsu, luôn luôn và mãi mãi là Giáo Hội của Đức Giêsu như chính Ngài đã công bố: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy “ (Mt 16,18). Hội Thánh của Thầy, chứ không phải Hội Thánh của anh, hoặc của “anh và Thầy”.
Cũng vậy, đoàn chiên là đoàn chiên của Đức Giêsu, thuộc về Đức Giêsu, chứ không là đoàn chiên của con người nào, vì con người chỉ được Ngài tuyển chọn và trao phó coi sóc đoàn chiên của Ngài, mà không có quyền “sở hữu hóa“ đoàn chiên ấy như tài sản, quân quốc, lính lác của riêng mình để phục vụ nhu cầu, cũng như tham vọng thống trị của bản thân, như Ngài đã ba lần liên tiếp nói với Phêrô khi trao cho ông sứ vụ chăn dắt đoàn chiên sau khi sống lại: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15.16.17).
Và rõ ràng, chính xác hơn nữa, khi Ngài khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14) như một xác nhận không thể suy diễn, lý giải bất cứ cách nào khác, vì hiển nhiên đây là đoàn chiên của tôi, vì “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử “(Ga 10,16), nên những chiên thuộc ràn này là chiên của tôi, mà không là chiên của ai khác, vì tôi biết chiên của tôi và chúng biết tôi.”Tôi còn những chiên khác chưa thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi” (Ga 10,16).
b. Quyền lực tử thần không bao giờ buông tha Giáo Hội:
Vì Mục Tử nhân lành “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10.10.11), nên quyền lực tử thần phải tìm mọi cách lấy đi sự sống của đoàn chiên, vì bản chất của chúng là Hủy Diệt. Vì thế, mầu nhiệm sự dữ luôn có mặt bên cạnh mầu nhiệm Giáo Hội, và sự dữ mãi tồn tại cho đến tận thế, cũng như quyền lực Hoả Ngục ngày đêm lồng lộn chống phá với hy vọng làm sụp đổ Giáo Hội của Đức Giêsu, để toàn thể nhân loại phải chết.
Chính vì thế, ngay khi lập Giáo Hội, Đức Giêsu đã không giấu diếm các Tông Đồ tình trạng chiến tranh liên lỷ và khốc liệt giữa Giáo Hội và Xatan cùng bè lũ , nên trấn an bằng bảo đảm với các ông: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18), vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Đó là lý do không lúc nào Giáo Hội được yên, vì không lúc nào quyền lực tử thần chịu buông tha Giáo Hội.
c. Căn tính, sức sống, sức mạnh và chià khóa tháo mở mọi nhiêu khê, khó khăn trong Giáo Hội là Tình Yêu Thương Xót:
Khi được nhận vào Giáo Hội, chúng ta đi qua Cửa là Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót; khi được gia nhập đoàn chiên của Đức Giêsu, chúng ta có Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu từ bi nhân hậu, hay chạnh lòng thương xót; khi trở thành Kitô hữu, chúng ta được mang Đức Giêsu là Thiên Chúa tình yêu trong đời và được mời gọi sống giới luật Yêu Thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34); khi trở thành chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Hội Thánh chúng ta được đeo trên ngực huy hiệu “Yêu Thương Nhau” chỉ dành cho người môn đệ Đức Giêsu, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35) ; và tất cả chúng ta sẽ được cứu sống, “được sống và sống dồi dào” khi “qua Cửa Đức Giêsu mà vào” đoàn chiên (x. Ga 10,9.10) nhờ tình yêu đến cùng và cao cả của một Thiên Chúa “đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Như thế, phủ nhận Tình Yêu, chúng ta sẽ mất hẳn căn tính của người có đạo, vì đạo chúng ta theo là đạo Yêu Thương ; từ chối lòng Thương Xót, chúng ta sẽ không có sự sống, vì sự sống đến từ Thánh Giá lòng thương xót; xóa bỏ “Giới Luật mới”, chúng ta sẽ không thể chiến đấu chống lại ác thần, vì khí giới Đức Giêsu đặt vào tay chúng ta chính là Tình Yêu Thương Xót, mà không là bất cứ vũ khí nào được thế gian, ma quỷ đề nghị; sau cùng coi thường chià khóa Lòng Thương Xót, chúng ta sẽ giải quyết mọi vấn đề, cũng như mọi khó khăn, khúc mắc, căng thẳng giữa các tương quan trong Giáo Hội cũng như ở ngoài Giáo Hội theo đường lối, kế sách của con người mà không phải của Thiên Chúa; bằng cách thức, phương tiện của thế gian mà không phải của Tin Mừng; theo tinh thần, và nhắm mục tiêu thế tục mà không là tinh thần và mục tiêu của người môn đệ Đức Giêsu. Nói cách khác, từ chối Lòng Thương xót như chìa khóa để tháo mở những vấn đề của Giáo Hội là chối bỏ nghe theo Thần Khí Thiên Chúa nhưng đi tìm phương án giải quyết của tà khí, mà hướng đi của tà khí là sự chết, “còn hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6); hậu qủa của tà khí là “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén.. “, còn “hoa qủa của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,19-21. 22-23), và người có Thần Khí và được Thần Khí chi phối thì thuộc về Đức Kitô (x. Rm 8,9).
Vì thế, nếu nắm chắc ba cột mốc quan trọng trên, chúng ta sẽ không nao núng, xao xuyến, hoang mang, thất vọng, rồi bất mãn phá bĩnh, quay xe bỏ Giáo Hội và quay đầu lên án, đấu tố, triệt hạ anh em mình, khi phải đối mặt với những khủng hoảng, cũng như gương mù gương xấu, kể cả tội ác tầy đình trong Giáo Hội trên hành trình cùng Giáo Hội về Nước Thiên Chúa; trái lại, chúng ta tin tưởng, phó thác, cầu nguyện và bắt đầu từ chính mình bước chân thứ nhất dưới ánh sáng của Thần Khí Tình Yêu. Bước chân thứ nhất ấy lúc nào cũng bé nhỏ, kín đáo, nhẹ nhàng, nhưng là bước chân không thể thiếu ở người môn đệ Đức Giêsu để lên đường với Giáo Hội lữ hành, bước chân mà Đức Giêsu đã dậy các Tông Đồ như bài học khai tâm, căn bản: “Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng“, bởi hiền lành và khiêm nhường chính là điều kiện của Lòng Thương Xót, cũng là hạt giống cho mùa màng Giáo Hội được bội thu.
Quả thực, nếu tất cả mọi người trong Giáo Hội, bất kể phẩm trật, thành phần đều cùng làm bước chân thứ nhất “hiền lành và khiêm nhường” để đến với nhau, lắng nghe nhau, cảm thông và tìm cho nhau con đường “sống và sống dồi dào”, như Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, thì chắc chắn phía trước sẽ mở ra cho tất cả con đường hạnh phúc đích thực, sẽ dẫn đến cùng đích đời đời, và gia nghiệp không bao giờ hư nát, sẽ đem lại cho từng chiên con – chiên mẹ, chiên lớn – chiên nhỏ phần thưởng lớn lao là được ở trong trái tim Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bởi tất cả đều cần đến lòng Chúa xót thương.
Vâng, chúng ta tin: sau đường dài vất vả, “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt” (Kh 7,17) đoàn chiên của Ngài là “những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,14-17).
Quả thực, một trong những cơn thử thách lớn lao mà cả chủ chăn lẫn đoàn chiên trên đường về Đất Hứa thường xuyên phải gánh chịu, đó là tương quan đối kháng căng thẳng phần lớn phát sinh từ tình trạng thiếu vắng cảm thông do kiêu căng từ chối lắng nghe và nói với nhau một cách lương thiện, chân thành; đồng thời do trái tim cạn kiệt lòng thương xót vì khép kín trong pháo đài Cái Tôi quyền bính, ích kỷ mà một khi đã chiếm đóng thì bằng mọi giá, mọi cách phải giữ cho kỳ được, trong khi Giáo Hội là dân Chúa trên đường lữ hành, là đoàn chiên không ngừng rong ruổi đó đây tìm đến đồng cỏ xanh, dòng suối mát, và trên đường dài nhiều nguy hiểm vì phải đi vào giữa bầy sói dữ, đoàn chiên ấy chỉ còn lại lòng thương xót Chúa như sức mạnh chở che, như khiên thuẫn bênh đỡ, và tình huynh đệ tương thân tương ái như hành trang không thể thiếu của mọi người thuộc Dân Thiên Chúa.
Ước gì, mầu nhiệm Giáo Hội luôn được chúng ta đặt trong mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Giêsu, và mầu nhiệm Thánh Giá chính là mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để ở bất cứ hoàn cảnh hay giữa bất cứ khủng hoảng nào, chúng ta đều cùng nhau “bước vào và bước ra”, “bắt đầu và kết thúc” với lòng thương xót nhau, như chúng ta được Chúa thương xót, vì chỉ với trái tim thương xót hay chanh lòng thương cảm, Bề Trên mới biết và dám cúi xuống xót xa cơn đau trên thân xác và nỗi đau trong tâm hồn của Bề Dưới; Bề Dưới mới mạnh dạn tin tưởng và qủang đại thương mến, chia sẻ, cộng tác với Bề Trên, bởi Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban hiệp nhất, công chính, bình an, và hoan lạc (x. Rm 14,17) cho hết thảy những ai có lòng thương xót từ trong tư tưởng, tâm tình, lời nói, đến kế họach, đường lối, quyết định, việc làm, bởi một khi lòng thương xót ăn rễ sâu trong cuộc sống, thấm nhập toàn thể sinh hoạt đời sống, chúng ta sẽ vượt qua những thách đố cam go vượt sức người có hạn, vì dựa vào sức mạnh của lòng thương xót Chúa; chúng ta sẽ được trở nên qủa cảm trong “hiền lành và khiêm nhường” để bỏ qua, xí xóa cho nhau, mà không nuôi hận thù, và chờ ngày quật khởi báo óan, đòi nợ máu, để mọi người trong Giáo Hội, từ các Đấng Bậc uy nghi, đáng kính đến những chiên con yếu đuối, hậu đậu, tất cả đều một lòng sống đời nhân chứng bằng giúp nhau tuân giữ điều răn mới của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, để “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13,34.35).
Với tình yêu đến cùng và cao cả là “chết cho bạn hữu của mình” (Ga 15,13), như hằng ngày hằng giờ chúng ta chết cho nhau trong Giáo Hội, không phải chết trên thân xác, mà chết trong đáy sâu tâm hồn vì những yếu đuối, thiếu sót, lỗi lầm, kể cả tội ác của nhau, chúng ta đang tích cực xây dựng Giáo Hội bằng “mang lấy vào thân những gian nan, thử thách Đức Kitô còn phải chịu, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Jorathe Nắng Tím