Connect with us

Hi, what are you looking for?

Cảm thức

NHỮNG NGƯỜI THỢ LÀM VƯỜN NHO Ở GIỜ THỨ MƯỜI MỘT | Suy Tư

Họ là những người may mắn, vì được nhận vào làm vườn nho ở giờ cuối, nhưng lại là những người đầu tiên được lãnh lương như ý muốn của ông chủ: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại”, và ai nấy đều  sững sờ, kinh ngạc khi “lãnh được mỗi người một quan tiền” (Mt 20,8-9),  là tiền lương hậu hĩnh của một ngày công mười hai tiếng, điều mà không ai trong họ đã dám nghĩ tới.

Nhưng may mắn của những người thợ chỉ làm một giờ cuối ngắn ngủi, lại được nhận lương của một ngày dài vất vả đã gây bức xúc, căng thẳng và tranh cãi giữa những người đến làm từ sáng sớm và ông chủ, “vì những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền”.

Phẫn uất vì cách trả lương vô lý và tiêu chuẩn không công bằng, “họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,10-12).

Bất mãn với ông chủ, những người vào làm trước nhất cũng bực bội với  những người vào làm sau chót, vì những người này lãnh cùng đồng lương như họ.

Quả thực, theo lẽ công bằng xã hội, và theo nguyên tắc quản trị kinh doanh, thì không ai đã làm như ông chủ  vườn nho này khi không trả lương theo năng xuất công việc, không tính tiền theo giờ làm, không tính công theo sản phẩm, bởi  giữa hai người thợ, một người làm suốt ngày mười hai giờ, người kia chỉ làm một giờ  cuối , thì lương của người làm  mười hai giờ phải nhiều gấp mười hai lần người thợ chỉ làm một giờ. Đó là lý do khi đến lượt lãnh lương, những người làm trước nhất đã  nghĩ mình sẽ nhận một số tiền nhiều hơn một quan tiền  mà người chỉ làm một giờ vừa nhận  từ tay quản lý trước mặt họ.

Đức Giêsu qua dụ ngôn “thợ làm vườn nho” đã mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa, Cha Ngài qua hình ảnh ông chủ Vườn Nho:

1. Thiên Chúa là ông chủ nhân hậu, quảng đại, hào sảng:

Nhân hậu khi không nghĩ đến vườn nho của mình cho bằng nghĩ đến công ăn việc làm của những người thất nghiệp,  nghĩ đến miếng cơm manh áo và hạnh phúc ấm no của “những người ở không”, và những người  “suốt ngày không làm gì hết, vì không ai mướn họ” (x. Mt 20, 3.6). Bằng chứng là ngay từ tảng sáng đến  cuối giờ chiều,  ông chủ  liên tục ra ngoài đường,  vào tận trong  chợ để tìm và  nhận hết mọi người, không trừ ai vào làm vườn nho của ông, và tuyệt nhiên ông không đòi  họ phải  khai  lý lịch, xuất trình chứng minh nhân dân,  hay bằng cấp,  giấy chứng nhận  khả năng,  kinh nghiệm tay nghề…

Quảng đại khi thoả thuận với  những người vào làm từ tảng sáng một quan tiền là  số lương rất hậu hĩnh, cao  hơn tiền lương được trả bởi các ông chủ  vườn nho khác. Chẳng thế mà  khi vào làm, ai nấy đều  đã vui vẻ, phấn khởi, hăng say. Chỉ đến khi những người vào làm trước nhất thấy người làm sau chót cùng  nhận  số lương hậu hĩnh đã thoả thuận như mình, thì những người đến sớm nhất  ấy mới sinh sự so bì, ganh tỵ, giận dỗi …

Hào sảng  khi trả lương cao cho tất cả  các thợ, bất luận vào sớm nhất hay đến sau cùng, mà không xét nét, hạch hỏi, nghiệm thu công việc của mỗi người.

2. Thiên Chúa là ông chủ quyền năng nhưng tốt bụng:

Quyền năng khi làm điều mình muốn, mà không lệ thuộc bất cứ ai, hay bất cứ quy tắc, cơ chế, tổ chức, quyền lực nào. Bằng chứng là ông đã trả lời  những người thợ cằn nhằn khiếu nại, than phiền vì nghĩ  ông cư xử không đúng: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn  cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi không có quyền định đoạt những gì là của tôi sao?” (Mt 20, 13-15).

Tốt bụng khi không để ai phải thiệt thòi, khi tất cả các thợ đều được trả tiền lương cao ngất, mà chính họ cũng không ngờ.

Tốt bụng khi bất cần lợi nhuận cho mình, mà chỉ nghĩ đến phúc lợi tối đa  cho thợ, bởi nếu ki bo, gian ác, ông đã chi ly tính toán, khắc nghiệt kiểm tra, bần tiện cắt xén và gian tham bóc lột đám thợ nghèo hèn,  thấp cổ bé miệng cả đời  không được ai chống lưng, bênh vực.

Quả thực, dụ ngôn thợ làm vườn nho đã không chỉ cho chúng ta được chiêm ngắm dung mạo nhân hậu, quảng đại, hào sảng và quyền năng ,tốt bụng của Thiên Chúa, mà còn mở ra  cho chúng ta sự thật của  chính chúng ta, sự thật mà Đức Giêsu muốn mỗi người  phải tự nhận ra qua lời nhắc bảo của Ngài: “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt 20, 15).

Thực vậy, ganh ghét, tức giận rồi bạo hành trên người anh em là  tội mà  tổ tông Ađam, Evà đã truyền lại “nhãn tiền” cho con mình, như chương 4 của  sách Sáng Thế đã tường thuật: “Ađam ăn ở với Evà, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Cain … Bà lại sinh ra Aben. Aben làm nghề chăn chiên, còn Cain làm nghề cày cấy. Sau một thời gian, Cain lấy hoa màu của đất đai làm  lễ vật dâng lên Đức Chúa. Aben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến Aben và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Cain giận lắm, sa sầm nét mặt. Đức Chúa phán với Cain: “Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt , có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó”. Cain nói với em là Aben: “Chúng mình ra ngoài đồng đi!” Và khi hai người đang ở ngoài đồng, thì Cain xông đến giết Aben, em mình” (St 4, 18).

Nhắc lại câu chuyện Cain giết em mình  để chúng ta nhớ lại  lòng ghen tương, ganh ghét luôn “nằm phục” ở cửa lòng ta. Nó thèm muốn chiếm đoạt ta, và  thúc đẩy ta đi đến bạo lực tiêu diệt anh em mình.

Đọc kỹ câu chuyện Cain – Aben, chúng ta không thấy lý do tại sao Đức Chúa đã không đoái nhìn lễ vật của Cain. Trái lại, Ngài đã tỏ ra kiên nhẫn với Cain khi dạy bảo, nhắc nhở ông bằng đặt ra nhiều câu hỏi và căn dặn: “tội lỗi nó nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó”(St 4,7). Rất tiếc, dù được cảnh báo, Cain vẫn cố tình thực hiện kế hoạch giết chết em mình vì ganh ghét. Tuy thế, Thiên Chúa cũng vẫn nhân hậu, bao dung với Cain và bảo vệ ông để ông không bị mọi người bắt đền nợ máu em mình khi Ngài phán: “Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy”, và “Đức Chúa ghi dấu trên Cain để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông” (St 4,15), khi ông khẩn khoản xin Ngài thương xót giảm bớt hình phạt nặng nề  cho mình, vì tội giết em do lòng ganh ghét (x. St 4,13-14). Chắc chắn chúng ta không ganh ghét, tức giận đến độ giết người như Cain đã giết em, nhưng ganh ghét kiểu những người thợ vào làm vườn nho giờ thứ nhất thì chắc chắn ít người  trong chúng ta đã tránh khỏi.

Khó tránh khỏi vì lầm tưởng công trạng mình lớn lao, phúc đức mình quá dầy, chức tước mình cao trọng, thành quả do tay mình vĩ đại, nên “dư thừa xứng đáng” với  phần thưởng Nước Trời. Không tránh khỏi vì ảo tưởng  thánh thiện, do được biết Chúa sớm, xuất thân từ gia đình đạo gốc, thuộc dòng tộc có tiếng nhiệt thành lo việc nhà thờ. Khó tránh khỏi vì ngây ngô tưởng không có mình, vườn nho của ông chủ sẽ xơ xác, tiêu điều. Và thật khó tránh khỏi vì ích kỷ, tham vọng, sở hữu, thống trị khi không muốn bất cứ ai bằng mình, thành công hơn mình, may mắn hơn mình, hạnh phúc hơn mình, vào Thiên Đàng “dễ dàng” hơn mình.

Nhưng có lẽ cái khó tránh nhất chính là tính kiêu căng, ngạo mạn đã đẩy những người thợ làm từ giờ thứ nhất coi thường và vô ơn  đối với ông chủ, được biểu lộ qua thái độ  bất mãn và ngôn từ hung hăng chụp mũ ông  là người bất công, không công bằng, mà quên rằng chỉ vì lòng tốt, ông đã nhận họ vào làm vườn nho của ông với lương bổng hậu hĩnh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mong mỏi Nước Trời không như phần thưởng chúng con xứng đáng nhận được do công lênh, công trạng, công đức, công phúc của riêng mình, nhưng như Hồng Ân nhưng không của Chúa là Cha từ bi, nhân hậu, giàu lòng thương xót, không bao giờ bỏ quên con cái mình, như ông chủ vườn nho  nôn nóng ra vào tìm kiếm và đón nhận mọi người vào làm  việc, không vì sinh lợi cho ông, nhưng vì sự sống của chính họ, những người không công ăn việc làm vì không được ai mướn.

Xin cho chúng con đừng tỵ nạnh với anh em về Hồng Ân nhận được từ Chúa, bởi Chúa luôn tuôn đổ tràn đầy, chan chứa, và làm hoan lạc, no thỏa trái tim mỗi người chúng con, bởi tình Chúa là đại dương bao la, vô biên vô tận cho hết mọi người.

Xin cho chúng con ý thức sự cần thiết của những người thợ đến làm từ sáng sớm, và biết nâng đỡ, chia sẻ công việc với những người đến sau  chúng con. Đồng thời tôn trọng tuyệt đối, và vui vẻ đón nhận mọi sắp xếp, quyết định của Chúa trên chúng con và mọi người cùng làm việc cho Chúa trong Vườn Nho Nước Trời, vì tất cả chúng con đều bất xứng và tất cả những gì chúng con lãnh nhận  đều là Hồng Ân cao cả vời vợi, vượt xa những gì chúng con xứng đáng.

Và trong tình cảnh khốn nạn, rủi ro, bất xứng, xin thương xót đừng xua đuổi nhưng thương nhận chúng con vào Vườn Nho của Chúa ở giờ thứ mười một, hoặc ở phút cuối cùng như Chúa đã nhận vào Nước Trời người gian phi cùng chịu đóng đinh bên phải Chúa năm xưa trên đồi Canvê.

Jorathe Nắng Tím  

 

 

Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...