Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

 NIỀM HY VỌNG:  THÀNH QUẢ  CỦA “ HIỆP HÀNH ” | Chuỗi suy tư “Hiệp Hành” | Bài 12

TMĐP- Trước những phỏng đoán về thành quả của công cuộc Hiệp Hành, chúng ta cần tìm về Lời Chúa để nhận ra ánh sáng của niềm hy vọng luôn dẫn đường chỉ lối cho dân của Lời Hứa là Giáo Hội, nguồn vui và bình an của  Niềm Hy Vọng luôn ở cùng đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu, vì chính Ngài là Lời Hứa cứu độ, là Đấng mà muôn dân hy vọng, cậy trông.  

Những ngày đầu của Hiệp Hành, có người nghĩ: dù có  phát động phong trào Hiệp Hành rộn ràng, rôm rả, rộng rãi  đến đâu, thì mọi sự, mọi việc cũng sẽ đâu hoàn đó, không thay đổi được ai, cũng chẳng làm mới được gì, vì mọi người, mọi sự  đã ăn rễ quá sâu, quá kiên cố,  quá trì trệ, quá ù lì, quá lầy lội; một  số ít  lạc quan thì hy vọng nhờ Hiệp Hành, bầu khí Giáo Hội sẽ trong lành, dễ thở hơn, tương quan sẽ không còn căng thẳng, và cơ chế phần nào sẽ bớt nặng nề quan liêu, độc tài. Cách chung, đa phần nghi ngờ thành quả, chỉ một số ít “dám” mong đợi Hiệp Hành sẽ mang lại làn gió mới canh tân, làm tươi trẻ Giáo Hội.

Không biết quý Bạn có đồng quan điểm và cùng ý nghĩ với những gì vừa được ghi lại từ nhiều người đã công khai chia sẻ trên phương tiện truyền thông mạng?

Ở đây, người viết xin được chia sẻ một vài suy tư về  “Thành Quả của Hiệp Hành” với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa của Hiệp Hành dưới ánh sáng đức tin.

Trước hết, chúng ta cần xác định: Hiệp Hành là hành trình của Dân Chúa, là bước đi chung của toàn thể Giáo Hội, là lối sống của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh của Ngài trên đường dương thế mà đích tới là Nước Trời, là chính Thiên Chúa.

Như thế, công cuộc Hiệp Hành không là phong trào kiến thiết tu sửa những công trình vật chất hay chiến dịch quyên góp, gây qũy cho giáo xứ, giáo phận, hay  giáo hội toàn cầu, nhưng là công cuộc xây dựng Thân Thể Đức Kitô bằng hiệp nhất các chi thể, hiệp thông giữa mọi thành phần, thành viên của Dân Chúa, ở đó  tất cả được mời gọi tích cực tham gia, cộng tác và đồng hành với tình yêu và tinh thần trách nhiệm để cùng thực thi sứ vụ được Đức Giêsu trao phó.

Do đó, thành quả của Hiệp Hành không là kết quả “thấy được” mà người ta muốn thấy bằng mắt thường, không là  thành phẩm được đo lường, định lượng, đánh giá  bằng các đơn vị đo đạc vật chất, như ngưòi ta mong,  vì công cuộc Hiệp Hành là công việc của “Thân Thể mầu nhiệm”, phương tiện thực hiện công cuộc Hiệp Hành thuộc siêu nhiên, và  thành quả  của Hiệp Hành tất nhiên cũng  thiêng liêng, không thể nhìn thấy và “cân đo đong đếm” bằng mắt thường, theo tiêu chuẩn, thước đo các thành quả vật chất  khác.

Hơn nữa, công trình Hiệp Hành tuy được Thiên Chúa đặt vào tay con người, vì Ngài muốn con người tham gia, đóng góp một cách có trách nhiệm, nhưng công cuộc và thành quả cứu độ  không thuộc quyền quyết định của con người, nhưng  Thiên Chúa mới là Đấng làm cho công cuộc lớn lên,  cho công trình thành tựu và  sinh hoa kết trái.

Thực vậy, không có sự gì ở trong tay Thiên Chúa mà không mang lại kết quả cứu rỗi cho con người, vì  “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28); nên  dù việc thực hiện “Hiệp Hành” dưới mắt con người có “bết bát, thất bại”  đi nữa, thì với  sự can thiệp của Thiên Chúa, và  ơn của Ngài,  Hiệp Hành vẫn mang lại thành quả siêu nhiên, ơn ích thiêng liêng, và hồng ân  cứu rỗi cho những người thành tâm thiện chí.

Trả lời câu hỏi: Thành quả nào là thành quả của Hiệp Hành, người viết muốn được đồng hành với Quý  Bạn tìm về Lời  Chúa để cùng có chung một câu trả lời dưới ánh sáng Đức Tin:

1. Dân Chúa là dân của Niềm Hy Vọng vào Lời Thiên Chúa hứa:

Dân Chúa là dân của niềm hy vọng, vì là dân của Lời Hứa, dân của Giao Ước: Ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa cứu nhân loại khi tuyên chiến với Rắn Độc là Xatan: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15); chọn  một dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã hứa với Ápram khi chọn ông làm tổ phụ: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”. Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”; đến trong thế gian, Đức Giêsu đã hứa hạnh phúc  đích thực và vĩnh cửu  cho những ai tin vào Ngài và  sống Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5,3-12).

Vì thế, Dân Chúa luôn bước đi dưới ánh sáng của Hy Vọng, ánh sáng Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê. Chính Ngài  sẽ “cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét… , cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 2, 73.78), bởi Thiên Chúa là Đấng trung tín, “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 2,72); Dân Chúa luôn “đặt hy vọng vào Thiên Chúa” như bà mẹ của anh em  nhà Macabê dù có “ thấy bẩy người con trai phải chết nội trong một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa” (2 Mcb 7,20); Dân Chúa luôn làm việc với niềm hy vong (x.1 Cr 9,10), và làm cho muôn dân biết đặt hy vọng nơi Thiên Chúa (x. Rm 15, 12).

Giáo Hội chính là dân của Lời Hứa, là Dân Chúa trên đường Hy Vọng, dân ý thức mình được gọi cho niềm hy vọng ở Ngôi Lời Thiên Chúa, ý thức gia nghiệp vinh quang phong phú của mình được bảo đảm bởi Lời Thiên Chúa hứa (x. Ep 1,18), vì “Thiên Chúa muốn chứng minh rõ hơn cho những người thừa hưởng lời hứa được biết về ý định bất di bất dịch của Người, nên Người đã dùng lời thề mà bảo đảm điều Người đã hứa. Như vậy, cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được” (Dt 6,17-18).

Vì thế, yếu tính của Giáo Hội là đoàn lũ những người đi theo Đức Giêsu trên đường Hy Vọng, và sứ mạng của Giáo Hội như Dân của Lời Thiên Chúa đã  thề hứa chính là sống và gieo rắc niềm Hy Vọng “ngày Thiên Chúa quang lâm” như  người Kitô hữu hằng tuyên tín: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền  Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

2. Dân Chúa liên lỷ sống Niềm Hy Vọng vào Thiên Chúa của Lời Hứa:

Vì là dân của Lời Hứa, dân của niềm Hy Vọng, nên từ đời sống, sức sống, lẽ sống đến nếp sống, lối sống của Dân Chúa đều là Hy Vọng. Dân Chúa sống liên lỷ, không đứt đọan, không đóng băng Niềm Hy Vọng trên đường Thiên Chúa dẫn đi. Chính vì thế, từ khởi điểm đến đích điểm của  đường Hiệp Hành, cũng là đường đi theo Đức Giêsu, Dân Chúa, tức Giáo Hội đều ở trong niềm hy vọng, được nuôi dưỡng, củng cố bằng niềm hy vọng vào Lời Hứa Cứu Độ. Do đó:

a. Ở khởi điểm Hiệp Hành là lúc niềm hy vọng được thai nghén:

Niềm hy vọng được thai nghén, khi chúng ta khởi đầu thao thức, khắc khoải, ước mơ  Hiệp Hành;  Niềm Hy Vọng được cưu mang khi chúng ta bắt đầu quan tâm trao đổi, trò chuyện, góp ý để Hiệp Hành mang về nhiều lợi ích cho Giáo Hội, mặc dù ở điểm khởi hành thường khó tránh khỏi những  khúc mắc gây tranh cãi, những lấn cấn gây bất đồng, nhưng không vì thế mà niềm hy vọng không được thai nghén, cưu mang.

b. Trên những bước Hiệp Hành, niềm hy vọng nảy mầm:

Như hạt lúa nẩy mầm trong đất với nắng mưa, sương tuyết, những bước chân Hiệp Hành là những bước Vượt Qua đòi nhiều hy sinh. Có những  hy sinh quên mình, dẹp bỏ mình, thắng bớt mình; có những  hy sinh lấy mình, phơi mình, đem mình ra “chống mũi chịu sào”, chết thay cho anh em  vì lợi ích của Giáo Hội;  và vô số những hy sinh thầm lặng, kín đáo ngày đêm tận tụy vì cộng đoàn, nhưng chẳng được  biết đến để tuyên dương, khen thưởng, kể cả khích lệ, nâng đỡ, chia sẻ  khó khăn, nhọc nhằn.

Như hạt lúa chấp nhận từ bỏ hình hài tươi đẹp, sang trọng, sạch sẽ, trang nhã của mình để bị đất lột trần trơ trụi, đất làm vỡ toang và thối rữa, những bước chân Hiệp Hành đang đi tới của người Kitô hữu cũng đang làm nảy mầm niềm hy vọng vào Lời Hứa mà ít ai có thể nhìn thấy, vì tất cả dường như được  Thiên Chúa che giấu, chôn vùi như điều kiện cần thiết của tiến trình  để hạt lúa cho nhiều bông hạt.

c. Ơn Chúa như nắng ấm, “mưa thuận gió hoà” làm niềm hy vọng lớn lên, cho nhiều hoa trái:

Sở dĩ thành quả không thể chối cãi của Hiệp Hành là niềm hy vọng được thai nghén, cưu mang ngay từ điểm khởi hành, cũng như nẩy mầm trên những bước chân tiếp nối, vì con đường Hiệp Hành là con đường của Chúa, con đường Đức Giêsu  muốn người đi theo Ngài phải cùng đi với nhau và với Ngài. Chính vì đi với Ngài, mà con đường Hy Vọng vào Lời Hứa lớn lên và sinh hoa kết trái xum xuê, bởi chính Ngài ban nắng ấm, cho mưa thuận gió hoà.

Một lần nữa, chúng ta tin rằng: công cuộc Hiệp Hành của Giáo hội được thực hiện, nâng đỡ, củng cố không chỉ  do ý chí, nỗ lực, đóng góp của con người, nhưng luôn có ơn phù trợ và phúc lành của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã quả quyết: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” ( 1Cr 3,6), và niềm hy vọng chính là dấu chỉ cho chúng ta biết: Hiệp Hành là công trình của Thiên Chúa.

3. Dân Chúa hân hoan “hiệp hành” trong niềm hy vọng:

Kinh Thánh cho chúng ta thấy: người được Thiên Chúa kêu gọi, cũng như dân được Thiên Chúa tuyển chọn đều luôn hân hoan, vui vẻ bước tới trong niềm hy vọng vào Lời Hứa. Từ Ápraham, Isaác, Giacóp, Môsê, các ngôn sứ và dân riêng Ítraen trong Cựu Ước đến Gioan Tẩy Giả, các Tông Đồ, các giáo đoàn sơ khởi trong Tân Ước, các nhân chứng đức tin cũng như Giáo Hội hôm nay, trong thế giới này, tất cả đều chung một hành trình bước tới, tiến lên về phía trước, đi xa hơn khỏi nhà mình, xứ mình, đoàn thể, cộng đoàn mình để đến với muôn dân và gieo cho họ niềm hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chuá trong Đức Giêsu Kitô.

Yếu tính và sứ mạng Kitô ấy chính là chià khóa mở ra Thành Quả của Hiệp Hành là Niềm Hy Vọng không bao giờ tắt nơi người Kitô hữu mà Đức Giêsu đặt vào tâm hồn mỗi người trong Giáo Hội, nên khi người Kitô hữu sống niềm hy vọng vào Lời Hứa chính là làm cho niềm hy vọng được thai nghén, nẩy mầm trong lòng anh em, trong trái tim  của mọi người thành tâm thiện chí đi tìm Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, và kết quả  là Niềm Hy Vọng cứu độ ấy cũng chính là thành quả của con đường Hiệp Hành mà chúng ta đang cùng Giáo Hội  bước đi lúc này và ở đây.

Vâng, niềm hy vọng  ở Thiên Chúa của Lời Hứa là có thật, và chúng ta “vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất lành dành cho kẻ sống” (Tv 26,13), vì “chẳng ai đặt hy vọng ở Chúa mà phải nhục nhằn tủi hổ” (Tv 24,3), và với tâm tình của thánh tông đồ dân ngoại, chúng ta nài xin “Thiên Chúa là nguồn hy vọng”, ban cho chúng ta, “được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần”, chúng ta được tràn trề hy vọng” (x. Rm 15,13).

Tóm lại, trước những dự kiến, phỏng đoán đôi lúc có phần bi quan, tiêu cực, chủ bại về thành quả của công cuộc Hiệp Hành, thiết tưởng việc chúng ta cần làm là tìm về Lời Chúa để nhận ra ánh sáng của niềm hy vọng luôn dẫn đường chỉ lối cho dân của Lời Hứa là Giáo Hội, nguồn vui và bình an của  Niềm Hy Vọng luôn ở cùng đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu, vì chính Ngài là Lời Hứa cứu độ, là Đấng mà muôn dân hy vọng, cậy trông.

Xin ký thác trong Thánh Tâm Chúa niềm vui được thuộc về dân của Lời Hứa, hạnh phúc được  đón nhận và sống đức tin trong niềm hy vọng được cứu độ, cũng như vinh dự nhận về phần thưởng tràn đầy hy vọng vì  “tên anh em đã được ghi trên trời ” (Lc 10,20) mà Thiên Chúa của Lời Hứa đã hứa cho những ai tin vào Lời Hứa của Ngài bằng bước đi với Ngài và với anh em trên đường Hiệp Thông, Cộng Tác, Sứ Vụ với niềm vui hy vọng, với hạnh phúc hy vọng, và vinh dự là con cái của Lời Hứa, thành viên của Giáo Hội đang hân hoan hy vọng  trông đợi ngày Chúa đến.

Jorathe Nắng Tím  

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...