Mùa Chay

NIỀM VUI ĐƯỢC HÒA GIẢI | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV, Mùa Chay, Năm C

TMĐP- Trong câu chuyện hòa giải giữa chúng ta với Thiên Chúa, Thiên Chúa biết rõ giá trị của con người, bởi chính Ngài đã dựng nên chúng ta, như cha mẹ yêu thương con cái hơn con cái yêu thương cha mẹ, vì cha mẹ biết rõ giá trị của người con mà mình đã sinh ra hơn bất cứ người nào trên thế gian.

Không gì vui bằng niềm vui của tâm hồn thống hối được hòa giải với Thiên Chúa khi rời toà giải tội, niềm vui của “tay bắt mặt mừng” được hòa giải với anh em sau tháng năm dài lãnh đạm, lạnh lùng, không một lời thăm hỏi, chia sẻ, hiệp thông, và niềm vui của trái tim không còn u uất hằn học, cay đắng nguyền rủa, lên án chính mình.

Các bài đọc của chúa nhật giữa Mùa Chay hướng chúng ta về niềm vui này, niềm vui “thế gian được hòa giải với Thiên Chúa” nhờ sự chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô, vì Thiên Chúa “không còn chấp tội nhân loại nữa” (2 Cr 5, 19), niềm vui mọi người được hòa giải với nhau “nhân danh Đức Giêsu”, vì “Đấng chẳng hề biết tội lỗi là gì” đã tự nguyện biến thành “hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5, 21).

Và qua dụ ngôn “người cha nhân hậu” trong Tin Mừng Luca (x. Lc 15, 11-32), Đức Giêsu đã chứng thực đây là niềm vui lớn không gì có thể so sánh, vì là niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui từ trái tim Thiên Chúa là người cha nhân hậu tuôn chảy chan hòa vào quả tim của người con hoang đàng thống hối trở về.

Thực vậy, không chỉ người con thứ chết lặng vì vui, không nói lên lời vì mừng, khi toàn bộ kế họach, dự tính đều thình lình thay đổi, bất ngờ được thay thế: thình lình thay đổi vì anh đã chuẩn bị những lời thú tội, nhưng  vừa thấy anh từ đàng xa, cha đã chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để, không cho anh nói dù một lời xin lỗi (x. Lc 15,20); bất ngờ được thay thế, vì anh nghĩ: với tội lỗi tầy trời cùng lắm anh sẽ chỉ được nhận trở vào nhà như người làm công (x. Lc 15,19), nhưng cha anh đã vội vàng bảo đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu” (Lc 15, 22).

Không chỉ người con thứ vui mừng, người cha cũng sung sướng, hạnh phúc vô cùng, khi phấn khởi truyền cho gia nhân mở tiệc linh đình, mời hết bà con làng nước đến chung vui, mừng cậu út trở về, và gặp ai, tim ông cũng rộn ràng muốn nói: Hãy vui với tôi, “vì con tôi đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).

Sở dĩ người Kitô hữu không ngừng được Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy vui lên trong Chúa!”, vì họ là những người sống trong niềm vui được hòa giải với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình; vì tương quan của họ với Thiên Chúa là tương quan Cha Con, tương quan với mọi người là tương quan anh chị em, con cùng một Cha trên trời, trong cùng một gia đình Thiên Chúa. Và những tương quan tràn đầy  hạnh phúc ấy được bảo đảm bởi Đức Giêsu, Đấng đã lấy máu mình để hòa giải Thiên Chúa với loài người, và mọi người với nhau. Hơn nữa, niềm vui hòa giải này tròn đầy, trọn vẹn, vì hòa giải vô điều kiện, hòa giải vĩnh viễn, như người cha nhân hậu trong Tin Mừng đã không đặt ra cho con bất cứ điều kiện  nào, không ép con phải thoả đáng bất cứ  đòi hỏi nào, không cằn nhằn, trách móc con dù một lời ngắn ngủi. Trái lại, tình cha bao la đã bao phủ đời con giông bão, ôm trọn thân con tiều tụy và đổi mới toàn bộ cuộc đời con khi mặc cho y phục lộng lẫy chỉ dành cho con cái, đeo cho con nhẫn qúy chỉ dành cho người thừa tự.

Tóm lại, trong câu chuyện hòa giải giữa chúng ta với Thiên Chúa, thì người vui nhất vẫn là Thiên Chúa, vì Ngài biết rõ giá trị của con người, bởi chính Ngài đã dựng nên chúng ta, như cha mẹ yêu thương con cái hơn con cái yêu thương cha mẹ, vì cha mẹ biết rõ giá trị của người con mà mình đã sinh ra hơn bất cứ người nào trên thế gian.

Vì thế, khi chiêm ngắm người cha nhân hậu của Đức Giêsu trong Tin Mừng, chúng ta không còn khả thể hay lý do chê trách người cha vì ông đã quá nhân hậu, thương xót, như người con cả đã bực bội, giận dỗi  khi  biết cha  mở tiệc  ăn mừng em cậu trở về sau năm tháng dài sa đọa, hoang đàng, phung phá (x. 1Lc 15,23-30), bởi tình cha hôm ấy đã không thưởng công lối sống trụy lạc, nhưng thưởng công những bước chân trở về của con; ơn cha hôm ấy đã không tuôn đổ trên tội lỗi, nhưng tràn trề xuống cõi lòng thống hối, ăn năn của con; nước mắt cha hôm ấy đã không nức nở khóc những dữ dằn, hung tợn, nhưng trào dâng niềm hạnh phúc con mình được sống, được “thay da đổi thịt”, vì đó là thời điểm của lòng thương xót, là cơ hội của ơn cứu độ, là ngày Thiên Chúa mở lượng từ bi, nhân hậu trên dân Ngài, mà không là ngày thịnh nộ, ngày trừng phạt, ngày giáng họa, báo thù.

Và đó chính là nền tảng vững chắc bảo đảm niềm vui không bao giờ héo úa, khô cạn ở người Kitô hữu, người được giao hòa với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình nhờ Danh và trong Máu  Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ vô cùng từ bi, nhân hậu, “hay chạnh lòng xót thương”.

Jorathe Nắng Tím

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version