TMĐP- Thân xác phục sinh của Ngài là dấu ấn của Lòng Thương Xót, là dấu chứng Tình Yêu Thương Xót của một Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng và đến cùng.
Hiện ra với Nhóm Mười Một Tông Đồ sau khi sống lại, Đức Giêsu chân tay còn loang lổ các dấu đinh, và cạnh sườn còn hoắm sâu vết thương do lưỡi đòng đã ban Bình An và Niềm Vui phục sinh của Ngài cho các môn đệ.
Tin Mừng Gioan kể lại: “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19.21.26) trong cả hai lần Ngài hiện ra, một lần không có và một lần có ông Tôma, người đã không tin lời các anh em môn đệ: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”, và cứng lòng tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Và Tin Mừng không quên ghi lại: “Các môn đệ vui mừng, vì được thấy Chúa” (Ga 20,20).
Nhưng Niềm Vui và Bình An mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ hôm ấy không là niềm vui, và bình an của con người, mà là Niềm Vui và Bình An của Đấng đã chết và sống lại: Bình An đã đi với Ngài suốt đường dài Thương Khó với sỉ vả, đòn vọt, nhục nhằn, tra tấn, và Niềm Vui đã đồng hành với Ngài là tôi tớ khiêm hạ, vâng phục, trung tín của Thiên Chúa Giavê cho đến giây phút tắt thở trên Thánh Giá khi tha tội cho hết thảy những ai đã làm khổ mình, và hứa Thiên àng cho người gian phi cùng bị đóng đinh. Và từ bây giờ Ngài ban Bình An và Niềm Vui phục sinh ấy cho các môn đệ có mặt và cho tất cả những ai tin Ngài là Đấng Cứu Độ và đi theo Ngài để loan báo “Tin Mừng Chúa đã sống lại thật, Ngài là Đấng Cứu Độ thế gian”.
Để các môn đệ tin Niềm Vui và Bình An Ngài ban đến từ Thiên Chúa, Đức Giêsu phục sinh đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22) và tỏ cho các ông biết: Niềm Vui và Bình An là dấu chỉ của người có Chúa Thánh Thần, dấu chỉ có Chúa Thánh Thần trong hoạt động truyền giáo khi Ngài nói với các ông: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” 5Ga 20,21).
Ở đây, chúng ta thấy Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiệp nhất với nhau, và có mặt trong mọi hoạt động. Chúng ta còn được mặc khải: Niềm Vui và Bình An là dấu chỉ sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, là ơn sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, như thánh tông đồ dân ngoại đã viết: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Thánh Tông đồ cẩn thận kể ra chín hoa trái của Thánh Thần, nhưng ba hoa trái nền tảng, chính yếu luôn là Bác Ái, Hoan Lạc và Bình An, vì một khi đã yêu thương, bình an và hoan hỷ vui mừng, thì không thể không nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.
Khi hiện ra với Nhóm Mười Một Tông Đồ, Đức Giêsu phục sinh không đơn thuần tỏ cho các ông thấy Ngài đã sống lại, nhưng còn sai các ông đi làm chứng vể Ngài dưới sự hướng dẫn và ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, mà dấu chỉ có Chúa Thánh Thần trên đường truyền giáo của các ông là Niềm Vui và Bình An.
Mang Niềm Vui và Bình An của Đức Giêsu phục sinh, các Tông Đồ được sai đi để loan báo Tin Vui Thiên Chúa giàu lòng thương xót yêu thương và cứu độ cho người sầu khổ, nghèo khó, cho những ai đau ốm, tật nguyền, cho người bị tù đầy, bách hại (x. Mt 5,2-11), và mang ơn Bình An là hoa thơm trái ngọt của lòng thương xót cho họ.
Vì thế, truyền giáo mà không loan báo Tin Vui Thiên Chúa giàu lòng thương xót, loan báo Tin Mừng mà không giới thiệu Bình An đến từ đinh sắt, lưỡi đòng của Lòng Thương Xót Chúa, thì truyền giáo ấy chẳng khác thùng rỗng kêu to, và loan báo Tin Mừng không khác phèng la inh ỏi, chẳng đem lại ơn ích gì.
Tóm lại, khi cho các môn đệ xem dấu đinh và cạnh sườn còn sâu hoắm, loang lổ, Đức Giêsu muốn các ông hiểu rằng thân xác phục sinh của Ngài là dấu ấn của Lòng Thương Xót, là dấu chứng Tình Yêu Thương Xót của một Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng và đến cùng để khi được sai đi, các ông cũng mang trên mình các ông Lòng Thương Xót của Đấng chịu đóng đinh vì thương xót ấy, mà dấu chỉ không thể chối cãi của Thánh Thần Tình Yêu Thương xót chính là Niềm Vui và Bình An phải vừa là hành trang của người được sai đi, vừa là món quà qúy giá được ban tặng từ trái tim thương xót của người rao giảng, nhà truyền giáo cho mọi người.
Jorathe Nắng Tím