TMĐP- Hành động sám hối, trở về đẹp lòng Thiên Chúa hơn tất cả chính là ý thức Thiên Chúa đã đón nhận chúng ta, vốn là dân ngoại, “do lòng thương xót của Người”(Rm 15,9) và quyết tâm sống lòng thương xót đối với anh em một cách khiêm tốn, chân thành, quảng đại.
Chúa nhật thứ hai mùa vọng vang lên lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa miền Giuđê: “Anh em hãy sám hối vì nước trời đã đến gần”(Mt 3, 2).
Nhưng thế nào là sám hối như tiếng kêu của Gioan, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế?
Sám hối như tiếng kêu của Gioan: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”(Mt 3, 3) là trở về với Đấng đang đến gặp chúng ta, vì yêu chúng ta, Đấng mà ngôn sứ Isai đã tuyên sấm: “Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vi này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu luợc và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa… Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư cho kẻ nghèo trong xứ sở”(Is 11,2-4).
Sám hối như lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả: “Các anh hãy sinh hoa qủa để tỏ lòng sám hối ”(Mt 3,8) là tin vào sức mạnh đổi mới của tâm hồn, vì thế giới sẽ được đổi mới, nếu tâm hồn của mỗi người chúng ta được đổi mới. Thế giới được đổi mới nhờ những tâm hồn được đổi mới do sám hối trở về ấy sẽ là một thế giới được trị vị bởi Đức Vua nhân hậu, Thủ Lãnh hoà bình là Đức Giêsu, và “ bấy giờ sói sẽ ở với chiên con , beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử được nuôi chung với nhau.. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa tọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai ác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập , đất này, cũng như nước lấp đày lòng biển.”(Is 11, 6-9).
Đây là thời hạnh phúc khi con người hiểu biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài bằng thực hiện lòng sám hối chân thành và quyết tâm trở về với Thiên Chúa là nguồn tình yêu thương xót mang lại hạnh phúc và sự sống đời đời, vì chỉ khi con người nhận biết Thiên Chúa và sống theo đường lối yêu thương của Ngài, thì tâm hồn mới được đổi mới, và thế giới mới được bình an, điều mà con người hôm nay đang làm ngược lại và hậu qủa là ganh ghét, hận thù, chiến tranh lan tràn, đe dọa, tiêu diệt, tàn phá không tiếc thương sự sống và hạnh phúc của nhân loại.
Sám hối như tiếng hô lạc giọng của Gioan trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng”(Lc 3, 4-5) là tin rằng việc sám hối, trở về là có thể thực hiện, ước mơ đổi mới là khả thi, khát vọng trở nên tốt hơn nằm trong khả năng của con người, cụ thể là những thung lũng của dục vọng đê hèn, bất chúnh sẽ được lấp đầy; mọi núi đồi tham vọng, kiêu căng sẽ được bạt thấp ; những khúc quanh co gian dối, thủ đọan, “mưu hèn kế bẩn” sẽ được uốn cho ngay, với điều kiện phải thành tâm thiện chí đi vào con đường phân định giữa ánh sáng và bóng tối, thiện và ác, tốt và xấu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong niềm xác tín: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”(Lc 3,6).
Sở dĩ chúng ta cần ơn Chúa Thánh Thần, và niềm xác tín vào ơn cứu độ của Đức Giêsu, vì sám hối sẽ không có giá trị nếu sám hối mà không trở về với Đức Giêsu, sám hối mà không dựa vào ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, bởi một lý do rất đơn giản nhưng thiết yếu, đó là chúng ta sám hối để trở về với Thiên Chúa, sám hối để nối lại tương quan cha con với Thiên Chúa, sám hối để sống và làm chứng Tin Mừng: Chúa yêu thương cứu độ chúng ta.
Tóm lại, cứu độ và quy tụ toàn thể nhân loại trong tình yêu là chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Phần chúng ta, vốn là những tội nhân, nên cần phải sám hối trở về với Thiên Chúa hầu được hưởng ơn cứu độ trong chương trình yêu thương nhân loại của Ngài.
Để được như vậy, đồng thời cũng là việc làm cụ thể và sống động của tâm hồn sám hối, trở về, thánh Phaolô tông đồ dân ngoại tha thiết mời gọi chúng ta: “Anh em hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”(Rm 15,7).
Thực vậy, hành động sám hối, trở về đẹp lòng Thiên Chúa hơn tất cả chính là ý thức Thiên Chúa đã đón nhận chúng ta, vốn là dân ngoại, “do lòng thương xót của Người”(Rm 15,9) và quyết tâm sống lòng thương xót đối với anh em một cách khiêm tốn, chân thành, quảng đại.
Jorathe Nắng Tím