TMĐP- Trở về là hành trình của một trái tim đến với một trái tim, là đường tìm về gặp gỡ của hai tâm hồn, là lộ trình từ một cõi lòng đến một cõi lòng khác.
Cám dỗ nguy hiểm và tai hại nhất ở người tội lỗi trên đường về là nghi ngờ lòng thương xót. Ađam, Evà đã sập bẫy ma qủy khi nghi ngờ lòng thương của Thiên Chúa. Giuđa cũng ra đi thắt cổ vì nghi ngờ tình thương của Thầy. Đứa con hoang đàng cũng không tránh khỏi mối nghi ngờ đan kín tâm hồn như lưới bủa tin yêu.
Người ta có thể nghi ngờ kết quả trong phòng thí nghiệm, nhưng không thể sống nghi ngờ trong tình yêu. Tuy khởi điểm của hành trình trở về được đánh thức, khơi dậy từ cơn đói thể xác, từ nhu cầu lương thực; nhưng những bước chân, những cây số trở về ấy lại hoàn toàn thuộc về sinh hoạt tình yêu, vì trở về là hành trình của một trái tim đến với một trái tim, là đường tìm về gặp gỡ của hai tâm hồn, là lộ trình từ một cõi lòng đến một cõi lòng khác. Người con hoang đàng tuy chợt nhớ cha già, mái nhà cũ vì qúa đói khổ, nhưng anh đã đứng dậy, bước đi sau đó vì muốn gặp lại cha già để được sống lại hạnh phúc làm con. Chính hạnh phúc làm con đã thôi thúc anh trở về, vì làm con chính là bản chất của anh, và anh sẽ chỉ hạnh phúc thật khi sống bản chất và ơn gọi làm con này.
Thực vậy, ước mong gặp cha già là con nắng tin yêu trải nhẹ trên anh để hướng dẫn chân anh, nâng đỡ yếu đuối trong anh, đổi mới anh trên từng bước trở về để đến khi gặp cha, anh được thanh luyện xứng đáng để trở về vị thế rất vinh dự: con của cha.
Tin ở mình:
Tin ở mình là niềm tin quan trọng nhất, vì không tin ở mình, người ta sẽ không tin ở Trời cũng không tin ở người. Ta thường lầm tưởng: tin mình là không tin Trời, mà quên rằng: người không tự tin sẽ không thể tin ai, kể cả Trời, vì thiếu điều kiện quan trọng là chủ thể được định vị; bởi chủ thể không biết chủ thể ở đâu, là gì, không tin mình là chủ thể “tin”, hỏi sao có thể tạo được tương quan với Trời, với người khác để mà tin hay yêu?
Người tự tin biết và nhận mình là một giá trị, đồng thời trân trọng giá trị ấy. Người con hoang đàng tuy tội lỗi, nhưng không quên giá trị làm con của mình đối với cha già, và không bao giờ xúc phạm hay làm tổn thương danh dự làm con ấy. Khi lên tiếng thân thưa với cha: “Con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..” (Lc 15,21), anh đã khiêm tốn nhận tội, nhưng cũng gián tiếp đề cao vinh dự làm con, giá trị làm con, chỗ đứng được làm con của mình. Chỗ đứng, giá trị, vinh dự làm con ấy cao cả lắm, nên anh mới sợ tội lỗi của anh làm sút giảm. Vì thế, anh mới vội vàng mở lời nhận tội và xin lỗi với hy vọng mãi được làm con.
Khi thú nhận tình trạng “không đáng gọi là con cha nữa”, anh chỉ nhận những sa đoạ, phung phá của mình như nguyên nhân làm phai nhạt hình ảnh làm con, giảm thiểu giá trị làm con, tổn thương tình con thảo, chứ không phủ nhận vai trò làm con, giá trị và bản chất “con” đối với cha mình. Anh không chịu để mất ơn gọi làm con, chỗ đứng của con trong trái tim cha, khi thú nhận yếu đuối, tội lụy , mà chỉ nhận đó như nguyên nhận làm cho anh trở nên bất xứng. Điều đáng chú ý ở đây là tình trạng bất xứng không lấy đi bản chất “con cái” nơi anh. Nó chỉ làm giảm sút, chứ không tiêu hủy vĩnh viễn; chỉ làm nhạt nhoà, nhưng không tận cùng xóa bỏ. Bởi một khi đã là con, anh sẽ mãi mãi là con của cha; một khi được sinh ra, anh sẽ muôn đời có cha là đấng đã sinh thành; một khi được gọi là con, anh sẽ đời đời được nói tiếng “cha ơi”. Không ai có thể tự mình từ chối quyền làm con; cũng không người nào có quyền trấn lột quyền làm con của người khác, dù người đó chính là cha của đương sự, bởi cha con là tương quan tự nhiên, quyền lợi tự nhiên, nghiã vụ tự nhiên, tự nhiên và hiển nhiên đến độ không cần chứng minh, lý luận.
Thế nên, người con hoang đàng tin mình luôn mãi là con của cha, tin chắc không bao giờ mất quyền làm con, dù quyền ấy có thể bị sứt mẻ, giảm thiểu.
Vì tin mình là con, nên mới trở về tìm gặp cha. Vì tin mình không mất quy ền làm con, nên mới lên đường tìm về mái ấm gia đình. Vì tin mình không bao giờ bị tước đoạt chủ quyền làm con, nên mới trở về như đứa con, trong tư thế một người con, dù là con hoang đàng, bất xứng.
Như thế, niềm tự tin của người con hoang đàng đã được xây dựng vững chắc trên nền tảng “làm con”, và được đặt chân móng trên vị thế “con cái”. Nhờ thế, anh đã không sợ khi lên đường trở về, dù đường về rất dài và gian khổ, dù đường về giăng kín mây đen và giông tố ùn ùn kéo tới. Niềm tự tin ấy đã là ánh lửa từ que diêm tuy bé nhỏ nhưng đủ sáng để thấy đường về trước mặt, dù bước chân vẫn ngại ngùng, dò dẫm trong đêm đen. Nhờ tự tin là con, người con hoang đàng đã dám lên đường tìm về mái nhà xưa, để gặp lại cha già mỗi chiều đều ra đầu làng trông ngóng bóng con trở về.
Tin vào lòng thương xót của cha:
Nhờ tự tin mình là con, đời đời là con, mãi mãi là con mà người con hoang đàng đã dám tin ở lòng thương xót của cha mình. Anh có cái thông minh của tình yêu để hiểu rằng: khó lòng mà cha bỏ được anh. Vì thế, nhiều lần anh đã “tự tin qúa đáng” và lợi dụng lòng bao dung, quảng đại, hay tha thứ của cha.
Vì tin mình là con, anh hy vọng cha sẽ không nặng tay trừng phạt, mà có trừng phạt đi chăng nữa, cha cũng sẽ không nỡ lòng xua đuổi, ruồng bỏ. Nhờ tin mình là con, anh đã vượt được nỗi sợ và nghi ngờ về tình cha. Vượt qua nỗi lo sợ và nghi nan này, anh đã toàn thắng trong trận chiến khốc liệt mà đối thủ là ma qủy, kẻ luôn gây sợ hãi và gieo nghi ngờ.
Ma quỷ có duy nhất một chiến thuật rất lợi hại để chống phá Thiên Chúa, đó là làm cho các tâm hồn nghi ngờ lòng thương xót của Cha trên trời. Để tạo nghi ngờ, chúng gây chia rẽ và gieo rắc gian dối. Hai vũ khí chia rẽ và gian dối nhắm một mục tiêu làm con người nghi ngờ lòng thương xót. Khi đẩy con người vào tình trạng nghi ngờ, thất vọng, không còn cậy trông, ma qủy thực hiện thành công ý đồ lôi kéo con người ra khỏi tương quan cha – con với Thiên Chúa và tước đoạt khỏi con người quyền làm con đối với Cha trên trời. Đây là mục tiêu phải đạt mà ma quỷ không ngừng lên kế hoạch cốt để con người tự mình chối bỏ quyền làm con Thiên Chúa. Và một khi tự mình chối bỏ vinh dự làm con, tất cả quyền lợi con cái sẽ không còn, và đó chính là thử thách kinh khủng nhất của con người có tự do. Ađam, Eva hay bất cứ ai cũng phải đối đầu với thử thách cam go này. Vấn đề là trước thử thách, mỗi người có kiên trì bám víu vào niềm tin là con Thiên Chúa của mình hay không?
Tin mình là con sẽ tin tình cha hải hà, bao la, vô bờ bến. Tin mình là con sẽ tin cha không bao giờ hắt hủi, bỏ rơi, quên lãng đời con luôn trót dại. Tin mình là con sẽ mang lại niềm vui tìm về lòng cha thương xót. Tin mình là con sẽ không ngần ngại, nghi ngờ, ngượng ngùng cất tiếng gọi “cha ơi, cứu con với!” khi đau khổ, yếu đuối, thất vọng, lạc lõng, cô đơn. Tin mình là con sẽ liều mạng bước đi trong đêm đen thử thách, giữa sóng gió đe dọa. Tin mình là con sẽ gắng gượng lê gót trở về, dù đường về nhà cha hun hút, thăm thẳm.
Và với niềm xác tín vào tình cha thương xót, người con hoang đàng đã sắp xếp cẩn thận những gì phải thưa với cha: “Con đã đắc tội… Xin coi con như người làm công cho cha” (Lc 15,19)…Với tâm sự van xin, anh vẫn cố tình đẩy cha đi xa trong tình phụ tử bao dung khi đề nghị trở xuống làm người làm công, mặc dù biết rất rõ: sẽ chẳng bao giờ cha nỡ chấp nhận lời xin này… nhưng anh đã tẽn tò, vì tình cha bao la đã cuốn gọn anh trong thinh lặng cứu rỗi.
[còn tiếp]
Jorathe Nắng Tím