Mùa Chay

TÁC PHẨM “ƠN TRỞ VỀ” | PHẦN I – TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA – Trở về vì khát khao hạnh phúc

TMĐP- Ta chỉ là người, và đáng gọi là người, khi biết khao khát hạnh phúc. Hạnh phúc là mục đích của đời người; là đích tới của hành trình nhân loại. Con người làm người để có hạnh phúc.

Cha mẹ sinh con để con được hạnh phúc, nên không ai sinh con với ước muốn con mình bất hạnh trong cuộc đời; cũng như không người nào đi tìm một cuộc đời bất hạnh.

Hạnh phúc là mục đích của đời người. Nó cũng là nội dung của tình yêu, vì yêu ai là hết lòng mong ước và tận lực mưu tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Người mẹ yêu con khi mơ ước con mình hạnh phúc và sẵn sàng làm tất cả cho hạnh phúc của con. Vì thế, hạnh phúc gắn chặt với tình yêu; bởi yêu hay được yêu, cả hai đều cần sự có mặt của hạnh phúc. Hạnh phúc làm nên tình yêu, bởi yêu ai là mơ và thực hiện hạnh phúc cho người ấy; cũng như  được ai yêu là ở trong khát vọng và hành động hạnh phúc của người yêu mình. Nói cách khác, không có tình yêu, nếu không có hạnh phúc; không có hạnh phúc, nếu vắng bóng tình yêu; vì cả hai gắn kết keo sơn và hòa quyện nên một  đến nỗi người ta không thể tách rời: tình yêu hạnh phúc, hạnh phúc tình yêu.

Anh con trai thứ trước đây không nghĩ đến chuyện  trở về nhà, vì còn thấy mình hạnh phúc: hạnh phúc vì có tiền, và nhờ có tiền mà  còn có người yêu mình và mình còn yêu được người ta. Có thể tình yêu ấy không tinh ròng, đích thực vì tanh tanh mùi tiền, và thoang thoảng hương thơm “lợi dụng, đào mỏ”; nhưng dẫu gì cũng vẫn đong đưa chút yêu thương tuy rất mơ hồ, phơn phớt ngoài da. Cho đến khi hết tiền, và khi “người ta bỏ ta một mình”, anh chàng mới ngộ ra một khoảng trống bất hạnh và khám phá mình không hạnh phúc.

Khám phá mình không hạnh phúc, anh chàng đã hốt hoảng, cái hốt hoảng  vì biết mình cạn kiệt khả năng, sức lực, ảnh hưởng: không còn khả thể tìm gặp hạnh phúc trong tình trạng đói khổ, khốn nạn, bị khinh chê, ruồng bỏ này. Lại một lần nữa rất may, khi anh vẫn còn giữ trong đáy hồn niềm khao khát hạnh phúc khi nghĩ đến “ở nhà cha tôi, người ăn kẻ làm được thỏa thuê, no đủ”.

Có nghĩ đến hạnh phúc đã mất mới nhận ra thảm trạng hiện tại. Có nhớ lại cảnh sung túc của nhà cha mới xót xa thân phận làm mướn chăn heo đói rách. Có so sánh, tính nhẩm khoảng xa cách biệt giữa bất hạnh và hạnh phúc, no nê và đói khổ, ấm áp và lạnh lẽo mới định vị được mình đang ở đâu và biết mình phải làm gì trước đòi hỏi cấp bách của hạnh phúc cho đời sống. Cũng vì thế, đánh mất niềm khát khao hạnh phúc vốn chỉ dành riêng cho con người, chúng ta sẽ bị coi như thua lỗ canh bạc vô cùng lớn và không gì so sánh, bù đắp, chuộc lại được, đó là hạnh phúc của đời làm người.

Nếu biến cố có khả năng đánh thức, nhắc nhở thì khát vọng hạnh phúc là động lực thúc đẩy đứng dậy và bước đi trên hành trình tìm hạnh phúc. Thế nên khi không còn mơ ước điều tốt đẹp, không còn “thèm thuồng” hạnh phúc, người ta đã mặc nhiên tự khai tử đời làm người và tự chôn vùi trong mồ sâu tuyệt vọng. Rất may người con thứ không đánh mất hy vọng, vì ở anh còn khát vọng hạnh phúc. Ơn trở về chính là ơn giữ anh trong ước mơ hạnh phúc này.

[còn tiếp]

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version