TMĐP- Tâm tình thương mến, cảm thông, và thái độ tôn trọng, cởi mở để chia sẻ, trao đổi, đồng hành, và cùng tìm kiếm chân lý chính là tâm tình và thái độ dành cho những anh em đang “có vấn đề” trong Giáo Hội.
Ý nghĩa lớn nhất của Mùa Chay là dừng lại để biết mình đang ở đâu, dừng lại để biết tình trạng của mình thế nào, dừng lại để kiểm tra đường mình đi đúng hay sai, hướng mình chọn chính xác hay lệch lạc, và kết qủa của bước dừng sẽ là tâm tình mới và thái độ mới cho một trời mới đất mới.
Thực vậy, Mùa Chay không chỉ là mùa bớt ăn bớt uống, nhưng chính yếu là mùa nhìn lại mình, trở về với mình để nhận ra những sai sót của mình đối với Thiên Chúa, với mình và nhất là với tha nhân, vì đối với người khác thế nào, ta cũng đối với Thiên Chúa như vậy, bởi chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Riêng tôi, tôi muốn dừng lại ở Mùa Chay này để tìm xem trong trái tim có còn hình bóng của những người anh em mà tôi đã chỉ trích, phê phán về lối sống đạo của họ không?
Họ là những người anh em cùng một Cha trên trời, chịu chung một phép rửa, được tác động bởi cùng một Thánh Thần và cùng là chi thể của một thân thể là Giáo Hội nhưng không biết từ lúc nào đã rơi vào tình trạng bị coi là những người Kitô hữu có vấn đề, bị giáo quyền ra vạ, bị Đấng Bản Quyền rút phép thông công …
Sở dĩ tôi tìm về hình bóng những người anh em đang ở vào tình trạng này, vì chính tôi cần tìm cho mình một tâm tình và thái độ xứng hợp với đòi hỏi của Tin Mừng trước những anh em mà ít nhiều tôi đã bày tỏ ý kiến, tình cảm và trong tương quan đã không tránh được thái độ dè dặt, ngượng ngùng, vì muốn giữ một khoảng cách an toàn.
Những người anh em này là ai?
Họ là những người anh em của tôi, vì cùng chung một đức tin, một Hội Thánh, nhưng vì một lý do nào đó đã không còn “trăm phần trăm” cùng đường với Hội Thánh, không cùng chung một nhịp bước với Đấng Bản Quyền, nghiã là tương quan giữa họ là chiên và Đấng Bản Quyền là chủ chăn bị rạn nứt, hoặc cắt đứt mà phần lớn vì không tuân phục quyền giáo huấn, khi đưa ra những ý kiến, nhận định, chọn lựa, thực hành trái với giáo lý đức tin hoặc luân lý của Tin Mừng. Và khi giáo quyền có những quyết định cứng rắn đối với những người anh em này, thì phần đông chúng tôi dễ cho phép mình nhân danh Đức Giêsu, nhân danh đức tin, nhân danh người tín hữu trung thành với Giáo Hội, nhân danh đoàn thể, giáo xứ, giáo phận, nhân danh uy tín của Hội Dòng để phân tích, phê bình, chỉ trích, lên án những người anh em từ nay phải mang nhãn hiệu “lạc giáo, ly giáo, bỏ đạo, mất đức tin”.
Như nhiều người, tâm tình của tôi thay đổi, thái độ của tôi đối với những người anh em này cũng đổi thay. Tôi không còn thân thiện giao lưu, không còn công khai quan hệ, không còn trao đổi chân thành, phần vì a dua, phần vì sợ những con mắt dòm ngó, theo dõi, canh chừng của người khác mà những người khác này có quyền và có thể làm phiền cho danh dự, uy tín, sự nghiệp, đường lên, chỗ đứng, chỗ ngồi của tôi, nhưng phần lớn vì chính tôi: vì tôi không hiền lành, không nhân hậu, không bác ái, không khôn ngoan, không cao thượng, không quảng đại, nhất là không tình nghĩa, lại hẹp hòi, qúa khích, nên không tìm đến, không lại gần, không ân cần trao đổi, và rộng mở tâm hồn đi vào đối thoại để cùng tìm chân lý với những người anh em đang ở vào hoàn cảnh bị cộng đoàn cô lập, khai trừ, xa lánh.
Như thế, tôi đã vừa vô tình vừa cố tình, vô tình vì điều kiện khách quan đưa đẩy, cố tình vì trái tim chai đá, cằn cỗi đã chọn tâm tình và thái độ lạnh nhạt, chối bỏ sự hiện diện và tương quan anh em cùng một Thiên Chúa là Cha với những anh em đồng đạo nhưng “có vấn đề đức tin”. Và hôm nay, ở trạm dừng chân Mùa Chay này, tôi muốn làm rõ với chính mình vấn đề: Là người Kitô hữu, tôi có được phép chọn tâm tình và thái độ trái với Tin Mừng không?
Tất nhiên là không, vì những người anh em này mãi mãi là anh em của tôi, và không một lý do nào cho phép tôi cắt đứt tương quan anh em với họ, bởi ấn tích của bí tích Rửa Tội không bao giờ phai nhòa trong họ cũng như trong tôi, và chúng tôi mãi mãi là anh em của cùng một Cha, chi thể của cùng một thân thể. “Như thế không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận (chi thể) đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,25-26).
Tóm lại, không thể vì người tín hữu anh em “có vấn đề với Đấng Bản Quyền” mà tôi tự cho mình quyền cắt đứt tình nghiã anh em với họ; không thể vì họ rơi vào tình thế rắc rối, khó khăn, căng thẳng với Giáo Quyền, mà tôi hùa hạp nhẩy bổ lên người họ mà xỉa xói, miệt thi, nguyền rủa, lên án; không thể vì sai phạm của riêng họ, mà tôi cô lập, tẩy chay họ khỏi đời sống chung của tập thể những người đi theo Đức Kitô, bởi những anh em này không phải đối phương, kẻ thù của tôi, nhưng là anh em, con cùng một Cha trên trời do chung một Phép Rửa. Và ngay cả với kẻ thù, Thiên Chúa cũng đòi tôi phải yêu thương: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44), huống hồ những anh em này là anh em trong Chúa của tôi …
Tôi xin được đồng hành với họ như “người ăn xin” trên đường đi tìm Chân Lý:
Không ai nắm trọn chân lý, chỉ một mình Đức Giêsu mới là Chân Lý, nên trong số những người được Đức Giêsu cầu xin ơn tha thứ, khi ngước mắt nhìn Chúa Cha thều thào: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết chúng làm” chắc chắn có tôi, vì nhiều tội lỗi tôi phạm đã vì không nắm được sự thật về Chúa, về người khác, và về bản thân mình, bởi nếu biết rõ tình yêu cứu độ của Chúa, biết rõ giá trị của người khác, biết rõ phẩm giá của mình, chắc tôi đã tránh được nhiều sai trái, lỗi lầm xúc phạm Thiên Chúa, làm tổn thương anh em, và hạ thấp giá trị của mình.
Cũng vì thế, tôi không dám mạnh miệng nắm chắc mình sẽ đứng mãi trong hàng ngũ “năm cô trinh nữ khôn ngoan vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”, để khi chàng rể đến trễ, các cô vẫn có đủ dầu để thắp sáng đèn mình ra đón chàng rể vào phòng tiệc, trong khi năm cô khờ dại “mang đèn mà không mang dầu theo”, nên phải chạy đi mua dầu khi chú rể đến, nhưng khi mua được dầu rồi, thì rất tiếc cửa phòng tiệc đã đóng chặt (x. Mt 25, 1-13).
Đó là lý do tôi chỉ dám xin được làm người ăn xin trên hành trình đi tìm Thiên Chúa cùng với những người anh em cũng đang thao thức, trăn trở, băn khoăn trước những vấn nạn đức tin, như người lữ khách mò mẫm tìm đường giữa đêm đen, trong đường hầm, bởi khi là người ăn xin, tôi sẽ không trao đổi với họ như kẻ có quyền, nhưng như người có tình; không nói với họ bằng ngôn ngữ của kẻ cả, người trên, nhưng trình bầy những đúng sai, thật hư với tiếng nói của tình huynh đệ. Và điều quan trọng phải liên lỷ thực hiện là cùng cầu nguyện với anh em tôi.
Tôi sẽ cùng anh em đang chịu thử thách xin Chúa là ánh sáng, là người dẫn đường, chỉ lối cho chúng tôi đến được nhà Ngài. Chúng tôi tin Ngài sẽ chạnh lòng thương cho đám ăn xin túng bấn là chúng tôi những chai đầy dầu để đèn đức tin trên tay chúng tôi được thắp sáng trong đêm đen cuộc đời, khi chúng tôi cùng khiêm tốn cất tiếng nài xin Ngài:
Lạy Chúa là Chân Lý, xin thắp sáng tim chúng con một chút gì là thật, một chút gì của Chúa để không gì có thể làm tắt đèn sáng trong tim chúng con, kể cả thất bại, sợ hãi, gánh nặng thời gian, và chân chúng con sẽ không mệt mỏi cùng anh em đi tìm Chúa.
Lạy Chúa là đường ngay nẻo chính, xin cho mắt chúng con lung linh chút gì là trong sạch, một chút gì là của Chúa, để không gì có thể bịt mắt chúng con, dù là bất hạnh của quá khứ, áp lực của hiện tại, đe dọa của tương lai, và cái nhìn của chúng con từ nay luôn lan toả trên đường chúng con đi ánh sáng cứu độ của Chúa.
Lạy Chúa là tình yêu, xin sưởi ấm bàn tay chúng con bằng chút lửa nhân hậu, một chút gì của Chúa, để không gì có thể làm nguội nhiệt huyết của tâm hồn chúng con, nhưng từng chút, từng chút, đôi tay chúng con biết mở ra, giang rộng tiếp đón mọi người.
Lạy Chúa là sự sống, xin đốt nóng đời sống chúng con bằng chút gì tốt đẹp, một chút gì là của Chúa, để không gì có thể thổi tắt được niềm vui sống và hạnh phúc đồng hành với anh em trên đường thực hiện những giấc mơ tuyệt vời của Chúa.
Quả thực, chỉ khi mang lấy tâm tình và thái độ của người ăn xin cùng với anh em trên đường đi tìm Đức Giêsu là Sự Thật của Thiên Chúa, tôi mới thấy mình được bình an, vì nhận ra mình cũng “thiếu Thiên Chúa”, như bao nhiêu người, và vì mỏng dòn, yếu đuối, nên tình trạng “ mang đèn mà quên mang dầu ” luôn có thể xẩy đến cho tôi.
Vì thế, tâm tình thương mến, cảm thông, và thái độ tôn trọng, cởi mở để chia sẻ, trao đổi, đồng hành, và cùng tìm kiếm chân lý phải là tâm tình, và thái độ dành cho những anh em đang “có vấn đề” trong Giáo Hội, mà Chúa muốn tôi phải sống, bởi chỉ với tâm tình và thái độ của Tin Mừng, tôi mới thực sự là chứng nhân đức tin giữa anh em tôi, là hạnh phúc của đức ái và niềm vui của hy vọng cho những người anh em đang cần được nâng đỡ bởi chính anh em mình.
Jorathe Nắng Tím
Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!