TMĐP- Thiên Chúa có đường lối và giải pháp cho mọi vấn đề của Giáo Hội. Phần chúng ta, hãy sống lòng thương xót đối với anh em đang gặp khó khăn, khủng hoảng đức tin, và “tha thiết duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội” (Ep 4,3).
Đến hôm nay thì các clip “Tiếng Nói Sự Thật” của Nhà Chúa Cha Bảo Lộc đã lên đến con số 195, một con số tương đối lớn, và đã đủ để được nhiều người quan tâm chú ý, nhận định, phê phán, và bày tỏ thái độ.
Có rất nhiều thái độ tùy theo quan điểm, góc nhìn, lập trường và cả cảm tính. Ở đây, người viết xin nêu ra một số thái độ gặp được trên các trang mạng, và mạo muội tản mạn về những thái độ khác nhau, có khi trái chiều và đối nghịch này.
Có thái độ bàng quan, miễn bàn tới, để khỏi nhức óc, nhức đầu, vì cho rằng đây là chuyện của một số nhỏ chức sắc trong Giáo Hội, rảnh rang, nên kiếm chuyện quậy cho vui nhà vui cửa để xả những bức xúc, bất mãn từ lâu bị dồn nén do cơ chế nặng nề, ngột ngạt, hở ra là nhân danh “thần quyền tuyệt đối và vâng phục tối mặt” ; có thái độ khinh miệt, đánh giá thấp, khi cho rằng đây chỉ là một nhóm mụ mị, đồng bóng, mê tín, ảo tưởng, nhiều tham vọng; có thái độ “cha chú, kẻ cả” cho rằng đây chỉ là chuyện của đám trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới”, chuyện của đàn bà nhẹ dạ, dễ tin .
Những thái độ trên cùng đi đến chung một chọn lựa là “không cần phải can thiệp, cũng chẳng phải quan tâm tìm phương án giả quyết, vì tự nó sẽ mất đi theo nguyên tắc: tự sinh tự hủy, tự phát tự biến. Số người chọn thái độ và chọn lựa hành động trên chiếm khoảng một phần ba, gồm đủ mọi thành phần trong dân Chúa.
Bên cạnh là thái độ hùng hổ, kiên quyết diệt trừ tận gốc, vì cho rằng càng dung túng, phong trào càng lan rộng, kiểu vết dầu loang; càng nương tay, Nhà Chúa Cha càng được đà phát triển, lấn lướt, bao trùm.
Dưới mắt những người thuộc hàng ngũ “diều hâu quyết chiến” này thì “Nhà Chúa Cha” là tổ qủy gồm những người bỏ đạo, đầu quân làm việc cho Xatan, vâng phục Xatan đội lốt “thiên chúa”. Những ông cha, bà sơ, tín hữu tụ tập xì xụp khấn vái, ăn chay, rồi trừ tà trừ qủy cho nhau, chữa bệnh này bệnh nọ, tất thảy đều mượn quyền lực của Xatan để lừa bịp, phỉnh phờ hầu tạo nên một giáo phái mới, tách rời công giáo, khởi đi từ thái độ bất tuân phục, chống lại Giáo Quyền và tung ra những mặc khải mới trái nghịch giáo lý đức tin của Giáo Hội tông truyền.
Theo khuynh hướng khai trừ, loại bỏ này, thì thành viên Nhà Chúa Cha là những người “mất đức tin”, không còn là Kitô hữu, cũng không còn là người “quân bình tâm lý”, nhưng đơn giản đã trở thành qủy. Vì thế, không có mẫu số chung giữa nhóm này với cộng đồng dân Chúa, và người có đạo không thể “đội trời chung” với đám chống Thiên Chúa, bất tuân phục Giáo Quyền này, và chọn lựa là trục xuất, ra vạ cấm chế, treo chén, huyền chức, rút phép thông công, tẩy chay, loại bỏ, tăng dần mức độ hình phạt, và phải tận diệt càng sớm càng tốt, để giảm bớt hậu họa, ảnh hưởng xấu cho đoàn chiên ngoan ngùy, đạo hạnh.
Số người có thái độ cứng rắn, quyết liệt và không nhân nhượng này chiếm đa số, qua tìm hiểu những ý kiến, đề nghị của cư dân mạng.
Thực ra, không mấy khó hiểu trước những thái độ của nhiều người tín hữu trước hiện tượng Nhà Chúa Cha. Không khó hiểu, vì nếu nhìn Giáo Hội như một tổ chức đảng phái, thì bất cứ đảng viên nào bất tuân chỉ thị, nội quy của đảng sẽ bị kiểm điểm, chịu kỷ luật tùy theo mức độ nặng nhẹ; đảng viên nào âm mưu phản đảng, hay công khai chống đảng lập tức sẽ bị khai trừ, lên án, xử lý hợp pháp hoặc bí mật thủ tiêu nếu cần, để tránh phản ứng bất lợi của quần chúng; đảng viên nào yêu thích tự do, phóng túng, không chịu ép mình vào khuôn khổ của đảng, đặt mình dưới cơ cấu kiểm sóat chặt chẽ của đảng sẽ nhanh chóng bị đảng xóa tên, thu hồi thẻ đảng, trục xuất khỏi đảng.
Cũng vậy, khi Giáo Hội được nhìn từ góc nhìn cơ cấu đảng phái, tổ chức phe nhóm thuần túy con người, thì thái độ cứng rắn lên án, khai trừ, hay thái độ lạnh lùng tẩy chay, nhẫn tâm lọai bỏ đương nhiên là thái độ không thể tránh, vì được coi là chọn lựa hợp lý, thức thời và cần thiết để bảo vệ sự trường tồn của cơ cấu, đảng phái.
Cũng rất đơn giản để lý giải thái độ dửng đưng, hờ hững, lãnh đạm của không ít giáo dân trước vấn đề, nếu lăng kính được dùng để nhìn Giáo Hội như một đoàn lũ “người này đứng bên người kia, người này đi bên người nọ”, tuy đi cùng nhưng không gắn bó, thân thiết; tuy bên cạnh, nhưng không ai quen ai, không nhà nào biết nhà nào, theo kiểu “nhà ai nấy sống” ở các thành phố lớn, trong các chung cư, thì thái độ bàng quan, “đạo ai nấy giữ”, thiên đàng, hoả ngục, ai lên ai xuống mặc ai, không việc gì phải quan tâm được coi là chọn lựa phù hợp với trào lưu xã hội thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, nên sẽ chẳng có gì phải ầm ĩ, hay tạo thành chấn động đức tin cho bản thân.
Còn một lý do khác dẫn đến thái độ xa lạ, “đứng ngoài cuộc ” trước sự kiện Nhà Chúa Cha, đó là tinh thần gắn bó với Giáo Hội, cũng như hiểu biết giáo lý chưa đạt đến mức độ tối thiểu cần phải có để sống đạo, nên thiết tưởng không có gì khó hiểu trước thái độ “vô can, vô cảm” khi vấn đề được đặt ra.
Đứng trước những thái độ trên, không nói bạn đọc cũng thừa hiểu, đó là những thái độ không phù hợp với ý muốn của Đức Giêsu, không phù hợp với giáo lý đức tin của Hội Thánh, nên dù muốn dù không, người Kitô hữu chúng ta cũng cần tái khám phá căn tính Kitô hữu của mình, để chọn một thái độ xứng hợp; cần một lần nữa tìm về chỗ đứng của mình trong Giáo Hội để có lựa chọn xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu: chi thể trong thân thể duy nhất của Đức Kitô: “Thật vậy ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr 2,12-13).
Đây không phải là lý thuyết suông, nhưng là một mầu nhiệm: mầu nhiệm Giáo Hội, vì Giáo Hội trước hết và trên hết là một Thân Thể: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27), như Đức Giêsu đã quả quyết: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5).
Vì cùng là chi thể của một thân thể duy nhất, nên “các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,26).
Từ mầu nhiệm Giáo Hội là Thân Thể duy nhất có Đức Kitô là Đầu, và mọi thành phần dân Chúa là chi thể của Thân Thể, chúng ta sẽ không còn nhìn Giáo Hội như một tổ chức thuần túy thế tục, như đảng phái, phe nhóm, đoàn thể, phong trào, mà thành viên không gắn bó thiết thân với nhau như các bộ phận của một thân thể cùng được nuôi bằng một dòng máu, cùng sống một sư sống, cùng sinh hoạt vì chung một Đầu, và thái độ chúng ta đối với nhau cũng từ đó được thay đổi cho phù hợp với ơn gọi Kitô hữu.
Ơn gọi đó không riêng lẻ cho một người, nhưng là tất cả “chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,5); ơn gọi, ở đó tất cả được trở nên nghiã tử nhờ Thần Khí: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16); ơn goi trở thành anh em với nhau, vì có cùng một Cha trên trời (x. Mt 6,9).
Một khi xác tín Giáo Hội là Thân Thể và tất cả chúng ta, dù xấu hay tốt, thánh thiện hay tội lụy, giáo hoàng hay giáo dân, lớn hay nhỏ, thông thái hay dốt nát, khỏe mạnh hay yếu đau, phi thường hay tầm thường, sốt sắng, đạo đức hay khô khan, nguội lạnh … đều gắn bó hiệp thông với nhau, vì chung một Thân Thể, chúng ta sẽ không còn khư khư giữ thái độ tỉnh bơ, vô can, vô trách nhiệm, hay hung hăng càn quét, truy diệt, khi người anh em giở giọng bất mãn, hay trở mặt bất tuân phục, đòi cải tổ, đổi mới Giáo Hội.
Mầu nhiệm Thân Thể còn cho phép những chi thể yếu đuối được nâng đỡ bởi những chi thể khỏe mạnh, như thánh Phaolô khuyên nhủ : “Anh em hãy đón nhận người yếu đức tin (Rm 14,1), vì “bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh.. ” (Rm 15,1). “Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rm 14,13).
Thánh Tông Đồ dân ngoại thực là bậc thầy giáo lý đức tin vĩ đại, khi ngài cho chúng ta thấy trách nhiệm liên đới của mọi người trong Giáo Hội, và độc đáo hơn khi cảnh giác chúng ta đừng vội vàng, hồ đồ xét đoán nhau, vì những xét đóan vô trách nhiệm và thiếu đức ái có thể trở thành nguyên nhân làm cho người anh em “đang yếu đuối” đi đến mất đức tin, bỏ hẳn Giáo Hội, tự tách khỏi cộng đoàn, tự lìa khỏi thân cây, để trở thành “cành nho khô héo” bất hạnh (x. Ga 15,6); vì những xét đoán gay gắt, sắt máu, nồng nặc mùi tử khí “chém chặt, loại bỏ, khai trừ ” sẽ là cớ cho anh em đang yếu trở nên yếu hơn, đang chao đảo phải sụp đổ, nếu còn chênh vênh sẽ phải gục ngã, và chúng ta phải mang trách nhiệm về những xét đoán đã “gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” này.
Là bậc thầy vĩ đại trong đức tin, thánh nhân đã trải nghiệm những khó khăn về giáo lý đức tin trong các cộng đoàn tín hữu, nên những lời khuyên nhủ của ngài có một giá trị không thể phủ nhận.
Ngoài việc cẩn trọng trong xét đóan, thánh tông đồ còn khuyên chúng ta: “Nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dậy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,1-2), nhất là “đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” ( Rm 12,21), mà sự ác lớn nhất sinh ra muôn vàn sự ác khác đó là “ác độc đối với chính anh em “máu mủ, ruột thịt” trong đức tin của mình”, một sự thật đau lòng còn đậm nét trên những trang sử của Giáo Hội.
Trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô viết từ nhà tù, hơn bao giờ hết, thánh Phaolô với tâm tình tha thiết của người thầy đã viết: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng đáng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sư hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,1-6).
Qua đó, ngài cho chúng ta thấy: ơn gọi của người Kitô hữu là hiệp nhất nên một với nhau trong Đức Giêsu, Thiên Chúa, như ý muốn của chính Đức Giêsu: “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21), nên bổn phận hàng đầu của người Kitô hữu là “thiết tha duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội”, bởi không hiệp nhất, Giáo Hội không còn là dấu chỉ sống động của Đức Kitô cho muôn dân (x. Ga 13,35).
Tóm lại, trong mọi hoàn cảnh, người Kitô hữu đều được kêu gọi hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô, vì căn tính Kitô hữu chính là chi thể sống động của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh của Ngài. Cụm từ “trong mọi hoàn cảnh” ý nói “lúc thuận tiện, cũng như lúc không thuận tiện”, hãy tìm mọi cách duy trì sự hiệp nhất để lời rao giảng trở nên thuyết phục, khả tín, bởi không hiệp nhất, vì không yêu thương, chúng ta không thể làm chứng Đức Kitô, Đấng Cứu Độ nhân hậu, giầu lòng thương xót. Cũng vì lẽ đó, thánh Phaolô đã ân cần căn dặn môn đệ Timôthê của ngài: “Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2Tm 4,5). Chức vụ gìn giữ và phát triển sự hiệp nhất trong dân Chúa mà thánh Phaolô nói tới chính là chức vụ đòi khôn ngoan, thận trọng khi xét đoán, phân định, và nhẫn nại chịu đựng đau khổ do những yếu đuối, thiếu sót, lầm lạc của đoàn chiên.
Quả thực, nếu chúng ta chân nhận: tất cả đều là chi thể của cùng một thân thể, thái độ của chúng ta đối với người anh em yếu đuối, lầm lạc sẽ không còn hung hăng, sắt máu, qúa khích, cực đoan cố đẩy người anh em mau chóng ra khỏi Giáo Hội; sẽ không bao giờ là thái độ kịch liệt công kích, khích bác để làm cớ cho người anh em “có vấn đề với Giáo Hội” sớm bị loại bỏ, mau chóng bị khai trừ khỏi nhà Hội Thánh, nhưng với tấm lòng “thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại ”, chúng ta sẽ được chính Thần Khí Tình Yêu dậy bảo phải làm gì, và sẽ được Thần Khí đổ đầy sức mạnh của Tình Yêu để “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), vì “Đức Mến không bao giờ mất được”, nên không chi thể nào của Thân Thể Đức Kitô sẽ phải hư mất, nếu được các chi thể khác hiệp thông “cầu thay nguyện giúp”, và cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ, vì đó là ý muốn của Đức Giêsu, và là điều đẹp lòng Ngài.
Vâng, nếu chúng ta tin vào ơn gọi Kitô hữu của mình, tin vào ơn phù trợ của của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hoạt động trong Giáo Hội, tin vào lệnh truyền “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), tin vào sức mạnh của Hiệp Thông Cầu Nguyện, tin vào đức tin của Hội Thánh Chúa, thì thái độ được thánh Tông Đồ dân ngoại đề nghị, cũng như những chia sẻ kinh nghiệm về cộng đoàn đức tin của ngài sẽ không bị coi như thái độ mị dân, hèn nhát, trốn chạy, tránh né vấn đề, không tưởng, bất khả thi, bởi một lần nữa, chúng ta đừng quên: căn tính của Giáo Hội không là đảng phái, cơ chế thế gian, cơ cấu tổ chức của nhân loại được đánh giá bằng những con số rời rạc, lên xuống trên biểu đồ lạnh lùng, vô cảm, nhưng là Thân Thể của Đức Kitô mà tất cả chúng ta là những chi thể sống động của Thân Thể mầu nhiệm này, nên một chi thể bị thui chột, hư đi là cả Thân Thể mất mát, đau đớn; Giáo Hội còn là Hiền Thê yêu dấu của Đức Kitô được Ngài gìn giữ, bảo vệ và không ngừng “thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 26-27).
Vì thế, Thiên Chúa có đường lối và giải pháp cho mọi vấn đề của Giáo Hội. Phần chúng ta, hãy sống lòng thương xót đối với anh em đang gặp khó khăn, khủng hoảng đức tin, và “tha thiết duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội” (Ep 4,3).
Ước gì, tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta bước tới, với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ Giáo Hội trên đường tiến về Hiệp Nhất trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống, điều kiện nào.
Jorathe Nắng Tím
Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!