TMDP- Xin Chúa ban cho chúng con ơn sống khiêm nhường để có thể yêu thương, tha thứ như Chúa dạy.
Tâm điểm của các bài đọc phụng vụ chúa nhật này là câu hỏi Phêrô đã đặt ra cho Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18,21).
Đặt câu hỏi với Đức Giêsu, Phêrô đã thay chúng ta bộc lộ tâm trạng bứt rứt, khó xử của mình, khi ai đó cứ thản nhiên xúc phạm đến mình, và mình không biết phải tha thứ cho người ấy bao nhiêu lần nữa, và đến khi nào mới đủ, mới xong?
Như chúng ta, Phêrô hy vọng Đức Giêsu sẽ quy định rõ ràng, chính xác: tha thứ bao nhiêu lần là đủ, tha thứ trong một thời gian nào là xong. Vì nghĩ như thế, nên ông đã không ngần ngại đề nghị “có phải bảy lần không?” như số lần tối đa mà một người có thể tha thứ cho kẻ xúc phạm, làm tổn thương mình.
Nhưng Đức Giêsu đã không dừng lại ở con số 7, như số lần tối đa được Phêrô đề nghị, mà đã làm ông giật mình khi trả lời ông: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).
Bảy mươi lần bảy xác định con số vô tận của những lần phải thứ tha, bảy mươi lần bảy nói lên đòi hỏi vô giới hạn của tha thứ, bảy mươi lần bảy khẳng định tính không biên giới của lòng độ lượng, bao dung. Qua đó, Đức Giêsu cho chúng ta hiểu rằng khả năng tha thứ của người môn đệ phải đạt đến mức siêu nhiên, nghĩa là vượt qua tất cả mọi rào cản, giới hạn của phàm nhân để có thể yêu người như Thiên Chúa yêu, tha thứ cho người như Thiên Chúa tha thứ, vì đây là cốt lõi của Kitô giáo, là căn tính của người có đạo, là dấu chỉ duy nhất của người môn đệ Đức Giêsu, là ơn gọi và sứ vụ của người được sai đến với muôn dân, muôn nước.
Vì tha thứ là cao điểm của yêu thương, nên chỉ những ai thuộc về Chúa, nghiã là “không sống cho chính mình, cũng không chết cho chính mình, nhưng có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa, nên dù sống, dù chết, vẫn thuộc về Ngài”, họ mới có thể tha thứ như Chúa, yêu thương như Chúa, mà không khinh khi, xét đoán, lên án, cầm buộc người anh em (x. Rm 14,7-10).
Vì tha thứ là cuộc Vượt Qua vô cùng cam go, vì là vượt qua chính mình, vượt qua cái tôi ích kỷ, cao ngạo, kiêu hãnh, thích được chúc tụng, ngợi khen, mê man uy quyền, danh vọng, nên rất khó tha thứ cho người làm mất uy tín, danh thơm tiếng tốt của mình, rất khó bỏ qua lỗi lầm của kẻ làm tổn thương, xúc phạm “cái tôi bất khả xâm phạm , nên chỉ những tâm hồn khiêm tốn biết mình đã được và mãi mãi cần được Thiên Chúa thương xót thứ tha, mới có thể tha thứ cho anh em như Chúa đã tha thứ cho mình; chỉ những trái tim khiêm nhường ý thức cội nguồn tro bụi yếu đuối, mỏng dòn, dễ đổi thay, hay quay xe phản bội của mình mới hiểu được giá trị cứu độ của hành động tha thứ vô điều kiện cho người làm khổ mình; và chỉ những người dám chân thành đối diện con người thật với những góc khuất tội lỗi, những mảng đen bê bết, tồi tệ của mình mới có thể nhận ra tha thứ là điều kiện tất yếu để được Thiên Chúa thứ tha trong ngày chung thẩm, như người đầy tớ mắc nợ không có lòng thương xót đã bị tôn chủ nặng lời quở trách trong Tin Mừng: “Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33).
Quả thực, hơn ai hết, tông đồ trưởng Phêrô là người thấm thía sâu sa giá trị của tha thứ và hạnh phúc được thứ tha, bởi ông là người đã hỏi Đức Giêsu: “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?”, nhưng cũng chính ông là người đã được Đức Giêsu tha thứ rất nhiều và tkhông ngần ngại hay do dự trao cho ông trọng trách chăm sóc đoàn chiên của Ngài (x. Ga 21), mặc dù ông đã phản bội Ngài, khi nhiều lần công khai lên tiếng chối không biết Thầy mình là ai (x.Mt 26,69-75).
Xin Chúa ban cho chúng con ơn sống khiêm nhường để có thể yêu thương, tha thứ như Chúa dạy, và đừng bao giờ quên: Thiên Chúa chỉ tha thứ cho những ai có lòng yêu thương, tha thứ cho anh em mình, để khi Chúa trở lại trong vinh quang, chúng con không rơi vào hoàn cảnh bi đát và số phận bị loại trừ của người đầy tớ không có lòng xót thương mà Đức Giêsu đã nói tới: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Jorathe Nắng Tím