Cảm thức

“THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ !”| Suy tư về Kinh nghiệm “đêm đen thử thách” của người dân Ukraina

Chính vì là thân phận bụi tro, Thiên Chúa đã dủ lòng xót thương xuống thế ở cùng để thân yếu đuối, phận mỏng dòn không phải lo âu, tuyệt vọng, khi không ngừng trấn an chúng ta:Thầy đây! Đừng sợ

Kinh nghiệm không còn biết trông cậy ai, không còn trông cậy được vào ai, không còn dám trông cậy  ai là kinh nghiệm của mỗi người, khi rơi vào những tình huống bế tắc, hoàn cảnh nghiệt ngã, thế bí, đường cùng trong cuộc sống và ở cuối  đường đời, đối diện với sự chết, “dựa lưng nỗi chết” sẽ  là tình trạng hoảng sợ, hoang mang, khi không còn ai để trông cậy, không còn ai để bám víu, vì tất cả đều bó tay, bất lực nhìn thần chết ngạo nghễ đến gần lấy đi sự sống.

Kinh nghiệm hoang mang, hoảng sợ trên chính là “đêm đen thử thách” người dân Ukraina đang phải sống những ngày này, kể từ khi nhà độc tài Putin ra lệnh đổ quân xâm lăng, chiếm đóng bất hợp pháp quốc gia láng giềng vì tham vọng thống trị, và cũng là kinh nghiệm người dân Việt  dù ở chiến tuyến nào đã trải qua những năm dài chiến tranh.

Thực vậy, khi đất nước bị xâm chiếm, nhân dân bị bắt làm nô lệ, chư hầu, nhà cửa, ruộng vườn, tài nguyên bị tàn phá, trưng thu, gia đình tan tác, chia cắt, con cái bị đẩy vào  đường hầm  tăm tối của “ngày mai không tương lai”, nhất là khi tự do và quyền sống của con người  không còn được tôn trọng, bảo vệ, thì “sống  sẽ chẳng khác sống một cái chết được triển hạn”, bởi  không niềm hy vọng “được cứu sống”.

Các môn đệ của Đức Giêsu cũng không được miễn trừ kinh nghiệm đắng đót này, dù các ông ở ngay bên cạnh Đức Giêsu, đêm ngày ở gần kề Thiên Chúa làm người. Bằng chứng là “hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ:  “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”…Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, đưa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 35-38).

Một lần khác, Đức Giêsu không đi cùng các môn đệ, nhưng bảo các ông “xuống thuyền qua bờ bên kia trước” (Mt 14,22). Còn Ngài thì “lên núi một mình cầu nguyện” (Mc 14,23). Khi thuyền của các môn đệ “đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió”, thì Đức Giêsu “đi trên mặt nước mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên” (Mc 14, 24-26).

Qua hai trình thuật của Tin Mừng, chúng ta thấy thương các môn đệ, và cũng thương những người anh em đang gặp thử thách không chỉ trong bão tố bom đạn, mà còn giữa muôn vàn thách đố đủ loại khác, đồng thời thương cả chính chúng ta , vì đã là con người, không ai dám nói mình không biết sợ, chẳng ai dám to gan “xưng hùng xưng bá”, và lì lợm thách thức thần chết, mặc dù bên ngoài, trước mặt mọi người có thể tỏ ra không sợ, bởi “làm khiếp đảm, sợ hãi, làm  căng thẳng, khủng hoảng, làm sụp đổ tinh thần con người” chính là bản chất và khả năng cố hữu của sự chết.

Chiều hôm qua ngày 1 tháng 3 năm 2022, để kết thúc bài diễn văn trực tuyến  trước Quốc Hội Âu Châu, tổng thống trẻ tuổi Ukraina, ông Volodymyr Zelensky   trước sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể các dân biểu Âu Châu và  với niềm hy vọng vào chiến thắng của Chân Lý và tinh thần tương trợ giữa các quốc gia đã  xúc động tuyên bố: “Sự Sống sẽ chiến thắng sự chết, và Ánh Sáng sẽ chiến thắng bóng tối”.

Sở dĩ vị tổng thống anh hùng Zelensky của một dân tộc Ukraina qủa cảm đã nói lên được chân lý trên, vì tâm hồn ông tràn đầy hy vọng vào sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự chết, và địa ngục bằng chết trên Thánh Giá, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,54-55).

Riêng với người Kitô hữu, qua sứ điệp Tin Mừng, Đức Giêsu muốn chúng ta tin vào Ngài, trông cậy vào  Ngài, như Ngài đã gọi chúng ta đi theo một mình Ngài, mà không đi theo môt ai khác, hay theo bất cứ “lý thuyết, chủ nghĩa, đảng phái, tố chức” nào.

Thực vậy, nếu Đức Goêsu đã gọi các môn đệ: “Hãy theo tôi!”(Mt 4,19) bên biển hồ Galilê, thì khi các ông hoảng hốt, sợ hãi trước sóng gió dữ dội tưởng chừng thuyền sắp chìm  và mạng sống các ông sắp bị lấy đi, cũng như khi các ông hoang mang tưởng Ngài là ma và sợ hãi la lên, Ngài cũng bảo các ông: “Thầy đây! Đừng sợ” (Mt 14,27), mà không bảo các ông dựa vào ai, hay thế lực nào khác, vì chỉ mình Ngài mới thực “là Tình Yêu” (1 Ga 4,8), là “Đường, Sự Thật” (Ga 14,6), “Sự Sống lại và Sự Sống” (Ga 11,25), nên Ngài đã không nói: sóng gió có dấu hiệu sắp êm, anh em đừng sợ, nhưng quả quyết “Thầy đây! Đừng sợ”, nghĩa là chính Ngài là Bình An, là bến đỗ an toàn, là bảo đảm tuyệt đối của chúng ta trong mọi thử thách, và việc chúng ta phải làm, cần làm là chạy tìm Ngài với lòng trông cậy, phó thác, như các môn đệ đã đánh thức Ngài và nài xin Ngài cứu giúp giữa phong ba, bão táp (x. Mc 4, 38).

Như thế, chúng ta được an tâm, vì có Đức Giêsu là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23), và ở với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nên chúng ta không phải hoảng sợ, kinh hãi trước mọi đe dọa, kể cả những đe dọa của  người có quyền trong Giáo Hội, nhưng không sống theo đường lối của Thiên Chúa.  Họ là những người  được tuyển chọn để yêu thương và phục vụ Dân Chúa, nhưng thoái hoá thành những kẻ kiêu căng thống trị, tìm vinh quang cá nhân và ra sức lợi dụng Dân Chúa để hưởng thụ.

Đây là thử thách cam go, khó vượt qua, vì là đe dọa lớn lao và nặng nề niềm tin, khi chúng ta bị giằng co giữa môt Giáo Hội tinh tuyền của Đức Giêsu và những người lãnh đạo không xứng đáng. Bằng chứng là trong lịch sử Giáo Hội và ngay bây giờ vẫn không thiếu những người thuộc hàng ngũ “chăn dắt đoàn chiên” đã không trung thành với sứ vụ Mục Tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, nhưng biến thái thành người chăn thuê, kẻ trộm cướp làm khó, làm khổ, trấn áp, trấn lột đoàn chiên.

Do đó, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, nhất là khi phải đứng trước những lạm dụng thần quyền của những thợ chăn thuê, kẻ trộm cướp không sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, nhưng làm chiên hoảng hốt, chạy tán loạn, bị sói vồ, mà Tin Mừng Gioan đã mô tả (x. Ga 10, 12), chúng ta phải phân định và xác tín: chỉ một mình Đức Giêsu mới là Đấng chúng ta đặt trọn niềm hy vọng, một mình Đức Giêsu mới giải thoát chúng ta khỏi bóng tối sợ hãi, và quyền lực của hỏa ngục, vì Ngài luôn có mặt với chúng ta và nói với chúng ta: “ Thầy đây! Đừng sợ”, bởi không tuyệt đối tin tưởng Đức Giêsu, không trông cậy vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nghi ngờ Chân Lý đức tin, nghi ngại sự thánh thiện, tinh tuyền của Giáo Hội như Hiền Thê của Đức Giêsu (x.Ep 5,25-27), và ngờ vực công trình Cứu Độ của Thiên Chúa để rồi tuyệt vọng như môn đệ Giuđa: bỏ Chúa, bỏ anh em, một mình đi tự tử.

Tóm lại, với người Kitô hữu, sóng gió thử thách sẽ không chỉ ở ngoài Giáo Hội, như thảm cảnh chiến tranh mà đất nước Ukraina đang gánh chịu đã do kẻ xâm lược từ bên ngoài đem vào, mà còn ngay trong lòng Giáo Hội, do chính người của Giáo Hội gây ra, như những vụ ấu dâm của một số người có thánh chức và quyền lãnh đạo trong Giáo Hội từ nhiều năm qua đã bị vạch trần và gây bao nhiêu thương tích trầm trọng trên Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh, mà chúng ta là chi thể.

Qua những dòng chia sẻ trong ngày thứ Tư Lễ Tro, người viết mạo muội gửi đến quý Bạn tâm tình của thân tro bụi biết mình yếu đuối, mong manh, dễ tan, dễ vỡ, nên chẳng cần giông bão cấp bẩy, cấp tám, bom tấn, tên lửa tầm nhiêt, hay đầu đạn nguyên tử mới tiêu diệt được, mà chỉ  “một cơn gió thoảng cũng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (x. Tv 102,15-16). Nhưng  chính vì là thân phận bụi tro, mà Thiên Chúa đã dủ lòng xót thương xuống thế ở cùng để thân yếu đuối  không phải sợ hãi, phận mỏng dòn không phải lo âu, kiếp bọt bèo không phải tuyệt vọng, khi không ngừng âu yếm trấn an chúng ta: “Thầy đây! Đừng sợ” khi biển đời dậy sóng; “Đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì” (Mt 10, 19), khi bị người đời bạc đãi, bắt bớ, tra hỏi ; “Đừng sợ, nhưng hãy tin vào tôi” (Mc 5, 36) khi cầu xin; “Đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,15), khi nghi nan, chao đảo, khủng hoảng ; và  qua  trung gian thiên sứ, Đức Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta như đã nói với Maria Mácđala và hai bà khác  vào buổi sáng  Phục Sinh, là “ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời vừa hé mọc, khi các bà ra mộ” (Mc 16,2): “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31).

Jorathe Nắng Tím     

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version