Có một thời, dân Do Thái không chấp nhận chân lý “Thiên Chúa cứu chuộc hết mọi người”, vì với họ, Đấng Cứu Thế mà họ trông đợi sẽ không đến cứu mọi người, nhưng chỉ đến để cứu những ai thuộc về dân tộc được tuyển chọn là Ítraen. Vì thế, não trạng cực đoan khép kín, khoanh vùng, kỳ thị dân ngoại đã ngấm sâu trong tâm hồn người Do Thái từ bao đời đến độ cả ngôn sứ cũng không dễ dàng gột rửa, điển hình là ngôn sứ Giôna.
Ông Giôna được coi là ngôn sứ, vì ông được Thiên Chúa gọi và sai đi: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã thấu tới Ta” (Gn 1,2).
Trước bài sai đến Ninivê, thành phố lớn của dân ngoại, Giôna đã tìm cách “tránh nhan Đức Chúa” bằng trốn xuống tàu đi Tácsít (x. Gn 1,3).
Khi quyết định không tuân lệnh Đức Chúa, Giôna đã không nói lý do từ chối, hoặc vì mình “còn quá trẻ con, không biết ăn nói” như ngôn sứ Giêrêmia (x. Gr 1,6), vì ngọng nghịu “cứng miệng cứng lưỡi” như Môsê (x. Xh 4,10), hoặc như ngôn sứ Isaia đã nhận mình tồi tệ bất xứng và hốt hoảng thốt lên khi được Thiên Chúa gọi: ” Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh” (Is 6, 5); trái lại Giôna đã tránh né không đề cập đến lý do ông từ chối bài sai đến với dân ngoại.
Tại sao vậy? Thưa, vì ông biết lý do ấy không chính đáng và nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa. Phải chờ cho đến khi toàn thể dân thành Ninivê, nhờ lời tuyên cáo của ông, đã “tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô từ người lớn đến trẻ nhỏ … Người và súc vật không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước… nhưng phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa . Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình ” (Gn 3,5.7-8). Và “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trtở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10), lúc đó, ông Giôna mới chịu nói ra lý do: “Đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao ? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tácsít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Gn 4,2-3).
Thế ra lý do ông từ chối đến Ninivê loan báo điều Thiên Chúa cảnh cáo dân thành, chính là vì ông biết Thiên Chúa vô cùng từ bi, nhân hậu sẽ chạnh lòng thương và tha thứ cho họ, nếu họ tỏ lòng sám hối, trở về với Ngài. Nói cách khác, ông không muốn dân ngoại được tha thứ, không muốn người tội lỗi ăn năn để được cứu chuộc, nên ông từ chối lên đường rao giảng lời Thiên Chúa cảnh cáo họ, kẻo họ thống hối trở về với Ngài mà nhận được ơn cứu sống.
Điều này nói lên tâm hồn hẹp hòi, khép kín không muốn dân ngoại gia nhập dân Thiên Chúa, cũng như người tội lỗi được Thiên Chúa cứu chuộc. Mức độ cực đoan ấy còn được minh chứng một cách quyết liệt qua lời thề độc của ông : “Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” (Gn 4, 3), bởi ông không thể chịu đựng được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho kẻ tội lỗi và dân ngoại.
Với não trạng khoanh vùng ơn cứu độ cho riêng dân mình, và cấm vận lòng thương xót của Thiên Chúa đến với dân ngoại ở vùng ngoại biên, Giôna tuy biết Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương, nhưng không hiểu nỗi thổn thức của trái tim Thiên Chúa trước cái chết của những đứa con do chính Ngài sinh ra ở Ninivê, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn trẻ em chưa biết phân biệt bên phải bên trái (x.Gn 4, 11); không cảm được cơn đau tan nát ruột gan của Thiên Chúa khi các thú vật do Ngài dựng nên cũng bị tiêu diệt (x. Gn 4,11), càng không chân nhận Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm , và ở giữa con người, Ngài là Đấng Thánh (x. Hs 11,9).
Chọn lựa và thái độ của Giôna ngày xưa cũng có thể là chọn lựa và thái độ của chúng ta hôm nay: Như Giôna đã từ chối đến Ninivê, thành phố dân ngoại, chúng ta cũng khó tránh khỏi những ngần ngại, thoái thác khi được kêu gọi ra vùng ngoại biên, đến với anh chị em không cùng tôn giáo; như Giôna đã không muốn người tội lỗi nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta cũng không mấy đồng tình với Thiên Chúa khi Ngài tỏ lòng từ bi nhân hậu với mọi người; như Giôna đã bực mình, nổi giận, khi Thiên Chúa bỏ ý định giáng phạt dân thành Ninivê, chúng ta cũng ít nhiều hậm hực phê bình lòng thương xót của Thiên Chúa là quá đáng, không đúng người, đúng chỗ.
Và như đã chỉ bảo Giôna, Thiên Chúa cũng sẽ khiến cây thầu dầu mà chúng ta đang cần bóng mát của nó giữa trưa hè nóng bỏng, vì mặt trời giội nắng xuống thẳng đầu, bị héo đi , để dạy chúng ta bài học thương xót của trái tim người cha Thiên Chúa; và như đã nói với Giôna thế nào, Thiên Chúa cũng sẽ nói với mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng như thế : Này con, con thương hại cây thầu dầu, mà con đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên… Còn Cha, chẳng lẽ Cha lại không thương hại những người ngoại đạo, và kẻ tội lỗi, vì tất cả đều là con cái đáng yêu của Cha, do Cha đã dựng nên (x. Gn 4,10-11).
Ước gì trong những ngày chuẩn bị tâm hồn đón Ngôi Lời xuống thế, Đấng “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), chúng ta ghi khắc sâu hơn trong tim lời Đức Giêsu, Mục Tử của đoàn chiên nhân loại: “Ta còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Ta cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16) để tâm hồn đừng hẹp hòi, khép kín, thôi ích kỷ, cục bộ, để xoá hẳn ảo tưởng dân riêng với đặc quyền, đặc lợi được cứu rỗi và thái độ khinh khi, tảy chay, kỳ thị dân ngoại, và những người đang trên đường tìm gặp Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất của toàn thể nhân loại.
Jorathe Nắng Tím