Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

THIÊN CHÚA LÀ NGƯỜI CHA VỚI TRÁI TIM CHỊU ĐỰNG | Chuỗi Suy Niệm Tháng Thánh Tâm – Bài 01

TMĐP- Trong tháng Thánh Tâm Chúa, Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu mời gọi chúng ta học với Ngài bài học Tình Yêu chịu đựng, bằng quả cảm và quảng đại chịu đựng nhau.

Có yêu rồi, người ta mới nhận ra: chịu đựng nhau là thần dược để cứu sống khi tình yêu ngắc ngoải, hấp hối; chịu đựng nhau là chià khóa mở cho nhau cửa địa đàng; chịu đựng nhau là bí quyết gìn giữ  tình yêu không phôi phai, rạn nứt; chịu đựng nhau là hành trang cần thiết của từng bước chân hai người yêu nhau trên hành trình đi đến cuối đường đời; và chịu đựng nhau là nền tảng cho tình yêu đứng vững, là đất mầu mỡ cho tình yêu sinh sôi nảy nở, là bệ phóng cho tình yêu thăng hoa, vươn cao.

Thực vậy, bất cứ tình yêu nào cũng là hành trình đi tìm  những gì mình không có, hay chưa có ở người khác. Vì thế, hạnh phúc trong tình yêu là sự hoà hợp của những khác biệt giữa hai người, nên hạnh phúc không thể giản lược vào sự “hoà hợp” không cần cố gắng của hai tâm hồn có cùng sở thích, cùng khả năng, cùng tính tình … như nhau, vì những tương đồng như thế vừa hiếm vừa không cần thiết, nhưng sự hoà hợp cần thiết trong tình yêu  được thành hình khi người này bù đắp cho người kia, người có chia sẻ cho người chưa có, hoặc không có, nghĩa là cả hai người đều có khả năng bù đắp cho nhau, có khả năng chấp nhận bù đắp và hạnh phúc được bù đắp.

Nhưng để có khả năng bù đắp và hạnh phúc được bù đắp, hai người trong cuộc phải có khả năng chịu đựng những khác biệt của nhau để có thể bù đắp cho nhau  và nhận từ nhau sự bù đắp.

Thiên Chúa là Tình Yêu, và Ngài chịu đựng con người như định luật của Tình Yêu mà Ngài là Nguồn Mạch và Nguyên Lý.

Kinh Thánh khẳng định điều này: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghiã và thành tín, giữ lòng nhân nghiã với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi…” (Xh 34, 6-7), mặc dù các hành vi gian ác, cũng như càc điều ghê tởm của con người xúc phạm nặng nề đến Ngài (x. Gr 44,22), như thánh Phaolô Tông Đồ đã viết trong thư gửi giáo đoàn Rôma  khi nói về thái độ cứng đầu của thụ tạo trước Đấng tạo dựng nên mình, như  nắm đất sét “dám cãi lại” người thợ gốm: “Thiên Chúa cũng vậy: dù muốn cho thấy cơn thịnh nộ và cho biết sức mạnh của Người, nhưng Người đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ và chờ sẵn ngày diệt vong” (Rm 9,22).

Chính Đức Giêsu, khi còn ở dương thế cũng đã biểu lộ sự kiên nhẫn chịu đựng khi nói với các môn đệ Ngài: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các  người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9,19), vì các ông không vững tin ở Ngài, khi trừ qủy (x. Mc 14-18).

Đặc biệt, qua dụ ngôn “người cha nhân hậu” trong Tin Mừng Luca (x. Lc 15, 11-33), Đức Giêsu đã mặc khải lòng kiên nhẫn chịu đựng con cái tội lỗi của  người cha Thiên Chúa: Người cha Thiên Chúa đã chịu đựng tính háo thắng, bồng bột, “non người trẻ dạ” của cậu con thứ, khi chia của  theo yêu cầu của con; đã kiên nhẫn chịu đựng những tháng năm phóng đãng, phung phí tài sản từ hôi nước mắt mình đã tạo  ra; đã kiên nhẫn chịu đựng tuổi già đau buồn, vì con bất hiếu, vô ơn; đã kiên nhẫn chịu đựng tính nhỏ nhen, ích kỷ của người con lớn; đã kiên nhẫn chịu đựng tính ngang ngược và những  giận dỗi vì vô cảm, và thiếu tình nghiã huynh đệ của hai con. Tóm lại, người cha Thiên Chúa đã yêu con bằng trái tim  chịu đựng mọi yếu đuối, thiếu sót, sai trái, lỗi lầm, tội lụy của con, vì trái tim người cha luôn nuôi một niềm hy vọng: con ta đã mất nhưng chắc chắn sẽ tìm thấy, đã chết nhưng chắc chắn sẽ sống lại…

Với niềm hy vọng của tình yêu, Thiên Chúa đã kiên nhẫn đến cùng, và  chịu đựng đến tận cùng của tình yêu mãnh liệt hơn cả sự chết.

Thực vậy, không nuôi niềm hy vọng, trái tim không thể kiên nhẫn chịu đựng, vì không ai có thể kiên nhẫn trong vô vọng, chịu đựng khi không còn hy vọng, cũng như hai người yêu nhau chỉ có thể chịu đựng tính khí “khó chịu” của nhau, chịu đựng lầm lỗi của nhau, chịu đựng cả những thất tín, bất trung, phản bội của nhau, nếu trong trái tim còn leo lét tia sáng hy vọng về nhau, trái tim còn dám hy vọng ở nhau.

Vì thế, để “chịu” được những trái ý, nghịch lòng, tổn thương, xúc phạm của người mình yêu, người ta phải qủa cảm lắm; cũng như để “đựng” được trong trái tim niềm hy vọng  “người yêu của mình sẽ tốt hơn, dễ thương hơn”, người ta phải quảng đại rất nhiều, vì không qủa cảm và không qủang đại,  không trái tim nào có thể chịu đựng được, và không hạnh phúc nào có thể được thành hình.

Đức Giêsu, hình ảnh sống động của người cha Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy  tình yêu của Thiên Chúa bao la, vô bờ bến, cao vời khôn ví, và sâu thẳm vô cùng, khi qủa cảm “chịu” mọi đau khổ, kể cả phải chết, và qủang đại “đựng” trong  trái tim hy vọng “mọi người sẽ  được cứu rỗi”, như ở giây phút sau cùng, Thánh Giá  của tình yêu chịu đựng đã nở hoa với lời cầu xin của Đức Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), và Lời Hứa: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Và danh xưng “họ” ở đây, cũng như người gian phi  cùng chịu đóng đinh được Đức Giêsu cầu xin ơn tha thứ, và hứa Nước Trời chính là chúng ta, những con người tội lỗi đang cần tình yêu chịu đựng của trái tim người Cha Thiên Chúa tha thứ, xóa tội, ban sự sống đời đời.

Trong tháng Thánh Tâm Chúa, Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu mời gọi chúng ta học với Ngài bài học “Tình Yêu chịu đựng”, bằng quả cảm và quảng đại chịu đựng nhau, như thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2), và hy vọng, cầu xin ơn đổi mới  cho nhau, nhất là không bao giờ xét đoán hay lên án ai, dù người đó xem ra bất xứng và hoàn toàn “đáng loại bỏ” dưới mắt chúng ta, vì “Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và giầu tình thương” (Tv 102,8), Đấng mà  “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3).

Jorathe Nắng Tím 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...