Giáo Lý

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU: GIÁO LÝ NỀN TẢNG CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO | Phần I

Nếu không nắm vững giáo lý căn bản, tín điều cốt lõi của Hội Thánh, chúng ta sẽ khó tránh khỏi nhiều phen lấn cấn, chao đảo khi đức tin lung lay, đức mến suy giảm và đức trông cậy mất điểm tựa vào Lời Hứa của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ.

TMĐP- Gia nhập Hội Thánh Công Giáo, nhưng không phải tất cả mọi tín hữu đều thấu hiểu rạch ròi giáo lý nền tảng của Hội Thánh, cũng như đi theo Đức Giêsu, như danh xưng Kitô hữu  với đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa: người có Đức Kitô,  người sống sự sống của Đức Kitô, người loan báo, làm chứng Đức Kitô, người sống chết vì Đức Kitô, cho Đức Kitô, nhưng không hẳn tất cả đều  đã  biết Đức Kitô là ai …Và đó chính là nguyên nhân gây ra nhiều bất an, bất ổn, nhiều nghi ngại, nghi ngờ, nhiều hoảng hốt, hoang mang, nhiều rủi ro, chướng ngại trên đường “đi đạo” của không ít người công giáo chúng ta.

Thực vậy, vì không nắm vững giáo lý căn bản, tín điều cốt lõi của Hội Thánh do Đức Giêsu thành lập, mà chúng ta, những thành viên của Hội Thánh đã khó tránh khỏi nhiều phen lấn cấn, chao đảo khi đức tin lung lay, đức mến suy giảm và đức trông cậy mất điểm tựa vào Lời Hứa của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ.

I. Đức Giêsu, Đấng sáng lập Hội Thánh là Thiên Chúa Tình Yêu:

Hội Thánh Công Giáo được chính Đức Giêsu thành lập một cách công khai và chính xác trên nền tảng các Tông Đồ  được các Tin Mừng tường thuật  với nhiều chi tiết sống động: “Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực  sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,13-19; x. Mc, 8,27-30; Lc 9,18-21).

Đoạn Tin Mừng trong cả ba Tin Mừng nhất lãm trên rất quan trọng, bởi đây là chứng cứ về nền tảng của Giáo Hội. Nền tảng này  được làm nên do nhiều yếu tố:

  1. Việc nhận biết, tin tưởng và tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người, và  Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người là ơn được ban nhưng không  bởi chính Chúa Cha, chứ không là kết quả của kiến thức trần thế, hay cố gắng của con người.

Tông đồ Phêrô đã nhận biết, tin tưởng và tuyên xưng Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và Đức Giêsu đã  xếp ông  vào hàng ngũ những “người có phúc”, “vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

  1. Hội Thánh được xây dựng trên Phêrô, vị Tông Đồ có phúc –  Tảng Đá được Thiên Chúa tuyển chọn cho công trình cứu thế của Ngài:

Đức Giêsu không  thiết lập Hội Thánh của Ngài ở đâu, hay trên bất cứ nền tảng nào, ngoài Tảng Đá Phêrô, người  được gọi là “có phúc”, vì được chính Thiên Chúa chọn và mặc khải những điều bí nhiệm về Con của Ngài. Phêrô cũng là người có phúc, vì đã mạnh dạn tuyên xưng điều mình tin, và quả cảm công bố điều mình đã nhận từ Chúa Cha: Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu Độ loài người.

  1. Hội Thánh được thiết lập trên Tảng Đá Phêrô là Hội Thánh của Đức Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ:

Tuy xây trên Tảng Đá  Phêrô là  người  môn đệ có phúc, nhưng Hội Thánh không thuộc về Phêrô, nhưng trăm phần trăm thuộc về Đức Giêsu, và chỉ duy một mình Đức Giêsu mới bảo đảm sự trường tồn của Hội Thánh ấy khi quả quyết: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

  1. Các Tông Đồ được trao quyền trong Hội Thánh  để phục vụ Hội Thánh cho công trình cứu độ nhân loại của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, giàu lòng thương xót, chứ không  dùng quyền được trao  để khống chế, cai trị,  kết án, luận phạt, loại trừ, huỷ diệt người khác theo ý muốn của mình (x. Mt 20,24-28).

Lý do rất đơn giản và không thể chối cãi, đó là tên của Thiên Chúa làm người là “Giêsu – Thiên Chúa Cứu Độ”, và sứ vụ của Ngài  trong trần gian, giữa con người yếu đuối, mỏng dòn, tội luỵ là để cứu sống những con người phải chết và   chuộc lại những gì đã hư mất  như Tin Mừng Gioan khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17), và như Đức Giêsu quả quyết trong Tin Mừng Luca: “Nguời khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,31-32).

Do đó, quyền trói buộc, tháo gỡ dưới đất của các Tông Đồ phải được hiểu là quyền  yêu thương, phục vụ Hội Thánh, nên có tháo hay buộc, gỡ hay trói, tất cả phải được thực hiện vì yêu thương đoàn chiên, vì lợi ích của Hội Thánh, vì ơn cứu độ của mọi người, mà không bao giờ được lập trình và hành động vì ganh ghét, hận thù, căm phẫn, sở hữu, thống trị, loại trừ, tiêu diệt, bởi hoàn toàn trái ngược với bản chất và sứ vụ của Hội Thánh  do chính Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, và giàu lòng  thương xót đã lập nên.

Để củng cố tín điều căn bản và nền tảng không gì có thể làm lay chuyển trên, thánh Gioan Tông Đồ không chỉ một vài lần, với một vài dòng ngắn ngủi, nhưng rất nhiều và liên tục quả quyết với niềm xác tín sâu xa tín điều nền tảng: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,7.8.10).

Người môn đệ được Chúa yêu thương đặc biệt này còn phấn khởi tuyên tín: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7). Cũng vậy, “chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

Thánh Tông Đồ còn đi xa hơn khi khuyến khích các tín hữu: “Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Đức Giêsu thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này…  Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,17. 19).

Chỉ riêng trong thư thứ nhất, thánh Gioan Tông Đồ đã cho chúng ta thấy rõ bản chất  tình yêu của Thiên Chúa và giáo lý nền tảng của Hội Thánh: Thiên Chúa Tình Yêu đã yêu thương và cứu độ nhân loại.

Trở ngược về Cựu Ước, tín điều căn bản này cũng đã được Dân Chúa nằm lòng tuyên tín ngay từ công trình Sáng Tạo, ở đó Thiên Chúa đã tạo dựng vì yêu thương, khi “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27), bởi dựng nên ai giống mình, tác tạo người nào theo hình ảnh mình, tất phải yêu thương người ấy vô biên, vô hạn.

Không chỉ dựng nên con người giống mình vì yêu thương, Thiên Chúa còn ban phúc lành và cho con người “sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất, làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất ” (St 1, 28).  Và  tình yêu ấy không bao giờ  biết mệt mỏi, nhưng xuyên suốt dòng  lịch sử nhân loại, Thiên Chúa hằng bao bọc, dẫn dắt, phù trợ Dân Ngài  như Sách Thánh đã không ngớt lời tán tụng, tri ân, cầu khấn  Thiên Chúa của tình yêu thương xót: “Chúc tụng Ngài đã xử với chúng con theo lòng xót thương bao la của Ngài… Xin cho chúng con được hưởng lòng xót thương và ơn cứu độ, để chúng con được sống trọn  cuộc đời trong niềm hoan lạc và lòng xót thương” (Tb 8,16.17). Đức Maria trong kinh Tán Tụng cũng ngợi khen với cùng một tâm tình: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi …. Từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Chúa” (Lc 1, 46-47.50).

Mời quý độc giả đọc tiếp Phần II.

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version