Giáo Lý

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU: GIÁO LÝ NỀN TẢNG CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO | Phần III

Làm thế nào để ăn rễ sâu trong Thiên Chúa là Tình Yêu?

TMĐP- Phần III: ĂN RỄ SÂU TRONG THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Qua phần I & II, ít nhiều chúng ta đã thấy giáo lý căn bản của đạo Công Giáo là Tình Yêu: Thiên Chúa là Tình Yêu, và Giới Luật mới của Đức Giêsu mà Hội Thánh của Ngài phải tuân giữ, chính là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”  (Ga 13,34)

Tình Yêu bao phủ, tình yêu là khởi điểm và đích tới, tình yêu vực dậy, chữa lành, cứu độ vì Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ, phụng sự chính là Tình Yêu, là Nguồn Mạch mọi tình yêu.

Nhưng làm thế nào để ăn rễ sâu trong Thiên Chúa là Tình Yêu?

  1. Cần nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương:

Không ai có thể yêu thương nếu không biết mình được yêu thương, bởi được yêu thương là điều kiện không thể thiếu để biết yêu thương. Đó là lý do nhiều tội phạm giết người đã  là những người không được người khác yêu thương.

Thực vậy, con cái học yêu thương khi được cha mẹ, anh chị em trong nhà yêu thương; học trò học yêu thương khi được thầy cô, bạn học yêu thương; hàng xóm học yêu thương khi được láng diềng yêu thương…

Tuy thế, vẫn không thiếu những người được yêu thương nhưng không nhận ra mình được yêu thương. Đây là bi kịch của mọi tương quan, khi được yêu mà vẫn nghĩ không ai yêu mình; được thương mà cứ khăng khăng quả quyết: mình chẳng được ai thương. Nhiều hôn nhân đã  đổ vỡ cũng vì vợ chồng không nhận ra mình được yêu thương bởi người bạn đời, không tinh tế thấy được tình yêu của người phối ngẫu.

Lý do không nhận ra mình được yêu thương có thể vì tham lam và ích kỷ, khi chỉ muốn  người khác phải đáp ứng mọi nhu cầu tình cảm của mình, mà không quan tâm đến điều kiện và hoàn cảnh của đối phương; cũng có thể vì vô tình, vô tâm, không đủ tinh tế và thông minh để thấy mình đang được thương yêu rất nhiều, vì tình yêu của người  ấy dành cho mình  không được   biểu lộ cách rõ ràng, sôi nổi nhưng  kín đáo, vụng về.

Với Thiên Chúa cũng không mấy khác, và tiến trình ăn rễ sâu trong tình yêu của Ngài cũng  đòi bắt đầu từ khởi điểm : biết mình được Thiên Chúa yêu thương.

Biết mình được Thiên Chúa yêu thương là bước quan trọng nhất trên hành trình tìm gặp Chúa  để được ở trong Ngài.

Biết mình được Thiên Chúa yêu thương thường bị ngăn trở bởi tình cảm sợ hãi: sợ Thiên Chúa soi mói,  dò xét, canh chừng để bắt lỗi, trừng phạt; sợ Thiên Chúa chi ly, rạch ròi, không quên từng lỗi nhỏ; sợ Thiên Chúa vô cùng công thẳng  cân đo đong đếm từng việc làm sai trái, từng ý nghĩ xấu xa, và sòng phẳng  đoán phạt.

Tình cảm sợ hãi làm chúng ta không thể nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho bản thân mình, vì sợ hãi là một tình cảm mạnh, có sức vùi dập, trấn áp, khuynh đảo  nhiều tình cảm khác.

Chính vì thế, thánh Gioan Tông Đồ đã cảnh giác chúng ta khi viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4,18).

Một sai lầm rất nguy hiểm trong công trình đào tạo đức tin, đó là nhồi nhét vào tim óc  các  em ấu nhi  hình ảnh về một Thiên Chúa công thẳng tuyệt đối, chí công vô tư đến  vô cảm, khắc nghiệt, không bỏ qua một lầm lỗi của bất cứ ai, và nghiêm khắc trừng  phạt không bao dung, nhân nhượng.

Những hình ảnh  sai lạc và tiêu cực về Thiên Chúa là Tình Yêu này sẽ  mãi  hằn sâu trong tâm trí và cản trở các em nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu và các em được Thiên Chúa yêu thương.

Có thể vì muốn xây dựng một cộng đồng giáo xứ  có  kỷ luật, ngăn nắp, thứ tự, mà người dạy giáo lý đã quên hẳn giáo lý nền tảng và căn bản của Hội Thánh, đó  là Thiên Chúa yêu thương, và khởi điểm hành trình cùng đi  với  người học giáo lý chính là  cùng với họ  nhận ra mọi người được Thiên Chúa yêu thương, và mỗi người đựợc Thiên Chúa quan phòng gìn giữ.

Quả thực, một khi đã nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta sẽ được Thần Khí đến ngự trong lòng “mà kêu lên “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,6), vì đích thực Thiên Chúa  là Cha chúng ta, người cha nhân hậu yêu thương, chăm sóc  chở che  con cái mình, như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh.

  1. Cần nhận ra ơn Chúa và biết ơn Ngài:

Nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương chưa đủ, chúng ta còn cần nhận ra ơn Chúa và biết ơn Ngài, bởi không nhận ra ơn Chúa, chúng ta không  đủ  xác tín mình được Thiên Chúa yêu thương; cũng như không nhận ra ơn Chúa, chúng ta khó sống tâm tình biết ơn Ngài, mà biết ơn trong bất cứ tương quan nào luôn  là  yếu tố quan trọng làm cho tình yêu thêm  nồng nàn, thắm thiết.

Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp đã không nhắc nhở người đàn bà xứ Samari điều gì, ngoài  việc nhận ra ơn Chúa: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống ” (Ga 4,10).

Như chị, chúng ta cũng cần nhận ra ơn Chúa thương ban từng giây từng phút trong suốt cuộc đời. Đó là những ơn cần thiết, nhưng vì “quen nhận” nên coi thường, không quan tâm; những ơn đặc biệt nhưng cần  tâm hồn tĩnh lặng mới có thể nhận ra; những ơn tưởng bình thường, nhưng  phi thường khôn ví mà chỉ trái tim khiêm nhường mới có thể cảm nhận.

Đức Giêsu đã chỉ cho người đàn bà ngoại giáo Samari tiến trình gồm ba giai đọan để  đi vào tình thân với Thiên Chúa: Giai đọan khởi đầu là nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban.  Giai đọan hai là  nhận ra Thiên Chúa,  Đấng ban ân huệ. Và giai đọan sau cùng là đi vào đối thoại  yêu thương  với Thiên Chúa là Cha.

Vì thế, sẽ không nhận ra Thiên Chúa, nếu trước đó đã không nhận ra ơn của Ngài. Và không thể đi vào tình thân với Thiên Chúa, nếu không biết Thiên Chúa là Cha.

  1. Không lấy trái tim con người làm thước đo tình yêu Thiên Chúa:

Phần đông chúng ta rơi vào sợ hãi, hoang mang, thất vọng khi thấy mình yếu đuối, tội lỗi, vì chúng ta không tin Thiên Chúa là Tình Yêu tuyệt đối, và không trông cậy vào Lòng Thương Xót bao la, vĩ đại, khôn ví, cao vời, sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mỗi người.

Hơn ai hết, thánh Phaolô hiểu được tâm trạng này và an ủi chúng ta khi ngài quả quyết : “Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5,5-9).

Nghe lời quả quyết của thánh Tông Đồ Dân Ngoại, chúng ta sẽ không lấy trái tim nhỏ bé,  hẹp hòi, ki bo của mình làm thước đo ttình yêu của Thiên Chúa, vì đây là một thói quen nguy hiểm đưa chúng ta vào nghi nan, đẩy chúng ta xuống hố sâu  tuyệt vọng khi đánh giá thấp tình yêu Thiên Chúa, và  cân đo  tình yêu vô cùng, tuyệt đối, phi thường của Thiên Chúa bằng đơn vị hữu hạn, tương đối, tầm thường của con người.

Hãy nghe ngôn sứ Isaia tuyên sấm tình yêu của Thiên Chúa dành cho Xion để biết tình Chúa cao cả, bao la  dường  nào: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con  mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, Ta cũng không quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã  ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16).

Tin Mừng Luca chương 15 cho chúng ta hình ảnh sống động về một Thiên Chúa nhân hậu, thương xót vô cùng, rộng lượng vô biên, luôn vì tình nghĩa muôn đời bất diệt, mà chạnh lòng thương  cất bước “đi tìm  cho kỳ được con chiên lạc, đồng bạc bị đánh rơi”, và đứa con hoang đàng “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (x. Lc 15, 4-31).

Lấy trái tim con người để cân đo tình yêu Thiên Chúa còn biến chúng ta thành những quan toà vô cảm, khắc nghiệt, gian ác  đối với anh em, khi tự cho mình quyền phán xét, lên án, trừng phạt người khác, khi cho mình là chân lý, và phán quyết của mình là chính trực, trong khi tất cả chúng ta đều là những tội nhân được yêu thương, cứu độ bởi  người Cha Thiên Chúa.

Mời quý độc giả đọc tiếp Phần IV.

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version