Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

THIÊN CHÚA NÂNG NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG LÊN | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII Năm C

TMĐP- Xin Chúa giúp chúng ta trở nên hiền lành, khiêm nhường như Chúa dy, bằng học với Đức Mẹ, với các thánh nam nữ, và với tất cả những ai hiền lành, khiêm nhườngsống bên cạnh chúng ta.

Tất cả các bài đọc phụng vụ của chúa nhật này đều quy về nhân đức khiêm nhường, được coi là nền tảng của các nhân đức.

Là nền tảng vì không khiêm nhường, sự thánh thiện sẽ được ví như người ta xây nhà trên cát, sóng biển ập vào, tất cả sẽ sụp đổ, tiêu tan.

Nhưng tại sao phải khiêm nhường?

Vì khiêm nhường làm đẹp lòng Chúa, như sách Huấn Ca đã quả quyết: “Càng làm lớn, còn càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi kẻ khiêm nhường”(Hc 3, 18-20). Trái lại, kiêu căng làm mất lòng Thiên Chúa, như Luxiphe đã “muốn bằng Thiên Chúa” và dấy binh chống lại Ngài, nên đã bị trục xuất ra khỏi Thiên Đàng và tống xuống hoả ngục; như Ađam, Evà đã “muốn biết những gì Thiên Chúa biết”(x. St 3,5) cũng đã bị đuổi khỏi địa đàng.

Vì khiêm nhường là đức tính của người khôn ngoan do biết mình có giới hạn, nên không tham vọng những điều qúa khó, những việc vượt sức mình (x. Hc 3, 21), nhưng cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa bằng “để tâm nghiên cứu các ẩn dụ và ao ước có tai thính để lắng nghe”(x. Hc 3,29). Với thái độ nhún nhường, đằm thắm, không huyênh hoang, kiêu hãnh ấy, người khiêm hạ sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và được mọi người mến yêu (x. Hc 3, 17).

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rõ sự khôn ngoan của người khiêm nhường khi ân cần căn dặn: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất”(Lc 14,8), nhưng “hãy ngồi vào chỗ cuối để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”(Lc 14,10), hơn là để bị sượng sùng, bẽ mặt khi chủ nhà mời rời bỏ chỗ anh đã tự chọn, vì phải nhường chỗ cao ấy cho người quan trọng, quyền quý, thế giá hơn anh.

Lời căn dặn này không chỉ thuần túy là bài học lich sự, nhưng là đòi hỏi căn bản của người môn đệ Đức Giêsu, vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng”(Mt 11,29); vì Ngài “đã hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2, 7); vì Ngài đến trong thế gian để trở nên tôi tớ phục vụ mọi người (x. Mt 20,28); vì Ngài đã khiêm hạ quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ  (x. Ga 13,3-17); vì Ngài đã tự hạ làm kẻ có tội chịu hình phạt đóng đinh, “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28).

Đòi hỏi căn bản ấy đặt nền móng trên sự chân nhận: tất cả những gì con người là, con người có đều đến từ Thiên Chúa, đều là hồng ân được ban từ lòng thương xót của Ngài. Chính Ngài mới là tác giả của mọi kỳ công, nguồn mạch mọi ơn phúc, Khởi Nguyên và Cùng Đích của mọi thụ tạo được Ngài dựng nên. Vì thế, kiêu căng là thái độ vô lý và lố bịch trước Thiên Chúa, và với anh em, chưa kể đó là điều Thiên Chúa gớm ghét, kinh tởm, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng thi ân cho kẻ  khiêm nhường”(1P 5,5).

Noi gương Đức Maria đầy ơn phúc hơn mọi người nữ, vì Mẹ đã tin Thiên Chúa đoái thương nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn của mình, và giơ tay biểu dương sức mạnh của lòng thương xót trên những ai khiêm nhu kính sợ Ngài (x. Lc 1, 48-50), và thánh Gioan Tẩy Giả, dù được mọi người tung hô vẫn một lòng khiêm nhường và một mực công bố trước đám đông say mê, thần tượng mình: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi”(Ga 1,30), và “tôi không đáng cởi quai dép cho Người”(Ga 1,27), bởi “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”, “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3,30), chúng ta xin Chúa giúp chúng ta ngày càng trở nên hiền lành, khiêm nhường hơn như Chúa dạy, bằng học với Đức Mẹ, với các thánh nam nữ, và với tất cả những ai “hiền lành, khiêm nhường” sống bên cạnh chúng ta đang làm chứng bằng đời sống khiêm nhu, nhân hậu của họ Đức Giêsu, Đấng đến trong thế gian như người tôi tớ khiêm hạ để yêu thương, phục vụ mọi người.

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...