TMĐP- Như ông Gióp, mỗi người Kitô hữu cũng trải nghiệm thử thách “thinh lặng của Thiên Chúa” trên hành trình đức tin.
Nỗi đau lớn nhất trong tình yêu là không còn được nghe tiếng người mình yêu, vì khi không còn được nghe tiếng nhau, không còn được nghe nhau nói, nói nhau nghe, người ta sẽ không còn biết người mình yêu nghĩ gì, muốn gì, đợi chờ gì. Chẳng thế mà cuộc tình sẽ sớm dang dở khi không còn đối thoại, hôn nhân sẽ mau đổ vỡ khi vợ chồng mất khả năng và cơ hội trao đổi, chuyện trò, tâm sự với nhau. Trong Kinh Thánh, ông Gióp đã trải nghiệm nỗi day dứt đắng đót khôn nguôi, và thử thách nặng nề này của con người trên hành trình đức tin khi Thiên Chúa thinh lặng, không nói gì.
Nếu đọc kỹ sách Gióp, chúng ta sẽ thấy nỗi đau lớn nhất của ông không phải là “lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ của ông” (G 1,16); không phải “con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết…” (G 1,18); cũng không phải “ông mắc chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi.” (G 2,7-8); càng không phải thái độ khinh bỉ và những lời chì chiết, nguyền rủa cay đắng của vợ đổ trên ông “như một mụ điên” (x. G 2,9-10), nhưng là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Thực vậy, vấn đề chính của Gióp không phải là việc trở về với Thiên Chúa, theo như lời khuyên của những người bạn, mà khi đến thăm, “họ ngồi xuống đất, bên cạnh ông, suốt bảy ngày bảy đêm, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn” (G 2,13 ), vì Gióp không hề rời xa Thiên Chúa một ngày giờ nào, như quá khứ của ông làm chứng: “Ông là con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác”, ông còn thanh tẩy và dâng lễ toàn thiêu cho mỗi người con, “vì ông tự nhủ: Biết đâu các con trai ta đã chẳng phạm tội và nguyền rủa Thiên Chúa trong lòng!” (G 1,1.5). Trái lại, điều làm quay quắt tâm can, tan nát cõi lòng Gióp, chính là ông không biết Thiên Chúa trách móc ông điều gì, và sự thinh lặng của Thiên Chúa là điều Gióp không thể chấp nhận được.
Ông không chấp nhận thái độ “im hơi lặng tiếng” của Thiên Chúa trước tình trạng “chịu hình phạt” của ông, không phải vì ông sợ chết, bởi ông vẫn sẵn sàng chết cho rồi đời, như đôi lần ông than thở: “Chẳng thà bị treo cổ, chẳng thà phải chết hơn là sống lây lất, da bọc xương”, “Vậy thì tại sao Ngài lại kéo con ra khỏi lòng mẹ? Phải chi lúc đó con tắt thở cho rồi, chẳng còn ai nhìn thấy con nữa”, “hơi thở tôi đã cạn, ngày đời tôi đã hết, một nấm mồ đang đợi chờ tôi” (G 7,15;10,18;17,1).
Ông không chấp nhận thái độ thinh lặng của Thiên Chúa, vì không được nghe tiếng Ngài, ông không tìm đâu ra câu trả lời về sự có mặt và sức công phá dữ dội của sự dữ, đau khổ trong “thế giới của người công chính”, bởi ông biết hình phạt thì tương xứng với tội ác, như số phận của kẻ gian ác “tựa sợi chỉ treo mành, chỗ an toàn của nó khác chi tấm màng nhện” (G 8,14), “bên tai nó, tiếng kêu hãi hùng luôn văng vẳng” (G 15,21), “lúc đi ngủ, nó là người giàu, nhưng đó là lần cuối, vì khi bừng mắt dậy, chỉ thấy mình tay không.” (G 27,19). Nhưng với người tử tế, đạo hạnh, thì không thể như vậy, vì hình phạt làm sao có đất dụng võ, có cửa để tác oai tác quái nơi cư ngụ của công bình, chính trực, mà tình trạng đang phải chịu mọi hình phạt dành cho kẻ gian ác của ông là một bằng chứng điển hình.
Đó là lý do ông muốn gặp Thiên Chúa để nghe Ngài giải thích, nhưng sự yên lặng của Ngài không cho ông thực hiện điều ông mong ước, khắc khoải.
Với ông, sự thinh lặng của Thiên Chúa làm ông thất vọng và chẳng còn tin Ngài nghe tiếng ông (x. G 9,16), vì “nếu ai thích tranh luận với Người, thì ngàn lần Người cũng không đáp lại một” (G 9,3). Đàng khác, Ngài có thói quen dùng “uy lực để áp đảo”, nên “Người vùi dập tôi trong cơn dông bão, lại vô cớ bắt tôi chịu thêm nhiều thương tích. Người chẳng để tôi kịp thở, mà lại dìm tôi trong bao nỗi đắng cay” (G 9 17-18), và sau cùng, Thiên Chúa không phải là con người, nên “có ai lòng trí khôn ngoan, sức lực dũng mãnh, đương đầu với Người mà vẫn còn nguyên vẹn? (G9,4)”, bởi “Người bắt đi, ai giành lại được? Ai dám hỏi Người: “Ngài làm gì thế?” (G 9,12).
Vì không chấp nhận sự thinh lặng đáng sợ của Thiên Chúa, mà Gióp đặt ra nhiều vấn nạn về lòng tốt của Thiên Chúa, khi than vãn về phận người có khi còn thua kém cả cây cỏ lá hoa: “Quả vậy, đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng, bị chặt rồi, còn có thể mọc lại xanh tươi … Còn con người chết là nằm bất động, sẽ ở đâu khi tắt thở rồi?” (G 14,7.10); về cách đối xử của Ngài, khi thẳng thừng trách móc: “Ngài đối xử với con tàn nhẫn, giương cánh tay mạnh mẽ đánh phạt con” (G 30,21), “Quả thật, nhằm chống lại con, Ngài đã viết những lời cay đắng, đã kể ra các tội con phạm lúc xuân xanh, đã tra chân con vào cùm, theo dõi mọi đường nẻo con đi, và dò xét mọi dấu chân con bước” (G 13,26-27); về sự thánh thiện của Ngài, khi nghi ngờ: “Phải chăng Ngài thíxch thú khi đàn áp , khi coi rẻ công trình tay Ngài sáng tạo, và ủng hộ mưu đồ của bọn ác nhân? Phải chăng mắt Ngài chỉ là mắt thịt, và Ngài nhìn theo kiểu phàm nhân? Phải chăng cuộc đời của Ngài cũng ngắn ngủi như đời người phải chết, và năm tháng của Ngài cũng chóng qua như cuộc nhân sinh?” (G 10, 3-5); về sự khôn ngoan của Ngài, khi chất vấn: “Nhằm cáo tội con, Ngài đưa hết lý này đến lý khác; nhằm chống lại con, Ngài không ngớt khơi dậy cơn phẫn nộ; nhằm bao vây con, Ngài đưa thêm nhiều đoàn quân mới” (G 10,17). “Chính tay Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà huỷ diệt?” (G 10,8), “Sao Ngài lại ẩn mặt và xem con như thù địch của Ngài ?” (G 13,24); về công lý của Ngài, khi chán chường thốt lên: “Than ôi! Chẳng khác chi núi sập xuống vỡ tan, đá tảng bị dời qua chỗ khác, chẳng khác chi nước chảy đá mòn, và mưa rào cuốn trôi cát bụi, cũng vậy, hy vọng của người phàm, Ngài làm tiêu tan hết. Ngài quật cho nó ngã không dậy được, và nó phải ra đi, Ngài làm cho mặt mày nó ra xấu xa ghê tởm, rồi Ngài đuổi nó đi” (G 14,18-20).
Tóm lại, sự thinh lặng của Thiên Chúa đã không chỉ làm Gióp sợ, mà còn làm khủng hoảng trầm trọng niềm tin của ông từ bấy lâu đã đặt vào Thiên Chúa, như một tôi tớ trung thành (x.G 1,8). Cho tới khi Thiên Chúa lên tiếng, Gióp đã sống những ngày vô cùng đau khổ vì không được gặp Thiên Chúa, khi Ngài hoàn toàn thinh lặng trước tình trạng khốn nạn cả thể xác lẫn tinh thần của ông.
Kinh Thánh ghi lại: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp” (G 38,1).
Thiên Chúa trả lời Gióp bằng đặt cho Gióp câu hỏi: “Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ta ra tối tăm khó hiểu?” (G 38,2), để khẳng định với Gióp sự tuyệt hảo của kế hoạch thánh thiện của Ngài, bằng kể cho Gióp công trình lạ lùng, vĩ đại của Ngài (x. 38,4-39,30), và “hỏi rằng kẻ tranh luận với Đấng Toàn Năng, có gì để chỉ trích, và kẻ kêu trách Thiên Chúa, có gì để trả lời?” (G 40,1). Có chăng là con người không thể hiểu nổi kế hoạch mầu nhiệm của Ngài.
Thiên Chúa cũng cho Gióp biết Ngài chế ngự sức mạnh của sự dữ, và không một sức mạnh nào không thuộc quyền Ngài (x. G 40,9-41,26).
Lên tiếng trả lời Gióp, Thiên Chúa ra khỏi sự thinh lặng của Ngài, không chỉ để Gióp hiểu kế hoạch của Ngài không thể sai lầm, nhưng đầy khôn ngoan, tuyệt hảo và bền vững đời đời như ngôn sứ Isaia đã thốt lên trước Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Thiên Chúa của con, con suy tôn Ngài, con xưng tụng Ngài, vì Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thất là bền vững” (Is 25,1), mà điều quan trọng Ngài muốn ở Gióp là ông phải thâm tín Ngài luôn có mặt và hoạt động trong lịch sử, dù là lịch sử của các dân tộc, của dân Ngài hay của từng cá nhân, như sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia: “Ý định Ngài cao cả, quyền năng Ngài mạnh mẽ để thực hiện những kỳ công. Ngài là Đấng để mắt theo dõi mọi đường lối của con cái loài người, để ban cho ai nấy tuỳ theo cách nó sống, và việc nó làm” (Gr 32,19). Ngài còn cho Gióp thấy Ngài có đường lối sư phạm riêng mà mục tiêu là đem con người đến với Ngài, dẫn con người đến gặp Ngài. Ngài cũng cho Gióp nhận ra giới hạn của con người, đặc biệt cái tội thường gặp nơi người công chính, đạo đức như ông, khi hỏi ông: “Phán quyết của Ta, phải chăng ngươi cố tình phá bỏ, lên án Ta để biện minh cho mình?” (G 40,8).
Đặt câu hỏi này, Thiên Chúa vạch cho Gióp thấy tham vọng của ông, cũng như của những người công chính như ông, khi họ có khuynh hướng khẳng định công lý của riêng mình, mà không dễ dàng đón nhận một cách vô điều kiện công lý của Thiên Chúa.
Tóm lại, khi ra khỏi thinh lặng và đối thoại với Gióp, Thiên Chúa không tìm hạ nhục hay lên án ông, nhưng chỉ mặc khải cho ông giới hạn của con người, sự tuyệt hảo thánh thiện và khôn ngoan của Ngài trong tất cả mọi công trình, kế hoạch, mà qua các công trình, kế hoạch tuyệt hảo, lạ lùng, vĩ đại ấy, Ngài dẫn con người đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa của Ngài, như đã dẫn đưa Gióp qua những chặng đường đầy thử thách, mà thử thách lớn nhất chính là sự thinh lặng nặng nề của Ngài, để Gióp nhận ra Thiên Chúa luôn có mặt đằng sau những nghịch lý của công trình cứu độ, ở đó, ông đã xác tín một lần cho cả đời mình: những vết thương nhức nhối đã hằn sâu do sự thinh lặng của Thiên Chúa chính là những bước chân dài của đức tin trên đường hy vọng, khi ông khiêm tốn thưa với Ngài: “Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu. “Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ta không còn được rõ ràng minh bạch?” Phải, con đã nói, dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con. Vậy, xin Ngài lắng nghe, và cho con thưa gửi đôi điều, con sẽ hỏi và xin Ngài đáp lại. Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn ” (G 42,2-6).
Như ông Gióp, mỗi người Kitô hữu cũng trải nghiệm thử thách “thinh lặng của Thiên Chúa” trên hành trình đức tin. Và như Gióp, thinh lặng kinh hoàng, rướm máu ấy sẽ đưa chúng ta lên cao, vào tận cung lòng Thiên Chúa, gặp gỡ riêng một mình Ngài, vì sau thinh lặng, chúng ta sẽ không còn nghe người ta nói về Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa sẽ lên tiếng nói riêng với mỗi người và mỗi người sẽ được hạnh phúc thân thưa với Ngài, để rồi như Gióp và với Gióp, chúng ta sung sướng quả quyết sau kinh nghiệm thử thách “Thiên Chúa hoàn toàn thinh lặng”:
“Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại”, nhưng giờ đây, lạy Chúa, chính mắt con đã thấy Ngài, tai con đã nghe tiếng Ngài, miệng con đã thân thưa với Ngài, tim con đã rung nhịp tình yêu Ngài, và chân con sẽ mãi theo Ngài trên đường Đức Tin ngợp tràn niềm vui hy vọng.
Jorathe Nắng Tím