Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

THÔNG GIAO VÀ GIAO THÔNG | Suy Niệm Lễ Truyền Tin

TMĐP- Hành động lên đường để gặp gỡ anh em, mà không ở lì trong “cái tôi”, bám trụ, cố thủ  pháo đài ích kỷ, chia sẻ với tha nhân. Đó mới là hành động thể hiện đức tin, làm cho đức tin nên sống động, sinh hoa kết trái.

Hơn bao giờ hết, chúng ta thấy rõ sự cần thiết của giao thông khi lệnh phong toả được ban, chấm dứt các phương tiện giao thông giữa các quận huyện, tỉnh thành, miền vùng với nhau, và ai nấy không được rời bỏ chỗ mình ở; và qủa thực  chỉ khi bị cách ly, cấm vận, không còn tự do thông thương, đi lại, người ta mới thấy đời sống tù túng, ngột ngạt, bực bội, chán ngán làm sao!

Như đời sống hằng ngày, đời sống đức tin cũng nặng nề, uể oải đến vô vị, nếu thiếu đôi chân lên đường, thiếu bàn chân đi tới, thiếu bước chân trở về. Chẳng thế mà khi gọi ai, chọn người nào, Thiên Chúa đều truyền cho họ phải đi, phải đến một nơi, phải tìm gặp một người.

Chọn Ápraham làm tổ phụ dân riêng, Thiên Chúa Giavê đã phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1); cả khi thử thách đức tin của ông, Giavê Thiên Chúa cũng muốn thử thách ông ở một nơi xa hẳn nơi ông đang cư ngụ khi bảo ông: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,2).

Chọn Môsê làm người giải phóng dân khỏi ách nô lệ trên đất Ai Cập, Thiên Chúa truyền cho ông: “Tiếng rên xiết của con cái Ítraen đã thấu tới ta; Ta cũng thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai Cập. Bây giờ ngươi hãy đi Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập” (Xh 3,9-10).

Được Thiên Chúa gọi giữa đêm khuya, cậu bé Samuen đã chỉ nhận ra tiếng Ngài nhờ đã mau mắn “chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, Thầy gọi con” (1 S 3, 4-5) cả ba lần Thiên Chúa gọi cậu.

Trong Tân Ước, sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho thánh Giuse, đang khi ngài  toan tính bỏ Đức Maria cách kín đáo, “vì ngài là người công chính và không muốn tố giác bà” (Mt 1, 19), đã bảo ngài “đừng ngại đi đón bà Maria vợ ông về nhà, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20).

Và Đức Maria cũng thế. Ngay sau khi chịu thai Đức Giêsu, ngài đã “vội vã lên đuờng, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” thăm viếng bà Êlisabét, người chị họ được Thiên Chúa cho cưu mang con trai là Gioan, vị tiền hô của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế khi đã hai ông bà đã luống tuổi, và bà lại là người hiếm hoi, son sẻ (x. Lc 1, 7).

Như thế, đức tin không chỉ là thông cảm, giao cảm, nghĩa là dừng lại ở phạm vi cảm tình, cảm xúc, dừng chân ở điểm hẹn tình cảm, nhưng đức tin còn là hành động lên đường đến gặp, cất bước đến nơi, dấn thân đi về phiá trước để gặp Thiên Chúa trong mọi người, gặp mọi người trong Thiên Chúa; đức tin không chỉ là cảm tính, vì cảm tính dễ trở nên hời hợt, nhất thời, chóng qua,  và dễ phôi phai, nhạt nhoà, nhưng còn là chọn lựa cụ thể, sống động, quyết định được hằn sâu trong tâm khảm, và khắc ghi đậm nét trong đời sống.

Do đó, nếu chỉ  “cảm động” khi nghe Lời Chúa, mà không đem ra thực hành trong đời sống, không đưa vào sinh hoạt thường ngày, thì Lời ấy  chẳng sinh hoa trái gì (x. Mt 13, 3(8); cũng như  chỉ “chạnh lòng thương” khi nghe kể về cảnh khổ sở, cơ cùng  của anh em, mà không lên đường rời bỏ tháp ngà “cái tôi”, ra khỏi  căn phòng ấm áp, nhà cửa sang trọng, dinh thự nguy nga của mình để đến gặp gỡ, an ủi, chia sẻ, giúp đỡ anh em cách cụ thể, thì lòng thương xót ấy chẳng mang giá trị và ý nghĩa gì.

Đức Vua có lòng thương xót trong Tin Mừng Matthêu đã chẳng “chạnh lòng thương” theo cảm tính, hay “chạnh lòng xuông”, mà chẳng làm gì để hiện thực lòng thương xót đối với người đầy tớ mắc nợ mười ngàn yến vàng đang sấp mình xuống bái lậy van xin, nhưng lòng thương xót đã đến với người đầy tớ  khi Đức Vua mở ra cho anh một con đường là tha hết nợ cho anh (x. Mt 18, 23-27). Đức Vua đã từ “thông giao”, tức thông cảm với hoàn cảnh của anh, giao cảm với nỗi khổ và lo sợ  của anh là  “bị bán đi cùng với vợ con để cấn nợ” (Mt 18,25)  tiến đến “giao thông” với anh bằng con đường tha nợ, xóa nợ.

Tin Mừng Luca cũng chụp lại hình ảnh của thầy tư tế và thầy Lêvi khi hai thầy “trông thấy trên đường một người bị kẻ cướp “lột sạch, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết”(Lc 10,30). Chắc chắn trông thấy cảnh đau thương ấy, lòng hai thầy đã nhói đau, vì tình cảm giữa người với người khó tránh khỏi cảm thương, xúc động, nhưng hai thầy đã dừng lại ở mức độ “thông giao”, mà không đi đến mức độ “giao thông” như người Samari tốt lành. Người Samari này “cũng thấy và chạnh lòng thương” như hai thầy, nhưng đi xa hơn hai thầy: ông đã xuống ngựa, “lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,33-34).

Thánh Giacôbê tông đồ đã quảng diễn một cách rành mạch chân lý này khi viết: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không ành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì  Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động qủa là đức tin chết” (Gc 2, 14-17).

Hành động đây chính là lên đường đến với, đi tìm gặp gỡ anh em, mà không ở lì trong “cái tôi”, bám trụ, cố thủ  pháo đài ích kỷ; hành động đây chính là tạo giao thông, xây dựng hệ thống đường xá để qua lại, chia sẻ với tha nhân, vì đây mới là hành động thể hiện đức tin, làm cho đức tin nên sống động, sinh hoa kết trái.

Bước vào Mùa Vọng, sứ điệp “làm đường, dọn đường”, xây dựng cầu đường,  hoàn chỉnh  “giao thông” được Gioan Tẩy Giả, Tiền Hô của Đấng Cứu Thế  hô vang không mệt mỏi: “Hãy dọn sẵn con  đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,4-5), vì đã đến thời tất cả  mọi người  được Đức Giêsu mời gọi lên đường, và được Thánh Thần thúc bách đi theo Ngài, nên ai nấy phải bước tới, phải  xông pha mạo hiểm đến với người khác, tìm gặp tha nhân, cùng anh em đồng hành tiến về mục đích của hành trình là Thiên Chúa.

Bước vào Mùa Chay, Đức Giêsu cũng kêu gọi cùng một  sứ điệp “lên đường” để trở về với Thiên Chúa là Cha nhân hậu, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” (Tv 102,8).

Vì thế, chuẩn bị con đường, sửa chữa con đường không chỉ là sẵn sàng và hăng hái “tham gia giao thông”, như Đức Maria đã “vội vã lên đường” đến thăm bà chị họ Êlisabét, ngay sau khi sứ thần Gabrien truyền tin “Mẹ thụ thai Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa do quyền năng ChúaThánh Thần”, mà còn tận tụy góp sức xây nhiều bao nhiêu có thể những cây cầu, đào những kênh rạch, đắp những bờ đê, mở con đường mới để mọi người có thể đến với nhau, con cái lâu năm bỏ nhà đi hoang có đường trở về nhà cha mẹ, vợ chồng bất hoà có đường hàn gắn yêu thương, bạn bè, hàng xóm xa lánh, tránh mặt nhau vì hiểu lầm, hiềm khích từ bao đời có đường cảm thông, hoà giải, để Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ nhân hậu có đuờng ngự đến và “cư ngụ ở giữa chúng ta” với ân sủng  đầy tràn và sự thật của Ngài” (Ga 1,14), để Ngôi Lời đến nhà mình  và  được người nhà đón nhận (x. Ga 1,11), để ơn Cứu Độ đổ tràn trên chúng ta là những kẻ có tội cần lòng  Chuá xót thương, và  để ơn bình an của Ngôi Lời nhập thể, của Đức Giêsu phục sinh luôn  ở mãi với chúng ta trên suốt hành trình làm người Kitô hữu để phụng sự Thiên Chúa,và  yêu thương, phục vụ mọi người.

Jorathe Nắng Tím          

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...