Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC | Chuỗi Suy Tư Về “HIỆP HÀNH” – Bài 3

TMĐP- Lời kêu gọi lên đường Hiệp Hành của Đức Thánh Cha sẽ trở thành tiếng kêu lạc lõng trong hoang địa, khi chúng ta tiếp tục thờ ơ, lãnh đạm, chưa dám ra khỏi ngục tù mặc cảm và sợ hãi trên hành trình của Giáo Hội, khi ta còn là người Kitô hữu thụ động, tiêu cực, đứng bên lề, không bao giờ dám mở miệng lên tiếng đáp lại tiếng gọi của Giáo Hội để cùng mọi người Hiệp Hành vì lợi ích của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh.

Nhiều ngàn năm trước đây, ngôn sứ Isaia đã vẽ chân dung vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Đó là “một người đang lớn tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 4-6).

Hôm nay, trước ngưỡng cửa của Hiệp Hành, Đức Thánh Cha Phanxicô, ngôn sứ thời đại của Thiên Chúa cũng mang hình ảnh “tiếng hô trong hoang địa”, mặc dù lời Ngài được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông toàn cầu, và nơi ngài ở là Rôma, thành phố đông dân, đông khách vãng lai, du lịch, và ngày đêm, quanh năm suốt tháng ồn ào, nhộn nhịp, sầm uất.

Điều này cho phép chúng ta tự hỏi:

Có thực ngài là tiếng kêu trong sa mạc, khi Giáo Hội Công Giáo ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Pháp đang đi vào tình trang Giáo Hội “thầm lặng”, hiểu theo nghĩa không còn sinh động, không còn hoạt động, khi nhà thờ không giáo dân, vì chỉ còn 4% người có đạo dự lễ chúa nhật; số trẻ em được rửa tội chỉ còn 32% so với 93% năm 1960; số tân linh mục của tất cả các giáo phận rớt xuống còn 100 một năm, so với 500 vào thập niên 60, và người ta không còn ngạc nhiên với  cách tính: cứ 1 linh mục mới thì có 8 linh mục già qua đời?  (Số liệu từ các nguồn: La Croix  21.03.2019, và Zenit, Aleteia).

Có thực ngài là tiếng hô trong hoang địa, khi giáo huấn của Đức Giêsu ngày càng bị nhiều người, đặc biệt giới trẻ thay thế bằng chủ thuyết duy nhân vị, và nhân bản  cực đoan, nghiã là  lấy con người làm cứu cánh, cùng đích, và không ít  người  cảm thấy hổ thẹn là Kitô hữu?

Có thực ngài là tiếng kêu trong rừng vắng, khi một phần tư người công giáo rời bỏ Giáo Hội gia nhập các giáo phái; một phần tư khác chỉ nhận mình là Kitô hữu mà không nhận mình là người công giáo ?

Có thực ngài  là tiếng kêu trong hoang địa, khi một nửa số người công giáo tuyên bố không quan tâm, liên đới với hàng Giáo Phẩm, nhưng  giữ khoảng cách với  Giám Mục giáo phận, tránh xa các linh mục giáo xứ và triệt để  chủ trương: “Tin Chúa chứ không tin Giáo Hội”?

Có thực ngài là tiếng hô giữa nơi không người, khi nhiều ý kiến cùng tiêu cực nhưng mâu thuẫn nhau trước hiện tình đáng lo ngại của Giáo Hội ngày càng làm cho tình trạng trở nên rối ren, khó gỡ, như có người chủ trương cần  phải gấp rút cải tổ bằng thay đổi tất cả, kể cả đó là truyền thống  cao đẹp và qúy giá của Giáo Hội, người khác thụ động phó mặc cho Thiên Chúa dựa vào lời hứa của Đức Giêsu: không quyền lực thần dữ nào có thể thắng nổi (x. Mt 16,18); có người chỉ lo những thành qủa bên ngoài, mà không quan tâm đến hàng loạt những người đang theo nhau bỏ Giáo Hội, vì bất mãn Giáo Hội, cụ thể là không đội trời chung với những người của Giáo Hội, không chịu nổi tình trạng  lạm quyền, đấu đá phe phái, cạnh tranh ảnh hưởng trong Giáo Hội; lại có người qúa khích, cuồng tín không ngại chụp mũ những người có lòng với Giáo Hội, khi họ lên tiếng xây dựng, và tìm mọi cách cô lập, đẩy người thiện chí  dám  thẳng thắn nói lên điều xấu còn tồn tại trong Giáo Hội vào chân tường và dùng tay những người có thế lực  bịt miệng, và bằng mọi cách vô hiệu hóa mọi nỗ lực đóng góp của họ trong Giáo Hội?

Có thực ngài là tiếng kêu lạc giọng giữa nơi vắng vẻ, khi khuôn mặt của Giáo Hội không chỉ ngày càng lem luốc, nhăn nheo, nhưng còn rách bươm, bầm tím vì những tội ác ấu dâm, lạm dụng tình dục của những người có trách nhiệm chăn dắt, tuy chỉ là một số ít?

Có thực ngài là tiếng hô đứt đọan vì hụt hơi giữa chốn “đồng không mông quạnh”, khi kết qủa những cuộc thăm dò cho thấy: hơn một nửa người công giáo mất niềm tin ở hàng giáo sĩ, không phải vì hàng giáo sĩ thiếu khả năng, cho bằng vì thái độ hãnh tiến, kiêu căng do não trạng, và lối sống giáo sĩ trị được xem như nọc độc giết chết quan hệ cha con, chủ chăn – đoàn chiên giữa giáo sĩ và giáo dân?

Có thực ngài là tiếng nói lạc lõng giữa đám đông qúa bận rộn giả vờ “câm điếc”, khi không ai quan tâm điều ngài nói, cả những người có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng chủ chăn với ngài cũng vô tâm, vô tình để tránh đụng chạm, để được an thân, hay cố ý “chọc gậy bánh xe” hầu làm hỏng chương trình canh tân Giáo Hội của ngài, vì không đủ can đảm ra khỏi pháo đài cái tôi quyền bính, cái tôi an nhàn,  hưởng thụ để căng buồm ra khơi bắt cá người?

Khi đặt ra những vấn đề của Giáo Hội và lời kêu gọi Hiệp Hành của Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ làm gì ?

Một thái độ bàng quan của khách lạ và thụ động chờ xem? Một chọn lựa yên lặng và thờ ơ, lãnh đạm, vì biết trước: dù có được chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, những ý kiến đóng góp của chúng ta cũng khó có thể được lắng nghe, đón nhận bởi các đấng bậc?

Quả thực, nếu sẽ chỉ là khách lạ “muôn năm trong nhà” và ở ngoài mọi sinh hoạt, cũng như vô cảm trước các biến cố vui buồn, lo âu, hy vọng của gia đình Giáo Hội, thì Đức Thánh Cha đúng là tiếng kêu tuyệt vọng trong sa mạc, vì chọn lựa yên lặng vô trách nhiệm của chúng ta; nếu chọn chỗ đứng của người ngoài cuộc, vô can, vì không dám tin tưởng đóng góp của mình sẽ được đón nhận, thì sự yên lặng tránh né vấn đề của chúng ta sẽ làm cho tiếng kêu của Đức Thánh Cha trở thành tiếng kêu vô vọng.

Khi kêu gọi chúng ta cùng Hiệp Hành, Đức Thánh Cha đợi chờ chúng ta cùng lên tiếng, vì lên tiếng mới mở đường đến hiệp thông, lên tiếng mới dẫn đến  cộng tác chân thành, lên tiếng mới có thể vui vẻ, phấn khởi đồng hành thực thi sứ vụ. Vì thế, lên tiếng là điều kiện tất yếu để công cuộc Hiệp Hành của Giáo Hội đạt đến kết qủa như lòng mong ước.

Cùng lên tiếng khi các Đấng Bậc can đảm ra khỏi cái yên lặng được cẩn thận và khôn khéo  che đậy bởi vỏ bọc “khôn ngoan”, vì không biết bao nhiêu thành viên trong nhà Giáo Hội  đã không còn dám tin ở  tình yêu đích thực  của các ngài đối với con cái chỉ vì thời gian yên lặng có sức tàn phá tinh thần rất khủng khiếp rất thường được các ngài xử dụng như cách thức cho “trôi sông, chìm xuồng” một vấn đề gây khó  cho các ngài. Không biết ở vị thế Bề Trên, các ngài có thấy niềm tin của bề dưới bị chao đảo, lung lay khi  họ nhận ra Bề Trên của họ đích thị là một chính khách “khôn ngoan” có tài xoay sở, làm chủ tình thế, khéo léo dàn xếp, kể cả dàn dựng hơn là một người cha, một người thầy, một mục tử đáng tin cậy vì đáng yêu mến?

Cùng lên tiếng khi giáo dân mạnh dạn ra khỏi mặc cảm “tín hữu hạng hai, hạng ba, hạng bốn”, và ý thức trách nhiệm lên tiếng của mình, vì sứ mạng được lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, chính là lên tiếng làm chứng Đức Giêsu, mở miệng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Và trách nhiệm lên tiếng này còn thúc đẩy người tín hữu đóng góp ý kiến, nêu lên khó khăn, đặt thành vấn đề vì lợi ích của cả Giáo Hội.

Quả thực, Thiên Chúa là “Thiên Chúa nói với con người”, và Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngôi Lời nói với mọi người, không trừ ai, từ quan chức đến thứ dân, từ thượng tế, luật sĩ đến người phung hủi bị cô lập, khoanh vùng, từ người công chính, thánh thiện đến phường thu thuế, quân tội lỗi. Ngôi Lời là Đức Giêsu đã công khai  lên tiếng dạy dỗ đám đông  cũng như ân cần  trao đổi với ông Nicôđêmô, một thủ lãnh người Do Thái kín đáo đến gặp Ngài ban đêm (x. Ga 3, 1). Ngài cũng trả lời bất cứ ai hỏi Ngài, và giải đáp thắc mắc cho hết mọi người thành tâm thiện chí đi tìm chân lý. Ngài không ù lì, vô cảm yên lặng, không cau có, giận dữ yên lặng, không dửng dưng, lạnh lùng yên lặng trước con người, dù họ là ai, thuộc thành phần, giai cấp nào, nhưng luôn mở lời, lên tiếng trao đổi, dậy bảo, khuyên răn với tất cả tình yêu thương xót của một Thiên Chúa từ bi, nhân hậu.

Nói với con người, nói với mọi người, Thiên Chúa cũng  mở miệng con người để con người nói với Ngài, và nói với nhau, như đã mở miệng ngôn sứ Êdêkien: “Tay Đức Chúa đặt trên tôi… Người đã mở miệng cho tôi; miệng tôi đã mở ra, tôi không còn câm nữa” (Ed 33,22), và như Đức Giêsu đã chữa người vừa câm vừa điếc, khi truyền cho anh: “Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại” (Mc 7,34-35).

“Lưỡi hết bị buộc lại”, vì Đức Giêsu đã mở miệng chúng ta từ lâu bị bịt kín, khâu chặt bởi  thần dữ. Nó muốn chúng ta câm điếc, để không thể cùng nhau thực hiện công trình hiệp thông, cộng tác, đồng hành sứ vụ, mà điều kiện cần thiết để truyền đạt tư tưởng, ước muốn và cảm thông chính là khả năng  nói với nhau và lắng nghe nhau.

“Lưỡi hết bị buộc lại”, vì chính Thiên Chúa đã mở miệng chúng ta để chúng ta lên tiếng ngợi khen Ngài (x.Tv 50, 17); đã mở miệng, mở tai chúng ta để chúng ta nói và lắng nghe nhau.

Phần chúng ta, một khi “đã để và đã được” Thiên Chúa mở tai, mở miệng,thì Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con sẽ đến và ngự lại trong chúng ta. Chính Ngài sẽ thúc đẩy chúng ta mở tai mở miệng để đối  thoại, chia sẻ, khuyên răn, sửa dậy với “tinh thần hiền hoà”, với ước muốn “mang lấy gánh nặng cho nhau”, và với tâm tình khiêm tốn biết mình không là gì, và nếu có là gì thì chỉ là tôi tớ bất xứng, người con yếu đuối luôn cần được xót thương trong gia đình Thiên Chúa là Giáo Hội (x. Gl 6,1-5).

Ước gì lời kêu gọi lên đường Hiệp Hành của Đức Thánh Cha không trở thành tiếng kêu lạc lõng, lạc giọng, lạc hồn trong hoang địa, khi chúng ta tiếp tục thờ ơ, lãnh đạm  “im hơi lặng tiếng”, khi chúng ta chưa dám ra khỏi ngục tù mặc cảm và sợ hãi để suốt đời  “dậm chân tại chỗ” ngay trên hành trình của Giáo Hội, và chấp nhận là người Kitô hữu thụ động, tiêu cực, đứng bên lề, ở đàng xa, không bao giờ dám mở miệng lên tiếng đáp lại tiếng gọi của Giáo Hội để cùng mọi người Hiệp Hành vì lợi ích của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh.

Jorathe Nắng Tím      

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...