TMĐP- Chỉ với tinh thần và thái độ trung thực, khiêm tốn của Gioan, chúng ta mới xứng đáng là Tiếng kêu “Hãy dọn đường cho Đức Chúa”, và Tiếng của chúng ta mới mang được Lời Thiên Chúa vào lòng người…
Tiếng và Lời không luôn là một, bởi thế trong cuộc đời mới có những hiện tượng “oang oang như lệnh vỡ, nhưng nội dung rỗng tuyếch, vô nghĩa”, hoặc nói lung tung, linh tinh, lang tang như không nói gì.
Gioan là Tiếng, và Đức Giêsu là Lời, như chính Gioan đã khẳng định khi người ta hỏi ông là ai (x. Ga 1,19): “Tôi là tiếng hô trong hoang địa” (Ga 1,2). Tiếng hô ấy loan báo Lời của Thiên Chúa, chứ không công bố lời của người cất tiếng hô: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,20). Và để củng cố tính xác thực của điều mình nói, Gioan nói thêm về mình với đám đông đang ùn ùn khắp nơi kéo tới gặp ông: “Tôi không phải là Đấng Kitô”, không phải Êlia, cũng không là ngôn sứ…(x. Ga 1, 20.21). Thế ra ông chỉ là Tiếng Hô, Tiếng Nói, loan báo, chuyển tải Lời Thiên Chúa, ý muốn của của Ngôi Lời.
Ý thức mình chỉ là Tiếng, Gioan biết mình chỉ là nhân vật nhất thời, chứ không là Ngôi Lời vĩnh cửu, vì Tiếng chỉ vang lên một lúc nào đó, còn Lời mới sống mãi đời đời; ý thức mình là Tiếng, Gioan không để đám đông đang ngưỡng mộ, thần tượng mình lầm tưởng mình là Đấng phải đến trong thế gian; không ỡm ờ “đánh lận con đen” để thiên hạ lẫn lộn giữa Tiếng với Lời, lầm lẫn người loan báo Đấng Cứu Thế và Đấng Cứu Thế, lầm tưởng người truyền giáo là chính giáo chủ, người giới thiệu cũng là người được giới thiệu, người làm chứng chiếm cứ ngôi vị Đấng được làm chứng.
Thực vậy, không chỉ trung thực, khiêm tốn, Gioan còn là người rất tinh tế và khôn ngoan : khôn ngoan trước đám đông nhẹ dạ, cả tin, bốc đồng, a dua, mê tín dễ bị mua chuộc và có thể liều lĩnh biến công việc đạo đức “kéo nhau đến xin chịu phép rửa xám hối” thành cao trào chính trị chống đế quốc xâm lăng do những kẻ xấu, hoạt đầu chính trị thúc đẩy, xúi giục khi tôn ông là Đấng Cứu Thế; tinh tế nhận ra ranh giới giữa ông và Đấng ông đang loan báo sắp đến rất mờ nhạt, nên dễ bị quần chúng xóa bỏ; vai trò tiền hô của ông và vị thế Đấng Cứu Thế của Đức Giêsu không luôn dễ được đám đông qúa khích, cuồng tín nhận ra.
Vì thế,Gioan đã nhiều lần cương quyết khẳng định: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Bị gặng hỏi: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay ngôn sứ?” , Gioan đã thẳng thắn nói cho đám đông về vai trò của ông, mà nhiều người tỏ ra bất ngờ và không tin: “Tôi đây làm phép rửa trong nước . Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,24-27).
Quả thực nhân vật Gioan với những chọn lựa độc đáo của người được gọi để làm Tiếng, làm Tiền Hô thúc đẩy mỗi người chúng ta suy nghĩ về tâm tình và thái độ sống sứ vụ của mình, bởi không ít lần, chúng ta đã tự nhận mình là Lời trong khi chỉ được gọi làm công việc của Tiếng.
“Tự nhận là Lời ” mỗi lần chúng ta lên tiếng nói điều mình nghĩ, ý mình mong, việc mình tìm kiếm, mặc đù đó là những ý nghĩ, ước muốn, kế hoạch của con người, mà không phải ý muốn, chương trình, đường lối thánh thiện của Thiên Chúa; “tự nhận là Lời” khi quên mình là Tiếng người được chọn để nói Lời Thiên Chúa cần được loan báo, rao giảng ; “tự nhận là Lời” khi chúng ta độc chiếm diễn đàn trong tư cách người chứng của Thiên Chúa để thao thao bất tuyệt tung hứng thân thế, thành quả, công trạng của bản thân, của gia đình, phe nhóm, mà quên sứ vụ làm chứng Đấng mình tôn thờ, phụng sự; “tự nhận là Lời”, khi không phục vụ Lời nhưng lợi dụng Lời để bôi nhọ thanh danh, quy kết tội trạng, buộc tội cách bất công những người tìm đến nghe chúng ta vinh danh, chúc tụng Đấng mà họ tôn thờ, tin tưởng, yêu mến, phó thác, cậy trông.
Trong những trường hợp đáng buồn “tự nhận là Lời” trên, Tiếng sẽ trơ trọi, trơ trẽn khi người nghe không có gì để nghe, không có cách để hiểu, bởi lấy Lời ra khỏi Tiếng, thì Tiếng sẽ trở nên vô nghĩa, vô vị, kể cả vô lý, vô cảm; lấy Lời ra khỏi Tiếng thì Tiếng chỉ còn là âm thanh ồn ào, xáo rỗng, còn lại một công năng duy nhất là làm điếc tai, nhức đầu, long óc người nghe, mà không chạm đươc trái tim, không vào được tâm hồn, không biến đổi được cõi lòng họ.
Mùa Vọng về mở ra hy vọng được gặp Thiên Chúa, khi trở về với chính mình bằng nhận diện mình chỉ là Tiếng chứ không là Lời, nhận ra mình là Tiếng của con người được chọn để loan báo Lời Thiên Chúa được ban, Tiếng của môn đệ làm chứng Thầy là Ngôi Lời hằng sống, Tiếng của người được sai đi công bố Lời của Đấng Thiên Sai, loan báo Ngôi Lời làm người để yêu thương, cứu chuộc.
Không dễ phân biệt Tiếng và Lời, nhất là khi Tiếng muốn nuốt Lời vì tham vọng, ích kỷ; không dễ tôn trọng, trân qúy Lời khi Tiếng trấn áp, vùi giập, che dấu Lời vì Tiếng kiêu căng, ngạo mạn; không dễ nói lên Lời, diễn tả Lời, hô lớn Lời, ca vang Lời khi Tiếng mải mê quyền bính, say mê danh vọng, ngủ mê trong lợi thú.
Vì thế, để là Tiếng của Lời hằng sống, Tiếng loan báo Lời cứu độ, người được chọn làm Tiếng Nói của Thiên Chúa cần trung thực như Gioan, khi ông không ngần ngại công bố ngay từ phút đầu sứ vụ Tiền Hô, dọn đường của mình: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa”, tôi không phải Ngôi Lời, không phải Đấng Thiên Chúa sai đến giải phóng, cứu độ anh em. Tiếng của Lời Chúa cũng cần khiêm nhường như Gioan đã không do dự nói cho đám “fan cuồng” đông đảo bao quanh biết sự thật về mình: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16).
Vâng, chỉ với tinh thần và thái độ trung thực, khiêm tốn của Gioan, chúng ta mới xứng đáng là Tiếng kêu “Hãy dọn đường cho Đức Chúa”, và Tiếng của chúng ta mới mang được Lời Thiên Chúa vào lòng người, mới vang vọng Lời hằng sống và yêu thương của Ngôi Lời trong tâm hồn người nghe, mới có sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm rung động những trái tim đang khao khát lắng nghe Lời cứu độ.
Jorathe Nắng Tím