TMĐP- Niềm tín thác, hy vọng không hão huyền, mơ hồ, vu vơ, nhưng vững chắc và bảo đảm vì được đặt trên niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Vào năm 740 trước Công Nguyên, khi vua Útđigiahu băng hà, đã xuất hiện trong Ítraen một đại ngôn sứ có tên Isaia. Ông được Thiên Chúa gọi ngay tại Đền Thờ Giêrusalem trong một quang cảnh vô cùng uy nghiêm, huy hoàng như ông đã kể lại: “Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của người bao phủ Đền Thờ. Phía trên Người, có các thần Xêraphim đứng chầu… Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù” (Is 6,1-4).
Trước cảnh tượng uy linh, thánh thiện, Isaia đã thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6,5).
Ngôn sứ thốt lên như vậy, vì ông nhìn thấy sự cách biệt xa vời vô cùng giữa cao cả tuyệt đối của Thiên Chúa và tận cùng bé nhỏ của mình; cũng như nhận ra hố sâu thăm thẳm mà không cách nào nối liền được giữa Thiên Chúa chí thánh và con người tội luỵ. Nhưng chính trong lúc ý thức mình bất xứng, ông đã được một trong các thần Xêraphim lấy một hòn than hồng từ bàn thờ chạm vào miệng ông và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha tội và xá tội” (Is 6,7). Và Thiên Chúa đã chọn ông làm ngôn sứ và sai ông đi nói với dân điều Ngài muốn.
Nếu Thiên Chúa Giavê trong Cựu Ước đã chọn Isaia sau khi tỏ cho ông vinh quang của Ngài và ông nhận ra thân phận yếu đuối của mình, thì Đức Giêsu trong Tân Ước cũng không làm khác, khi gọi bốn môn đệ đầu tiên bên bờ hồ Ghênnêxarét, trong số đó có ông Simôn Phêrô, người được thánh sử Luca nhắc đích danh: Hôm ấy Đức Giêsu lên thuyền của ông Simôn, và “Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút … và từ thuyền Người giảng dạy dân chúng. Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5,3-6).
Trước mẻ cá lạ lùng chưa bao giờ nhiều đến thế khi vâng lời Đức Giêsu thả lưới, “Simôn Phêrô đã sấp mặt dưới chân Đức Giêsu mà nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8) như Isaia đã kêu lên trước Đức Chúa: “Khốn thân tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế…” trước vinh quang thánh thiện của Thiên Chúa Giavê.
Ở đây, chúng ta nhận thấy một điều khác biệt với mọi người ở Simôn Phêrô sau khi ông được tận mắt chứng kiến phép lạ mẻ cá khủng Đức Giêsu vừa làm, đó là ông đã thưa với Đức Giêsu “Lạy Chúa!” thay vì “Lạy Thầy!” như mọi người thường thưa với Đức Giêsu, và cũng như chính ông vừa mới thưa trước đó với Ngài.
Điều này chứng tỏ Simôn Phêrô đã tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng, cứu độ Ítraen dân Ngài.
Quả thực, vì nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Simôn Phêrô mới biết mình bất xứng; nhờ nhận biết người xin mình chèo thuyền ra xa một chút và bảo mình “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới” là Đấng Cứu Thế, Simôn Phêrô mới run rẩy sợ hãi và nhận mình là kẻ ô uế, cho đến khi Đức Giêsu âu yếm bảo ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”, Simôn Phêrô mới an lòng “đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5,10.11).
Như thế, lịch sử ơn gọi của các ngôn sứ, cũng như của các Tông Đồ, và của cả chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu đều bắt đầu bằng nhận ra vinh quang thánh thiện của Thiên Chúa, và thân phận bất xứng, tội luỵ của mình, để có thể khiêm tốn dấn thân, mạnh dạn tiến bước theo Tiếng Gọi, nhờ Tín Thác, Hy Vọng tuyệt đối ở Thiên Chúa vô cùng thánh thiện vì giàu lòng thương xót.
Thánh Phaolô đã củng cố niềm tín thác, hy vọng này của các tín hữu Côrinthô khi viết: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”(1 Cr 15,9-10). Và niềm tín thác, hy vọng ấy không hão huyền, mơ hồ, vu vơ, nhưng vững chắc và bảo đảm vì được đặt trên niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Jorathe Nắng Tím