Cảm thức

TÌNH HY VỌNG

TMĐP- Hy vọng trong tình yêu, trước hết là hy vọng yêu và được yêu mãi. Ta không thể yêu nếu không nuôi hy vọng. Chỉ có hy vọng mới cho ta sức mạnh để bước đi, nghị lực để vươn tới, can đảm để đương đầu.

Không thể có tình yêu nếu thiếu hy vọng. Người yêu là người hy vọng. Người có hy vọng, nuôi hy vọng, dám hy vọng là người biết yêu.

Ta không thể yêu một người nếu ta không có những trông chờ: ta trông chờ người ấy yêu ta hơn, yêu ta thật nhiều; trông chờ người ấy thành công, trông chờ một tuơng lai tốt đẹp của cuộc tình.

Trông chờ là điều kiện bắt buộc của kiếp người. Sở dĩ phải trông chờ vì nơi ta nhiều bất toàn, nhiều thiếu sót; những bất toàn đợi chờ hoàn thiện, những thiếu sót trông đợi tròn đầy. Sống từ nay là hướng về phía trước vì thời gian trôi đi trước mặt, vì bánh xe cuộc đời quay theo hướng tương lai, vì cuộc đời dù muốn dù không cũng đã là một hành trình phải đi, phải bước tới. Bước tới gợi một trông chờ, lên đường nhắc một ngày mai. Trông chờ những gì sẽ đến, có thể đến và ngày mai không là hôm nay với những gì đang có. Không ai trông chờ cái đã có, không ai ngóng đợi người đang có mặt mà chỉ trông người chưa đến và đợi điều sắp xảy ra.

Tình yêu cũng là một hành trình, hành trình về một chân trời xa, một miền đất lạ, một tương lai sẽ đến.

Nếu hiểu tình yêu là một tặng phẩm chỉ việc mở ra thưởng lãm rồi giữ mãi nguyên hình, nguyên dạng thì quả thực thứ tình này phải được gọi bằng một danh xưng khác, hoặc là “tình yểu” hoặc là “tình tang“. Giữ nguyên si tình yêu là để tang tình yêu. Gói chặt tình yêu trong bao nhựa là cúp hết dưỡng khí nuôi tình yêu. Đóng kín tình yêu trong hộp là bỏ tù tình yêu. Đón nhận tình yêu như món quà bất di bất biến là đày đọa tình yêu. Bởi tình yêu là một sức sống mà sống thì phải động. Không có sự sống bất động, không có người sống im lìm. Tình yêu lại gắn liền với con người sống nên nó động liên tục, động mạnh mẽ, động không mỏi mệt. Và bao lâu con người còn sống thì tình yêu còn động. Nó động với cuộc sống, động trong người sống, động như người sống và động để được sống.

Tình yêu đi vào đời sống, tình yêu làm nên cuộc sống, tình yêu cùng chung sự sống để tình yêu luôn sống động và để sự sống được tác động bởi tình yêu. Như thế “tình” với “sống” là một, nên có sống tình thì tình mới sống.

Sự chết thường lấm lét sợ sệt tình vì tình thường mạnh hơn sự chết. Sự chết còn là kẻ thù của tình vì tình ham sống và luôn muốn có mặt trong cuộc sống, ăn nằm với người sống, chung chạ với đời sống.

Chấp nhận sống, tình phải chấp nhận quy luật của sự sống. Mà quy luật căn bản của sự sống là biến chuyển, đổi dời. Nói đến biến chuyển tất phải nghĩ đến hai chiều của biến, hai đường của chuyển: biến đẹp hơn hoặc xấu hơn; chuyển lên hoặc chuyển xuống. Tình yêu cũng không thể đi ngoài định luật này. Nó sống động nên cũng có thể lớn lên hoặc nhỏ lại; có thể khỏe mạnh, tươi tốt hơn mà cũng có thể gầy gò, héo úa dần. Như nuôi một em bé; nếu khéo nuôi em sẽ chóng lớn khỏe mạnh; nếu bỏ đói em nhiều ngày em sẽ yếu nhược, còm cõi.

Khi đón nhận tình yêu, tình yêu cũng như em bé được ký thác. Ta không thể chỉ nhìn ngắm, trầm trồ khen em bé đẹp, em bé xinh mà không cho em uống sữa, quên thay tã cho em. Ta cũng không thể để em bé tự lớn, tự pha sữa, tự đi lại; nhưng em trông cậy tất cả vào ta; trông cậy vào khả năng nuôi nấng, tình thương, lòng hy sinh tận tụy của ta. Thiếu cố gắng và việc làm của ta, em bé không thể sống và tự lớn được.

Khi mới yêu nhau, ta thường có cảm tưởng tình yêu ta đang có lớn lao vĩ đại lắm, tuyệt vời lắm. Lớn đến mức không cần phải nuôi nữa; vĩ đại đến mức vô cùng và tuyệt vời như chuyện tình của thần thánh nên có làm gì thêm nữa, tình yêu của ta cũng chỉ đến đó là cùng. Nghĩ như vậy ta đã quá ảo tưởng tình yêu, quá đánh bóng mối tình mà không biết rằng ta đã bắt đầu “khai tử” cuộc tình ngay ngày sinh của nó.

Để tang sớm một cuộc tình là rút nó ra khỏi thế giới sống, là cho nó vào viện “bảo tàng những cuộc tình“. Mà trong viện bảo tàng người ta chỉ thấy những pho tượng cổ, những bức tranh cũ, những đồ cổ từ hàng ngàn năm… chưa nói đến tình trạng “sứt xát, rạn nứt, cũ kỷ, hết thời” của những món đồ cổ trên.

Không ai trong chúng ta muốn mình trở thành đồ cổ trong bảo tàng này, càng không muốn cuộc tình của mình trở nên vỡ vụn, sứt xát, cụt đầu, thiếu tay. Cuộc tình được trông chờ ở mỗi người là cuộc tình có tiếng cười, có tâm sự, có nồng nàn môi hôn, có nước mắt dỗi hờn, có tháng ngày dệt mộng, có những đêm dài ái ân. Nhưng tình ấy chỉ có thể thực hiện được khi được nuôi sống bằng hy vọng. Hy vọng là dấu chỉ của một người đang sống. Hy vọng là bảo đảm tương lai của tình yêu. Cuộc sống không hy vọng không còn là cuộc sống nhưng là đám tang. Cuộc tình không hy vọng không là cuộc tình mà là đám táng. Thiếu hy vọng, tình yêu không có hướng tới, không có đà để lớn, thiếu hẳn dưỡng chất để tăng trưởng.

Hy vọng trong tình yêu trước hết là hy vọng yêu và được yêu mãi. Từ niềm hy vọng này, tình yêu trổ sinh nhiều hy vọng khác: hy vọng đổi mới người mình yêu bằng yêu họ; hy vọng thăng tiến chính mình vì mình được yêu; hy vọng thực hiện nhiều hoài bão nhờ yêu nhau, có nhau. Tất cả được thai nghén trên hy vọng và tất cả sẽ đơm hoa kết trái nhờ hy vọng.

Nhiều mối tình đầu đẹp như mơ nhưng thành tình mờ sau đó. Nhiều tình hồng thánh thiện như kinh đêm đã thành tình hỏng về sau. Nhiều tình tuyệt vời như trăng sao đã thành tuyệt tình không lâu sau. Ai đã làm hỏng những cuộc tình hồng, tình mơ, tình tuyệt vời này? Thường thì ông Trời phải gánh lấy trách nhiệm và anh chị sẽ buồn tình cất tiếng hát: “Tại Trời sui khiến nên chúng mình xa nhau…” Tội nghiệp cho ông Trời nhưng cũng may cho con người vì ông Trời không nói, thích im lặng để thiên hạ thất tình, bạc tình có chỗ mà đổ tội, có nơi mà trút giận, có người mà xả stress. Nhưng nguyên nhân chính của những đổ vỡ này là do ảo tưởng về tình yêu, xem tình yêu như búp bê không cần phải nuôi dưỡng chăm lo gì trong khi thực chất tình yêu như một cây non rất mong manh, dòn mỏng. Nó cần những tia nắng ấm, những làn gió nhẹ, những hạt mưa lất phất của hy vọng. Nó khao khát được rung rinh, nhún nhảy, nghiêng mình đon đả trước gió xuân hy vọng. Không hy vọng, cây non tình yêu chết rũ, lá xanh tình yêu héo úa, nhựa nồng tình yêu khô cạn.

Tóm lại, ta không thể yêu nếu không nuôi hy vọng. Đường dài không hy vọng sẽ làm ta tuyệt vọng. Chỉ có hy vọng mới cho ta sức mạnh để bước đi, nghị lực để vươn tới, can đảm để đương đầu. Như sự sống, tình yêu là một sinh hoạt. Như cuộc đời, tình yêu là một cuộc đấu tranh trường kỳ. Không hy vọng, lữ khách sẽ mệt nhoài, bỏ cuộc.

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version